Kinh tế biển Quảng Nam “khó” ở đâu?

Diendandoanhnghiep.vn Có lợi thế về biển rất lớn để phát triển du lịch, công nghiệp, bất động sản,... song tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều “điểm nghẽn” lớn khiến kinh tế biển chưa thể phát huy hết các tài nguyên.

>>Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Với chiều dài bờ biển 125km, Quảng Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển và địa phương này đang huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.

Các ngành đều gặp khó

Theo số liệu, Quảng Nam hiện có 12/14 khu công nghiệp ven biển đang triển khai thực hiện đầu tư với tổng diện tích quy hoạch hơn 3.300 ha, tỷ lệ lấp đầy 53%. Hiện đã có , có 234 dự án đầu tư thứ cấp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/chấp thuận đầu tư; tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 77.571 tỷ đồng (tương đương 3,75 tỷ USD) với 153 dự án trong nước và 81 dự án nước ngoài. 

Theo số liệu của năm 2022, doanh thu từ các khu công nghiệp đạt gần 7,746 tỷ USD, giá trị xuất khẩu 238,41 triệu USD, giá trị nhập khẩu gần 3.929 tỷ USD. Trong đó, các khu công nghiệp nộp ngân sách gần 31.143 tỷ đồng.

Trong tương lai, Quảng Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư vào khu kinh tế ven biển.

Trong tương lai, Quảng Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư vào khu kinh tế ven biển.

Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay là tại Quảng Nam vẫn chưa có các doanh nghiệp sản xuất sâu các mặt hàng thủy sản, khoáng sản,... để xuất khẩu.Vì vậy, địa phương này đã bỏ lỡ một nguồn thu lớn từ các mặt hàng này. Cùng với đó, lượng hàng qua cảng biển cũng chưa thực sự đa dạng, cảng biển Quảng Nam phần lớn tập trung vào nguồn thu từ xuất, nhập khẩu của Thaco Trường Hải trong lĩnh vực ô tô.

Đối với du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương vẫn đang gặp nhiều trở lực để mảng du lịch biển, đảo trổi dậy mạnh mẽ. Trên thực tế, sản phẩm du lịch biển đảo Quảng Nam vẫn còn thưa thớt, chưa tạo điểm nhấn đặc biệt trong mắt khách du lịch. Song song với đó, bờ biển Quảng Nam đang đối mặt với vấn nạn sạt lở và hàng hoạt khu du lịch, nghỉ dưỡng phải bỏ hoang.

Với lĩnh vực bất động sản, tại Hội thảo “Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới” trước đó, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc biến các đô thị biển nói riêng và đô thị nói chung thành nơi đáng sống, tạo được nguồn thu lớn, khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế, hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động là những vấn đề cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, vị này cũng nói thêm đến nay Quảng Nam hầu như chưa có đô thị biển thực thụ. Phần lớn, khu vực tập trung đậm nét hoạt động kinh tế của các đô thị trên địa bàn Quảng Nam vẫn khá xa trong đất liền, chưa tận dụng được nhiều tài nguyên từ biển.

Cần động lực mới cho các ngành

Với lợi thế có khu kinh tế (KKT) ven biển đầu tiên của cả nước, đến nay tỷ lệ lấp đầy ở KKT mở Chu Lai tại Quảng Nam hiện đạt khoảng 67%. Với đóng góp ngân sách, trong nhiều năm liền KKT mở Chu Lai thường xuyên đóng góp 60 - 65% ngân sách tỉnh Quảng Nam và là cực tăng trưởng quan trọng nhất đối với phát triển công nghiệp và thu ngân sách địa phương.

Tuy nhiên để KKTVB này thực sự trỗi dậy và trở thành trung tâm công nghiệp của Vùng, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam cho rằng cần có thêm phương án để thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu đến với KKT mở Chu Lai. Cụ thể, Quảng Nam đang có lợi thế về việc vận chuyển quặng bô-xít từ Lào thông qua cảng biển xuất khẩu cần được tận dụng.

Nhiều lợi thế, song kinh tế biển Quảng Nam vẫn cần thêm động lực để phát triển vượt bậc, tăng thêm nhiều nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

Nhiều lợi thế về cảng biển, song Quảng Nam vẫn cần thêm động lực để lĩnh vực này phát triển vượt bậc, tăng thêm nhiều nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

“Nếu có một doanh nghiệp chế biến quặng tại Khu kinh tế thì địa phương sẽ có thêm ngành công nghiệp luyện kim đóng góp cho nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, việc nâng cấp quốc lộ 14D cũng sẽ mang thêm nhiều nguồn hàng từ nước bạn đến cảng biển, gia tăng nguồn thu khi tuyến đường đến cảng biển Quảng Nam so với những địa phương khác sẽ rút ngắn hơn 100km”, vị đại diện Ban quản lý nói.

Trong định hướng, Quảng Nam xác định phát huy tiềm lực công nghiệp ven biển với định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, địa phương đang nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư. Trong đó, KKT mở Chu Lai được xác định sẽ là động lực phát triển kinh tế liên vùng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Vì vậy, khu vực này sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có quy mô lớn, có tính động lực tác động đến các ngành công nghiệp khác cùng phát triển, mang lại nguồn thu lớn ngân sách và tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho người dân. Cụ thể, Quảng Nam sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp và dịch vụ, logistic,... gắn với cảng biển và cảng hàng không Chu Lai, công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp khí - năng lượng, sản phẩm sau khí và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng khí…

Song song, hệ thống cảng biển tiếp tục được đầu tư, có thể đảm nhiệm vai trò “trạm trung chuyển quốc tế” và trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các nước trên thế giới. Cụ thể, theo kế hoạch cảng Chu Lai sẽ được nâng lên thành cảng biển loại 1 quốc gia với tuyến luồng Cửa Lở được quy hoạch là tuyến luồng đạt chuẩn tắc luồng 1 làn, 2 chiều, dài 6km, rộng 140m, cao trình đáy nạo vét -13,2m, đảm bảo tàu 30.000 tấn đầy tải ra vào thường xuyên và có thể tiếp nhận các tàu 50.000 tấn hoặc lớn hơn.

Sản phẩm du lịch biển, đảo tại Quảng Nam vẫn còn thưa thớt.

Sản phẩm du lịch biển, đảo tại Quảng Nam vẫn còn thưa thớt.

Với hàng hóa qua cảng biển, trong năm 2023 Cục Hải quan ghi nhận tình hình hoạt động xuất, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện qua địa bàn Quảng Nam tăng cao, trong đó phương tiện đường biển 246 lượt, tăng 31,55% so với cùng kỳ, phương tiện đường bộ 26.923 lượt, tăng 283% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng hàng hoá quá cảnh qua cửa khẩu biên giới đường bộ tăng đột biến với 899 tờ khai, tăng 1.629% so với cùng kỳ, tổng khối lượng đạt 296.593 tấn, tăng 1.208% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu là các mặt hàng quặng nhôm bauxit và tinh bột sắn quá cảnh từ Lào đi Trung Quốc.

Theo số liệu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt hơn 3.575 triệu USD, giảm gần 24% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 10/12/2023, Hải quan Quảng Nam thu đạt gần 5.400 tỷ đồng, giảm 42,4% so với cùng kỳ và đạt 93,1% so với chỉ tiêu giao (5.800 tỷ đồng).

TS. Phan Thị Sông Thương - Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng với lợi thế về cảng biển và hạ tầng giao thông như hiện nay thì công tác phát triển logistics tại Quảng Nam cần được chú trọng. Cụ thể, cần quy hoạch ngành logistics cần bám sát với tiềm năng và lợi thế cạnh, quy hoạch chi tiết về mạng lưới giao thông kết nối giữa cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường bộ với cảng cạn/ICD và các trung tâm logistics.

“Quy hoạch phát triển logistics cần tính đến quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo “chân hàng” cũng như quy hoạch kết nối các nguồn hàng với các cụm logistics, trung tâm logistics nhằm giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế. Song song, tỉnh Quảng Nam cần có đề xuất, kiến nghị Chính phủ trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cảng cạn/trung tâm logistics của tỉnh vào dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào hệ thống cảng cạn quốc gia. Đây sẽ là nội dung tích hợp vào quy hoạch ngành quốc gia và là cơ sở quan trọng để tỉnh xây dựng và tích hợp vào Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ tới. Đặc biệt là tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác quy hoạch phát triển logistics”, TS. Thương đề xuất.

Về du lịch biển đảo, các chuyên gia cho rằng cần sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc từ cơ chế để phát triển. Cụ thể là một số một số vướng mắc trong công tác quy hoạch, cấp phép hoạt động đối với một số môn như Ca nô kéo dù bay, phao kéo, đi bộ dưới đáy biển, thuyền buồm,...  khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong triển khai sản phẩm.

Đồng thời, Quảng Nam cũng chưa lập quy hoạch và ban hành Quy định về quản lý, tổ chức hoạt động các vùng hoạt động thể thao giải trí dưới nước, trên biển đã làm khó khăn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn kinh doanh hoạt động này. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch biển nhìn chung còn đang được khai thác ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết nên còn chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa cạnh tranh được với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Khánh Hoà,... cần sớm có giải pháp nhằm thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư lớn để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển trên địa bàn.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế biển Quảng Nam “khó” ở đâu? tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714398049 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714398049 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10