Quảng Nam xác định các lĩnh vực ưu tiên xúc tiến đầu tư
Năm 2024, tỉnh Quảng Nam ưu tiên thu hút đầu tư các dự án ngành kinh tế số, ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao,...
>>Quảng Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp
Mới đây, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư xúc tiến đầu tư (XTĐT) tỉnh Quảng Nam năm 2024 với quan điểm hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục đổi mới theo hướng chuyên nghiệp - thiết thực - hiệu quả. Trong đó, tập trung thu hút, xúc tiến các ngành, lĩnh vực Quảng Nam có ưu thế, tăng cường gắn kết với các địa phương khác.
Cụ thể, chương trình XTĐT tỉnh Quảng Nam năm 2024 sẽ tập trung các nội dung như nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Tiếp đến, xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư đến các nhà đầu tư Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam cũng xác định sẽ hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động XTĐT,...
Hoạt động thu hút đầu tư tại Quảng Nam sẽ chuyển trọng điểm thực hiện thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế thế giới và khu vực để có kế hoạch xúc tiến đầu tư phù hợp, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ làn sóng đầu tư tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu và đặc biệt của khu vực châu Á.
Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ tập trung thu hút, xúc tiến các ngành, lĩnh vực Quảng Nam có ưu thế, tăng cường gắn kết với các địa phương lân cận vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cũng như các địa phương trong các vùng khác. Song song, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư; ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường,...
Quyết định do ông Bửu ký cũng nêu rõ: “Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và các loại khoáng sản, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.”
Các lĩnh vực sẽ được ưu tiên thu hút gồm các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…. Đồng thời, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam sẽ quy hoạch, định hướng công nghiệp vào đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, công nghiệp xanh ít sử dụng lao động. Phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của cơ khí theo hướng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới mà trong đó THACO Trường Hải là hạt nhân đóng vai trò dẫn dắt, hình thành chuỗi liên kết để sớm hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai mang tầm quốc gia.
Lĩnh vực đô thị ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển bất động sản, đô thị, nhà ở quy mô lớn, tạo động lực phát triển đô thị tại khu vực vùng Đông, thu hút các dự án bất động sản, nhà ở có quy mô phù hợp tại thị trấn các huyện khu vực vùng Tây. Trong đó, tập trung phát triển các khu đô thị biển, các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, tiêu chí xanh theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, gắn kết với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp của tỉnh; có tính kết nối trong nước và quốc tế.
Để thu hút đầu tư có hiệu quả, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Xác định công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” là hoạt động quan trọng, cần ưu tiên thông qua việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án đã được cho phép đầu tư để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, môi trường,…
Trong thời gian tới, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương sẽ triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò Tổ công tác đặc biệt của tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút xúc tiến đầu tư, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng. Song song với đó, Quảng Nam sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp về thuế, phí, thương mại, đầu tư... để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là trong các ngành có thế mạnh của tỉnh như công nghiệp (nhất là chế biến, chế tạo), thương mại du lịch, dịch vụ.
“Địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập nội tại kéo dài như quy hoạch, công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu, đất đai. Tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng đô thị, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Triển khai toàn diện, đồng bộ cải cách hành chính, tập trung nâng cao, cải thiện thứ hạng các chỉ số đánh giá, xếp loại của tỉnh gồm chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS)”, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Có thể bạn quan tâm