Xu thế phát triển đa kênh giữ ngành bán lẻ ổn định
Mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến được xem là giải pháp giúp các nhà bán lễ ổn định doanh thu.
>>Doanh nghiệp bán lẻ thích ứng với xu thế tiêu dùng hiện đại
Qua khảo sát thường niên của Sapo.vn – nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh được sử dụng nhiều nhất Việt Nam (Sapo), 15.000 khách hàng cho biết bị ảnh hưởng doanh thu nặng nề so với năm 2022, tiếp cận nguồn vốn khó khăn nên không chi tiêu mạnh tay cho marketing và tiếp thị. Theo đó, thu trung bình năm 2023 của phần lớn cửa hàng sụt giảm trên 30% so với năm 2022 (chiếm tỷ lệ 28.5%).
Ba điểm sáng trong năm 2023
Tổng tỷ trọng nhà bán hàng ghi nhận sự giảm sút doanh thu chiếm tới 60,99%. So sánh trong 5 năm vừa qua, năm 2023 lặp lại tình trạng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, chỉ xếp sau năm 2021 (cao điểm của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội). Vì vậy, các chủ cửa hàng có xu hướng cắt giảm nhân viên, thể hiện ở tỷ lệ cửa hàng có dưới 5 nhân viên đã tăng lên (chiếm 69,64% đáp viên tham gia khảo sát). Đặc biệt là sự gia tăng của mô hình Cửa hàng không có nhân viên - chủ cửa hàng tự vận hành (9,27%).
Điểm sáng lớn nhất của ngành bán lẻ năm 2023 là sự chuyển dịch sang mô hình kinh doanh bền vững hơn. Một số nhà bán hàng đã chuyển dịch từ mô hình Cá nhân (không đăng ký kinh doanh) sang mô hình hộ kinh doanh cá thể hoặc Công ty (giảm từ 35% năm 2022 còn 29% năm 2023).
Điểm sáng thứ hai là nhóm nhà bán hàng có doanh thu trung bình 2023 ở mức 500 triệu - 1 tỷ và trên 2 tỷ đã tăng 3% so với năm 2022. Tuy giá trị đơn hàng trung bình có dấu hiệu sụt giảm (phổ biến ở mức dưới 300.000 đồng/ đơn), nhưng nhóm có doanh thu cao trong ngành Bán lẻ lại tăng lên; Điều này cho thấy một số nhà bán hàng đã áp dụng thành công các chiến thuật mở rộng kinh doanh, bán thêm các sản phẩm mớivà chuyển dịch sang tệp khách hàng có khả năng chi trả tốt hơn.
Điểm sáng thứ ba, một mô hình kinh doanh đang trở thành điểm nhấn là quán Bida (Billiards). Thực tế cho thấy, người kinh doanh có sự đầu tư lớn về mặt cơ sở vật chất cho quán bida theo hướng tổ hợp giải trí, tạo chương trình gắn kết thân thiết với tệp khách hàng trẻ tuổi, làm nội dung sáng tạo và thời thượng.
Trong năm 2023, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. Theo Sapo, có 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Sàn thương mại điện tử tiếp tục là kênh bán hàng online được sử dụng nhiều nhất trong ngành bán lẻ. Điểm nhấn đặc biệt trong năm 2023, các nhà bán hàng có xu hướng mở rộng thêm kênh TikTok Shop (tỷ lệ người kinh doanh bán chủ yếu trên kênh TikTok chiếm 5,9%, tăng nhẹ so với năm 2022)
“Bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh" trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tại các thành phố lớn đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên các sàn thương mại điện tử lớn, sự thay đổi về thuật toán trên các mạng xã hội - ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị, chào bán sản phẩm của ngành bán lẻ”, Sapo thông tin.
Theo đơn vị này, sự sụt giảm về doanh thu cũng được thể hiện qua các hoạt động marketing. Các nhà bán hàng tập trung tối ưu chi phí, hầu hết chỉ sẵn sàng chi trả dưới 10% doanh thu cho marketing.
Tuy được đánh giá là xu hướng chung trên toàn cầu, nhưng tiếp thị qua người nổi tiếng, người ảnh hưởng (KOL, Influencers) vẫn nhận nhiều sự dè dặt từ phía người kinh doanh trong ngành Bán lẻ. Tỷ trọng chi phí marketing cho kênh này chỉ chiếm 5,24% - xếp sau cả hình thức tiếp thị truyền thống là SEO website. Nhà bán hàng đang tận dụng KOL/influencers phần lớn đang kinh doanh lĩnh vực nước hoa, mỹ phẩm; Đồ mẹ & bé; Đồ gia dụng; Thời trang, quần áo, phụ kiện.
Sapo cũng cho biết hoạt động tạo chương trình khuyến mại giảm giá vẫn là phương thức thúc đẩy doanh thu hiệu quả nhất, chiếm đến 41,12% tỷ trọng các hình thức thúc đẩy doanh thu được nhà bán hàng ưa chuộng. Từ đó dẫn đến sự tăng trưởng đặc biệt của hình thức ship nhanh trong 1 - 4 giờ qua Grab, Ahamove Be bike,…. Tính cơ động, nhanh gọn và đáp ứng linh hoạt của hình thức này đã giải quyết đa dạng nhu cầu vận chuyển đơn hàng của chủ shop.
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang chiếm lĩnh ngành bán lẻ. Chuyển khoản qua số tài khoản ngân hàng đứng top 1 phương thức thanh toán được ưa chuộng của nhà bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên website và bán hàng đa kênh.
Sapo ghi nhận: “Dấu ấn đáng ghi nhận nhất trong năm 2023 của hình thức thanh toán trong ngành Bán lẻ là sự bùng nổ của chuyển khoản ngân hàng, bao gồm chuyển khoản bằng số tài khoản và chuyển khoản qua quét mã VietQR. Có tới 43,8% bhà bán hàng đang chấp nhận phương thức thanh toán qua chuyển khoản, trong đó 15,33% nhà bán hàng chuyển khoản qua hình thức quét mã VietQR. Trên thực tế, các nhà bán hàng luôn trang bị mã VietQR để khách hàng hay shipper chuyển khoản bất cứ lúc nào”.
Về nguồn vốn, có 67% nhà bán hàng chủ động được vốn tự có, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm đang kinh doanh trên đa kênh (54%), thời gian kinh doanh trên 3 năm (58%). Có 11% nhà bán hàng gặp hạn chế khi vay ngân hàng và đang cần những giải pháp khác để đáp ứng được nhu cầu vay vốn, phần lớn là loại hình hộ kinh doanh và có 7% nhà bán hàng không thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng dù muốn, phổ biến nhất là loại hình Công ty.
Xu hướng nào cho năm 2024?
Theo Sapo, lạc quan về tình hình kinh doanh là một trong những động lực lớn giúp cho nhà bán hàng vượt qua những thời điểm khó khăn, thực tế đã chứng minh qua thời kỳ giãn cách xã hội. Trong số các nhà bán hàng tham gia khảo sát của Sapo, 75% nhà bán hàng đặt kỳ vọng thị trường năm 2024 sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng.
Trong ngành bán lẻ, dự định phổ biến nhất của nhà bán hàng là mở rộng kênh bán (29,37%) lên các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo (27,07%), tiếp đến là các sàn thương mại điện tử (21,96%) và TikTok Shop (20,66%). Trong ngành FnB, các chủ nhà hàng, quán cà phê lại phần lớn lựa chọn việc đa dạng hoá mặt hàng kinh doanh (40,9%). Theo ghi nhận, kênh bán hàng được lựa chọn mở rộng nhiều nhất là kênh mạng xã hội (33,3%).
Sapo cũng cho rằng trong bối cảnh chính trị thế giới biến động khó lường, tình hình kinh tế trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, ngành Bán lẻ đang chịu những tác động nặng nề. Nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhà bán hàng trên cả nước, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý, thanh toán, vận chuyển, ngành Bán lẻ và FnB ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ Quý IV/2023, nhiều nhà bán hàng thể hiện niềm tin tích cực vào tình hình kinh doanh năm 2024.
Sapo cũng đưa ra dự đoán ba xu hướng sẽ dẫn đầu ngành bán lẻ trong năm 2024. Đầu tiên là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Trong những năm gần đây, bán hàng đa kênh đang thể hiện ưu thế về hiệu quả doanh thu và chi phí tiếp thị.
Thứ hai là, Shoppertainment & Edutainment - xu hướng không thể bỏ qua trong ngành bán lẻ. Mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số mang tính chất giáo dục sẽ đi kèm với tiếp thị sản phẩm.
“Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu coi việc mua sắm là hoạt động giải trí, các nhà bán hàng không chỉ thuyết phục được khách hàng xuống tiền nhờ công năng sản phẩm, mà còn dựa vào các hình thức tiếp thị sáng tạo, hấp dẫn, thu hút. Mặt khác, nội dung tiếp thị sản phẩm ngày càng cần gia tăng hàm lượng chất xám, mang tính chất giáo dục và cung cấp thông tin hữu ích cho người tiêu dùng”, Sapo nhận định.
Thứ ba là, hình thức thanh toán qua mã QR sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong số các hình thức thanh toán không tiền mặt. Các doanh nghiệp công nghệ như Sapo sẽ phối hợp chặt chẽ với mảng Bán lẻ của các Ngân hàng thương mại và Tổ chức tài chính để bắt nhịp xu hướng thanh toán của thị trường, đưa ra các giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nhà bán hàng và người mua hàng.
Theo đơn vị này, năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bán lẻ và FnB thuộc số ít các ngành có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Những yếu tố thuận lợi của ngành Bán lẻ và FnB rất cần sự chủ động phát huy từ các nhà bán hàng để thu được hiệu quả doanh thu cao nhất.
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng nào cho thị trường bán lẻ Hà Nội?
05:00, 27/01/2024
Jetro đưa sản phẩm Nhật vào kênh bán lẻ Việt Nam
02:00, 26/01/2024
Bán lẻ Việt hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
12:00, 20/01/2024
Triển vọng ngành bán lẻ: Kỳ vọng vào các xu hướng bán lẻ mới
04:30, 17/01/2024
Giá thuê mặt bằng bán lẻ duy trì tăng trưởng
03:00, 17/01/2024