Tại Quảng Nam hay tất cả các địa phương khác, du lịch nông thôn sẽ đi liền với các loại hình chủ lực gồm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch canh nông,...
>>Du lịch Quảng Nam tất bật dịp cuối năm
Diện tích vùng nông thôn của tỉnh Quảng Nam trải rộng, đa dạng văn hóa,... là dư địa, được đánh giá vượt trội so tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch.
Tránh con đường giá rẻ
Tại Quảng Nam hay tất cả các địa phương khác, du lịch nông thôn sẽ đi liền với các loại hình chủ lực gồm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch canh nông,... Và với định hướng phát triển du lịch xanh đang được địa phương đẩy mạnh, đây sẽ là động lực để doanh nghiệp, các địa phương ngoài “vùng lõi” tập trung xây dựng sản phẩm mới phù hợp để đưa khách đến trải nghiệm.
Trong giai đoạn hiện nay, với thương hiệu du lịch văn hóa, du lịch xanh,... có sẵn đã mở ra cơ hội lớn để Quảng Nam thúc đẩy du lịch nông nghiệp nông thôn. Các sản phẩm, điểm đến lân cận sẽ được dùng làm “vệ tinh” cho hai di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn – nơi được xem là “vùng lõi” của du lịch.
Về du lịch nông nghiệp, nông thôn, Quảng Nam đang có những làng rau Trà Quế, Gò Nổi, làng cổ Lộc Yên, Làng du lịch cộng đồng Đại Bình,... tạo được dấu ấn và thu hút được sự quan tâm khách du lịch trong thời gian qua. Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý rằng các sản phẩm tại đây vẫn chưa thật sự có chiều sâu.
Như ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nhìn nhận phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm ở mức đơn giản. Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu, dẫn đến lượng khách đến với các địa phương vẫn chưa như kỳ vọng.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel cho rằng cần có sự thay đổi trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể hơn là bỏ cách suy nghĩ du lịch nông nghiệp gắn với du lịch giá rẻ để các sản phẩm được hình thành có giá trị lớn, phục vụ đúng và đủ nhu cầu của du khách. “Nếu nghĩ đến giá rẻ sẽ thất bại ngay, tại Gò Nổi thời gian qua đã đón các tour có trị giá vài trăm đô la/khách với các dòng khách quốc tế mong muốn trải nghiệm hoặc thị trường MICE... Hãy cố gắng bán những gì chúng ta đang có nhưng phải chỉnh trang, thiết kế ấn tượng và phù hợp”, ông Hà nói.
Tránh sao chép, sản phẩm có chiều “nông”
Đến hiện nay, đã có nhiều điểm đến du lịch được hình thành mới, nhiều tuyến mới được xây dựng với điểm xuất phát từ TP Hội An. Tuy nhiên, vấn đề ở đây giữa doanh nghiệp và điểm đến cần có sợi dây liên kết để việc phục vụ du khách được đầy đủ, trọn vẹn và cần có sự chia sẻ giữa các bên để hướng tới thiết lập quan hệ đối tác, chia sẻ kiến thức, cơ hội hợp tác,...
Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch - dịch vụ Hoa Hồng đề xuất ngành du lịch địa phương cần xác định được “nhân tố nổi bật” của du lịch nông nghiệp, nông thôn để đầu tư mạnh làm mô hình điểm, tạo chuỗi sản phẩm có sức hút. Ngoài ra, vị này cũng lưu ý vấn đề tránh làm theo phong trào, sao chép ý tưởng, tìm mọi cách sớm thu hút tối đa du khách dẫn đến chuyện “sớm nở chóng tàn”.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng các nguyên nhân dẫn đến du lịch nông thôn thất bại khi điểm đến chỉ lo thu hút khách mà thiếu trải nghiệm, suy nghĩ thu lợi nhanh, không có chiến lược,... Cùng với đó là thiếu đi sự khác biệt, thiếu trải nghiệm trực tiếp với sản phẩm mà khách du lịch đã mua.
Theo ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và du lịch nông nghiệp Việt Nam, du lịch nông thôn đang ở thời điểm lý tưởng để khai phá, tạo ra mũi đột phá mới cho ngành du lịch không chỉ Quảng Nam mà trên phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, ông Tùng cũng nhấn mạnh rằng phải có chiến lược bài bản chứ không thể “ăn xổi” khiến sản phẩm lâm cảnh “chết yểu”.
“Vì vậy, phải chỉnh chu hoàn thiện sản phẩm rồi mới xúc tiến, truyền thông tránh gây thất vọng cho du khách. Đặc biệt, du lịch nông thôn là phải sâu sắc, tránh những tour du lịch “nông”, mồi khách đến để rồi nhanh chóng suy thoái. Cùng với đó, việc phát triển du lịch nông thôn phải hài hòa, minh bạch trong phân chia lợi nhuận và chia sẻ rủi ro, trong đó vai trò định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương cùng làm. Và quan trọng nhất là người dân tự nguyện tham gia, hưởng lợi ích vì họ là chủ thể của nông thôn. Nếu không sẽ rất khó bền vững”, ông Tùng nói.
Có thể bạn quan tâm