Đến nay, tính liên kết giữa các điểm đến, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam vẫn chưa bền chặt khiến nhiều tài nguyên vẫn còn trong trạng thái bỏ ngỏ.
>>Liên kết quảng bá du lịch Quảng Nam
Đó là thông tin được thảo luận tại Tọa đàm “Tham vấn xây dựng chương trình du lịch kết các điểm du lịch nông thôn tỉnh Quảng Nam” do Sở VH-TT&DL Quảng Nam tổ chức vào sáng ngày 15/12. Tại Tọa đàm, ngành du lịch muốn tìm hướng đi mới để kết nối với các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Thông tin từ Sở VH-TT&DL, Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch nông nghiệp nông thôn khi mà phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn – hai trong các đại diện nổi bật nhất của du lịch Quảng Nam và của Việt Nam đang dần trở nên đông đúc. Từ ghi nhận của đơn vị, Mỹ Sơn đã và đang thu hút ổn định lượng khách du lịch quốc tế, đô thị cổ Hội An đã được các tổ chức du lịch uy tín trên thế giới giới lựa chọn là điểm du lịch văn hóa hàng đầu trong khu vực là cơ hội để có thể phát triển thêm các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn làm vệ tinh, bổ sung cho các điểm đến du lịch chính của Quảng Nam.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết tỉnh Quảng Nam đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch về phát triển du lịch nông nghiệp và đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau và được du khách trong nước và nước ngoài đón nhận.
Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam có thể kể đến như làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu, làng du lịch cộng đồng Cẩm Kim, Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước),... cùng một số điểm cũng đang hình thành đưa vào đón khách như Làng Mường (Bắc Trà My), Làng du lịch cộng đồng Cửa Khe (Thăng Bình), Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Bàn)... Từ đó góp phần tạo ra việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động ở khu vực nông thôn, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, phát triển du lịch khu vực nông thôn cũng góp phần bảo tồn, phát huy, lan toả các giá trị văn hoá, thiên nhiên đặc sắc và bảo vệ môi trường tại các vùng quê có phát triển du lịch.
“Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam thời gian qua vẫn chưa thật sự có chiều sâu. Phần lớn sản phẩm du lịch do cộng đồng đầu tư, khai thác mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Đồng thời, nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch cộng đồng phần lớn được lồng ghép từ các nguồn tài chính khác nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch. Cùng với đó, tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người dân làm du lịch chưa được quan tâm đúng mức; một trong những rào cản lớn là chính sách, thủ tục về đất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch còn khó khăn, vướng mắc”, ông Văn Bá Sơn nói.
Theo ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Du lịch nông nghiệp nhu cầu của khách du lịch hiện nay là du lịch sâu, có hoạt động trải nghiệm, học tập. Theo vị này, vì những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, đại dịch và những bất ổn đã khiến nhiều du khách muốn rời đô thị để tìm về thiên nhiên và xem trong hệ sinh thái.
“Vì vậy, cần tăng số lượng tour và điểm đến du lịch nông thôn chiếm tỉ trọng trên 30% trong tổng số các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đồng thời, Quảng Nam cần liên tục có hành động, giải pháp để tăng liên tục số lượng tour, điểm đến du lịch nông thôn, đưa ra các dự án, đề án phát triển du lịch nông thôn dựa trên ba mục tiêu quốc gia. Cùng với đó là chọn những điểm du lịch, làng,… có tiềm năng để đưa vào danh sách phát triển du lịch nông nghiệp, mỗi điểm du lịch nông thôn phải có điểm đặc trưng duy nhất, không được sao chép, “bê nguyên xi” các điểm du lịch khác. Đặc biệt, cần hoàn thiện toàn diện một tour rồi mới quảng bá, truyền thông để tránh gây thất vọng cho du khách, không tạo những tour du lịch “nông”, ông Tùng đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Quốc Tuyển – Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Amber cho rằng khi doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch nông thôn sẽ huy động và quản lý nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Tuyển, từ đây sẽ góp phần khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch nông thôn bằng cách phát triển các gói tour, trải nghiệm và dịch vụ hấp dẫn và tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn.
“Doanh nghiệp cũng sẽ áp dụng các nguyên tắc quản lý hiện đại và chuẩn mực quốc tế giúp du lịch nông thôn hoạt động một cách hiệu quả và bền vững. Từ đó tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp và các đối tác nhằm tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ, tạo ra lợi ích kinh tế, góp phần bảo tồn văn hóa và môi trường. Song song là thiết lập mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, từ đó chia sẻ kiến thức và kỹ năng, xây dựng quan hệ đáng tin cậy, tạo ra các cơ hội hợp tác, xác định lợi ích chung”, ông Tuyển nói.
Theo định hướng, Quảng Nam đã xác định không gian phát triển các loại hình du lịch cho từng khu vực dựa trên tiềm năng, nhu cầu của thị trường như với Hội An, tỉnh Quảng Nam chủ trương phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Trong đó, một mặt, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống người dân. Mặt khác, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đẳng cấp tại khu vực ven biển để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, đồng thời giảm áp lực cho các khu di sản.
Có thể bạn quan tâm