Trung Quốc sẽ hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo của ASEAN?
Theo các nhà phân tích, việc Đông Nam Á thúc đẩy tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo có thể nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
>> Vì sao ASEAN cần thu hút "viện trợ xanh" từ Nhật Bản?
Theo báo cáo của Bloomberg News vào tuần trước, Trung Quốc đã bổ sung thêm 216,9 gigawatt năng lượng mặt trời vào năm 2023, vượt qua con số 175,2 gigawatt được tạo ra ở Mỹ, thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ hai thế giới. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp ích cho phần còn lại của châu Á.
Ông Tim Buckley, Giám đốc Cơ quan Tài chính Năng lượng Khí hậu có trụ sở tại Sydney, cho biết: “Trung Quốc sẽ có lượng xuất khẩu mô-đun năng lượng mặt trời lớn hơn đáng kể vào năm 2024 và 2025. Điều này sẽ khiến tình trạng dư cung toàn cầu lớn hơn nữa, làm giá mô-đun năng lượng mặt trời giảm đáng kể trong tương lai”.
"Giá xuất khẩu mô-đun của Trung Quốc đã giảm một nửa do hiệu quả của chúng đã được cải thiện đáng kể nhờ sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Tất cả những điều này đang làm tăng khả năng thương mại của năng lượng mặt trời so với các nguồn điện thay thế cả ở Trung Quốc và các thị trường khác”, ông Tim Buckley nói thêm.
Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và Singapore đang tăng tốc năng lực sản xuất năng lượng tái tạo phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc 2060, nhưng khu vực này cũng đang gặp khó khăn trong việc giảm sự phụ thuộc vào than và khí đốt.
Theo Aditya Lolla, Giám đốc Chương trình Châu Á của tổ chức tư vấn năng lượng Ember, với tình trạng dư nguồn cung mô-đun năng lượng, điều này giúp các quốc gia châu Á khác dễ dàng xem năng lượng mặt trời như một lựa chọn khả thi để mở rộng hệ thống năng lượng tương ứng của họ.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng những thách thức đối với các quốc gia châu Á khác là “rất khác” so với Trung Quốc vì thiếu khả năng tiếp cận tài chính và thị trường trưởng thành cho năng lượng tái tạo, cũng như cơ sở hạ tầng lưới điện và hệ thống lưu trữ pin chưa hoàn thiện.
>> Ô tô điện Trung Quốc tràn sang ASEAN, sau Thái Lan, Indo sẽ đến Việt Nam
Đồng quan điểm, ông Gerry Arances, Giám đốc Điều hành Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển cho biết, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên tái tạo tự nhiên, Đông Nam Á có rất nhiều dư địa để tăng trưởng trong sản xuất năng lượng tái tạo. Đây sẽ là cơ hội để Trung Quốc, quốc gia lãng giềng rất gần khu vực, phát triển và tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời ở các nước thuộc khu vực này.
Theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu, năm 2020, Trung Quốc cho biết quốc gia này đã đầu tư hoặc cam kết đầu tư 36,6 tỷ USD vào các dự án năng lượng mặt trời tại các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó 10,4 tỷ USD là ở Đông Nam Á.
Một số trong số dự án này bao gồm Dự án năng lượng mặt trời nổi trên sông Mê Kông có công suất 2,2 gigawatt ở Thái Lan; Dự án năng lượng mặt trời đập Don Sahong công suất 168 megawatt ở Lào và Dự án năng lượng mặt trời nổi Cirata công suất 140 megawatt ở Indonesia. Khi Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào các dự án năng lượng tái tạo ở nước ngoài, nguồn cung cấp linh kiện của nước này đã giúp các công ty trong khu vực nâng cao năng lực.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho biết vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo của khu vực. Theo chuyên gia Mike Lim, nguồn tài trợ của Trung Quốc cho lĩnh vực này ở châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu là trên cơ sở ngắn hạn chứ không phải dài hạn.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, môi trường pháp lý ở nhiều thị trường châu Á cũng đặt ra những rào cản như thiếu chính sách và khuyến khích rõ ràng, nhất quán cho việc phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực.
"Trung Quốc đang đẩy nhanh khả năng tiếp cận nhiều hơn với thiết bị và nguồn điện tái tạo trên khắp Đông Nam Á và các khu vực khác của châu Á, nhưng điều đó là không đủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của khu vực từ sản xuất nhiệt điện”, ông nói thêm.
Bà Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho biết Philippines, Malaysia và Việt Nam đang tăng tốc phát triển năng lượng mặt trời, nhưng tổng sản lượng của họ quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu điện của khu vực. “ASEAN đang bỏ lỡ nguồn năng lượng mặt trời có giá cả phải chăng để có thể thúc đẩy phát triển kinh tế”, chuyên gia này cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy năng lượng tái tạo vì mục tiêu đưa phát thải ròng về "0"
14:07, 25/12/2023
Cần có chính sách thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo
17:08, 12/10/2023
Cơ chế ổn định phát triển năng lượng tái tạo
01:00, 19/09/2023
Huy động vốn vào năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư mong ổn định chính sách
00:30, 15/09/2023