Nhà ở vừa túi tiền - xu hướng phát triển trong năm 2024

VI ANH 03/02/2024 16:00

Việc phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho đại đa số người dân.

>>Doanh nghiệp địa ốc bất ngờ báo lãi lớn

Nguồn cung liên tục sụt giảm và chưa có dấu hiệu bật tăng kể từ năm 2018 khiến tình trạng lệch pha cung cầu ngày càng nghiêm trọng.

nguồn cung nhà ở mở bán mới tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM đều ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Nguồn cung nhà ở mở bán mới ghi nhận mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Ảnh:VA

Nguồn cung hạn chế

Theo CBRE Việt Nam, nguồn cung nhà ở mở bán mới tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM đều ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi Hà Nội có tổng cộng gần 10.300 căn hộ chung cư và 2.600 căn nhà thấp tầng được mở bán (giảm lần lượt 32% và 84% so với năm 2022), thì nguồn cung tại khu vực TP.HCM ghi nhận mức sụt giảm mạnh, chỉ có hơn 8.700 căn hộ chung cư và 30 căn nhà ở thấp tầng được mở bán (giảm lần lượt 54% và 98% so với năm 2022). Qua số liệu trên cho thấy, trong năm 2023, nguồn cung căn hộ tại hai khu vực như Hà Nội và TP.HCM liên tục sụt giảm sâu.

>>Tín hiệu tích cực từ nợ trái phiếu doanh nghiệp

Có một thực tế là dù thị trường rất khó khăn nhưng giá bất động sản lại vẫn "neo" mức cao, cách xa so với thu nhập của người dân. Thậm chí, phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục duy trì đà tăng, thiết lập mặt bằng giá mới lên mức cao kỷ lục.

Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chỉ rõ, cả sức mua lẫn thanh khoản trên thị trường đều giảm mạnh. Việc thiếu nguồn cung đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp. Trong khi đó lại thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cũng như nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.

Đáng chú ý, không có bất kỳ dự án nhà ở hình thành trong tương lai nào thuộc phân khúc bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở trong năm 2021 và năm 2022. Tỷ trọng căn hộ trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở cũng liên tục giảm 2 con số kể từ năm 2020. Tình trạng này tiếp tục kéo dài và không được cải thiện thêm trong năm 2023.

Cần có cơ chế phát triển 

Có thể thấy, tình trạng mất cân đối cung - cầu kéo dài đã khiến giá nhà ở liên tục bị đẩy lên cao, thiết lập mặt bằng giá mới vượt xa khả năng chi trả của đại đa số người dân có thu nhập trung bình. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu, đồng thời đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.

việc phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội tháo gỡ những khó cho thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho đại đa số người dân.

Phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho đại đa số người dân.

Định nghĩa về phân khúc này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho biết, nhà vừa túi tiền là nhà ở thương mại có giá phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân, hướng tới nhóm đối tượng có mức thu nhập trung bình và cận trung bình. Theo đó, mức giá hợp lý là khi các gia đình có thể cân bằng giữa chi phí nhà cửa và các chi phí sinh hoạt khác trong phạm vi của thu nhập của họ.

Dựa trên kinh nghiệm đánh giá về khả năng chi trả nhà ở tại nhiều nước trên thế giới, nhà vừa túi tiền có chi phí nhà cửa chiếm không quá 30% tổng thu nhập của hộ gia đình. Với một hộ gia đình có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, 30% chi phí này tương đương với khoản tích lũy khoảng 100 triệu đồng/năm thì nhà ở vừa túi tiền có mức giá khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng/căn hộ.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay rất khó để phát triển được các dự án căn hộ có mức giá từ 2 – 2,5 tỷ đồng/căn, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Để thúc đẩy phát triển loại hình này, theo VARS, nếu cả thị trường cùng chung tay và các chính sách về nhà ở theo hướng kinh tế thị trường thì loại hình nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối. Khi khoảng cách không còn là vấn đề thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm ra ven đô là tất yếu.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc – CEO Phú Đông Group cho rằng, việc khó khăn nhất của doanh nghiệp là tìm ra được quỹ đất không chỉ với chi phí hợp lý mà còn phù hợp quy hoạch. Giải quyết được khâu quỹ đất để phát triển xem như được 50%.

Do vậy, Nhà nước nên có thêm chính sách và giải pháp thực hiện nhằm hỗ trợ cũng như gia tăng quỹ đất cho loại hình nhà ở này. 50% còn lại sẽ phụ thuộc vào thời gian triển khai công tác pháp lý dự án nên được rút ngắn; nhà nước có chính sách ưu đãi tín dụng với lãi suất thấp cho cả nhà đầu tư và người dân mua nhà; doanh nghiệp cân đối lợi nhuận kỳ vọng mức hợp lý, áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng để tăng năng xuất, tiết kiệm tránh lãng phí trong quá trình xây dựng. Như vậy sẽ có cơ hội tăng nguồn cung phân khúc này và giá bán sẽ phù hợp hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Tín dụng bất động sản sẽ khởi sắc

    Tín dụng bất động sản sẽ khởi sắc

    02:30, 03/02/2024

  • SSRG ra mắt khu bất động sản Marum tại tỉnh Kandal

    SSRG ra mắt khu bất động sản Marum tại tỉnh Kandal

    20:18, 02/02/2024

  • Bất động sản Việt Nam lọt

    Bất động sản Việt Nam lọt "mắt xanh" khối ngoại

    02:00, 02/02/2024

  • Cần giải pháp “cứu” doanh nghiệp xây dựng, bất động sản Quảng Nam

    Cần giải pháp “cứu” doanh nghiệp xây dựng, bất động sản Quảng Nam

    10:47, 01/02/2024

VI ANH