"Hút" khách du lịch cho Quảng Nam
Năm 2023, ngành du lịch Quảng Nam vượt chỉ tiêu về đón khách nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi những biến động trên thế giới chưa có dấu hiệu giảm.
>>Liên kết điểm đến du lịch nông thôn Quảng Nam
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng để phục hồi cho ngành du lịch, địa phương sẽ tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để năm 2024 cộng đồng doanh nghiệp có thể “khỏe” hoàn toàn.
- Thưa ông, trong năm vừa qua ngành du lịch Quảng Nam đã đón nhiều tín hiệu tích cực trong việc phục hồi. Xin ông chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp những câu chuyện ngành du lịch địa phương đã đón nhận trong năm 2023 vừa qua?
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực đưa ngành du lịch trở lại “đường ray” tăng trưởng và đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2023 ước đạt 7.550.000 lượt, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra trong năm 2023 (chỉ tiêu: 7 triệu lượt).
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3.870.000 lượt, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước đạt 3.680.000 lượt, giảm 0,9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch năm 2023 ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 18.683 tỷ đồng.
- Bên cạnh các tín hiệu tích cực thì sẽ còn những khó khăn, vậy thì du lịch Quảng Nam đang đối mặt với những thách thức thế nào, thưa ông?
Dễ dàng nhận thấy, hiện nay ngành du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động nên tác động đến sự phát triển du lịch gồm suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị, chiến tranh, biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển… đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành du lịch.
Đồng thời, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch Quảng Nam, các dịch vụ bổ sung còn yếu nên chưa kéo dài ngày lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch, các điểm tham quan mang tính nổi trội. Đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, các sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm còn hạn chế, một số điểm du lịch được xác định có tiềm năng của tỉnh vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nhà đón tiếp,...
Song song với đó, vẫn thiếu nguồn lực đầu tư một số dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch như nạo vét sông Cổ Cò, sông Trường Giang, nâng cấp sân bay Chu Lai thành Cảng Hàng không quốc tế, cảng phục vụ đón khách du lịch tàu biển...Cùng với đó là chưa thu hút đầu tư được các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển, dịch vụ du lịch mạo hiểm, dịch vụ kinh tế đêm.
Ngân sách cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn thấp, chưa tạo được sức thu hút lớn các thị trường trọng điểm; chưa tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên hơn để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của tỉnh.
Thị trường khách du lịch quốc tế chưa phục hồi mạnh mẽ, mức chi tiêu của khách nội địa còn thấp. Hợp tác công - tư còn hạn chế, vai trò của doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch, hội nghề nghiệp chưa được phát huy đúng mức. Thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch cộng đồng...
- Thưa ông, chính sách visa mới đã có hiệu lực và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá năm 2024 là năm “hấp thụ” các thị trường quốc tế, ông đánh giá câu chuyện này thế nào?
Từ ngày 15/8/2023, chính sách thị thực (visa) mới cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Đây là tin vui của ngành du lịch trong việc đẩy mạnh thu hút khách quốc tế thời gian tới.
Việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày sẽ nâng số ngày lưu trú, tăng chi tiêu của khác và giúp cho du khách quốc tế có thêm thời gian, cơ hội để thăm thú, trải nghiệm nhiều dịch vụ hơn tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.
Vì vậy, ngành du lịch cũng kiến nghị Chỉnh phủ xem xét tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Đồng thời, tiếp tục triển khai áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho nhóm các quốc gia đã được miễn thị thực đơn phương, bổ sung thêm các quốc gia được miễn thị thực đơn phương.
Trong đó, ưu tiên các quốc gia là những thị trường du lịch có tiềm năng phát triển mạnh phù hợp du lịch Việt Nam như: Mỹ, Úc, New Zealand, Canada... Một chính sách visa thông thoáng và dài hạn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt khách quốc tế, là đòn bẩy giúp cho du lịch phát triển.
- Về công tác xúc tiến du lịch quốc tế, xin ông chia sẻ thêm một số hoạt động địa phương đã, đang và sẽ làm để “hút” khách du lịch về với Quảng Nam?
Với định hướng thu hút thị trường khách quốc tế, Quảng Nam đang tập trung quảng bá và phát triển các loại hình như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch bền vững… Song song với đó là đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường và tiếp tục khai thác thị trường khách truyền thống: Châu Âu, Úc, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, trong đó tập trung vào phân khúc khách chất lượng cao và lưu trú dài ngày, mở rộng khai thác thị trường mới tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ,...
Đồng thời, ngành du lịch cũng tiếp tục triển khai các văn bản, kế hoạch đã ban hành như: Kế hoạch số 1713/KH-UBND ngày 24/3/2023 về việc thu hút và đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh Quảng Nam giai đoạn mới; Kế hoạch số 6467/KH-UBND ngày 03/11/2022 của UBND tỉnh về quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 5869/KH-UBND ngày 30/8/2023 về thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…
Cụ thể, sẽ có một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm tổ chức khảo sát, nghiên cứu và phân tích thị trường. Thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch gắn sản phẩm với từng thị trường cụ thể. Đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp với xu hướng thời đại cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với đẩy mạnh ứng dụng E-marketing, công tác truyền thông qua internet, các trang mạng xã hội, qua nhân vật có sức ảnh hưởng giúp quảng bá rộng rãi, nhanh và hiệu quả.
Ngành du lịch sẽ đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức và tham gia các sự kiện, hội chợ để mang lại hiệu quả quảng bá điểm đến và quảng bá dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp. Tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn đến khảo sát tìm hiểu du lịch Quảng Nam. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan truyền thông trong công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động sự kiện của địa phương
Ngoài ra còn có hoạt động kết nối doanh nghiệp du lịch tổ chức đánh giá các hoạt động quảng bá, xúc tiến hằng năm và xây dựng, công bố kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động, sự kiện cho các năm tiếp theo. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa từ doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị để có thêm nguồn lực cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh. Tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong quảng bá, xúc tiến du lịch.
Đặc biệt là hoạt động lồng ghép nội dung quảng bá và xúc tiến du lịch trong các buổi tiếp và làm việc với các đoàn công tác ngoại giao, gắn với xúc tiến đầu tư của tỉnh.
-Trong khí thế của năm mới 2024 – Xuân Giáp Thìn, ông kỳ vọng những tăng trưởng nào cho ngành du lịch địa phương và ngành du lịch Quảng Nam đã đặt mục tiêu thế nào cho năm nay?
Tiếp nối đà phục hồi du lịch năm 2022, năm 2023 Quảng Nam đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá, đổi mới sản phẩm nhằm thu hút khách… Lượng khách nội địa tăng trưởng mạnh, khách quốc tế quay trở lại Quảng Nam ngày càng nhiều. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy hoạt động du lịch đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19; đồng thời, là động lực tích cực để ngành du lịch đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Quảng Nam đã và đang tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững. Phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà phải có sự phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, Quảng Nam đang chú trọng phát triển các loại hình du lịch thể thao, nghỉ dưỡng biển đảo, chăm sóc sức khỏe…
Năm 2024, ngành du lịch Quảng Nam phấn đấu đat các chỉ tiêu như: Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 7,6 triệu lượt, trong đó: khách quốc tế ước đạt 3,9 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 3,7 triệu lượt. Doanh thu du lịch năm 2024 ước đạt 8.500 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 19.900 tỷ đồng.
- Với cộng đồng doanh nghiệp, ông có những nhắn nhủ gì đến các đơn vị trong hoạt động ở thời gian tới?
Hiệp hội du lịch cần phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp du lịch và trong phối hợp với các hiệp hội, hội ngành nghề khác có liên quan. Trong đó, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; hướng dẫn, hỗ
trợ các doanh nghiệp hoạt động, tuân thủ pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phát hiện, tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, khó khăn, vướng mắc chính sách lạc hậu phải phản ảnh kịp thời.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch: Phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn. Đầu tư nghiên cứu thị trường, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ; tích cực tham gia các chương trình kích cầu du lịch của tỉnh và các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch nước ngoài; tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Mở rộng dư địa du lịch sức khỏe tại Quảng Nam
03:00, 20/01/2024
Quảng Nam: Tạo “khoảng thở” cho di sản
15:59, 11/01/2024
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Quảng Nam
06:39, 11/01/2024
Quảng Nam: Kể câu chuyện du lịch qua ẩm thực
02:00, 01/01/2024
Hướng đi bền vững cho du lịch nông thôn Quảng Nam
01:00, 28/12/2023