Biển Đỏ “dậy sóng”: Nguy cơ “phân mảnh” kinh tế thế giới

[ TS. Võ Trí Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ] 23/01/2024 14:40

Các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ gần đây đã gia tăng và dường như chưa có bất kỳ dấu hiệu cho thấy sẽ giảm bớt đã thổi bùng những rủi ro gián đoạn dòng chảy vận tải hàng hải.

Căng thẳng Biển Đỏ không chỉ là sự dứt gãy của chuỗi cung ứng, sự “phá sản” của chính sách giảm lãi suất nhiều quốc gia mà còn là một biểu hiện của sự xung đột, đối đầu về địa chính trị, tạo nguy cơ phân mảnh kinh tế trên thế giới cao hơn.

 Houthi dùng trực thăng đổ bộ chiếm một tàu hàng. Ảnh: Getty Images

Houthi dùng trực thăng đổ bộ chiếm một tàu hàng. Ảnh: Getty Images

Căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ là cú sốc không phải chỉ Việt Nam mà các nước đều không mong muốn về mặt dòng chảy thương mại, phát triển kinh tế.

Ba tác động nghiêm trọng

Cú sốc này gây ba tác động tiêu cực, một là đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển cao hơn và khả năng cung ứng, khả năng xuất khẩu và quá trình hồi phục kinh tế thế giới chậm chạp. Khả năng lưu thông hàng hoá và tăng giá trị thương mại, ví dụ xuất khẩu của Việt Nam khó được đẩy lên mức mong đợi, thậm chí là suy giảm.

Tác động thứ hai là về phía bên cung, những chính sách chống lạm phát của nhiều nước có thể không được diễn biến như mong đợi là lãi suất giảm, áp lực lạm phát giảm. Nói cách khác, lạm phát có nguy cơ gia tăng.

Trong năm 2023, việc giảm giá năng lượng và ổn định trong chuỗi cung ứng đã giúp giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, tình hình không ổn định tại Biển Đỏ đang đảo ngược những yếu tố giảm lạm phát này, làm tăng thêm áp lực lên ngân hàng trung ương vốn đang nỗ lực kiểm soát lạm phát.

Một khi lạm phát tăng trở lại tại các nước châu Âu, ngân hàng Trung ương các nước sẽ phải tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát. Nhu cầu của các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng phục hồi chậm lại gây khó khăn cho xuất khẩu.

Tác động thứ ba, Biển Đỏ là một biểu hiện của sự xung đột, đối đầu về địa chính trị. Quá trình này nếu khó kiểm soát, diễn biến nghiêm trọng hơn càng tạo nguy cơ phân mảnh kinh tế trên thế giới cao hơn, gây tác động tiêu cực đến toàn thế giới không chỉ là chuỗi cung ứng bị đứt gãy mà hiệu quả phân bổ nguồn lực sẽ kém đi rất nhiều.

Kịch bản cho các cú sốc

Trước những cú sốc từ bên ngoài vậy, câu chuyện ổn định tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế là rất quan trọng. Ở góc độ vĩ mô cần chuẩn bị tốt cho các kịch bản kinh tế năm 2024 để đối phó với rủi ro từ bên ngoài. Trong đó, lành mạnh hoá hệ thống tài chính, ngân hàng, bất động sản hay tạo điều kiện để nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế là những giải pháp đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thực hiện được tốt.

Đặc biệt, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp có những giải pháp kích cầu cả bên ngoài và bên trong, cũng như đưa ra các chính sách tài khoá mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nền tảng cho dài hạn. Chúng ta đang sống trong cuộc khủng hoảng địa chính trị trên khắp thế giới từ Nga - Ukraine đến Israel - Hamas và giờ đây là Biển Đỏ. Điểm khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó là trong khi vượt khó người ta vẫn nói đến các cơ hội dù rất thách thức về việc tái cấu trúc nền kinh tế thế giới như: tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Vì vậy, cần làm sao để phản ứng nhanh, chuẩn bị công cụ đối phó với các cú sốc bất lợi như vụ việc tại Biển Đỏ hiện nay đồng thời tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, tham gia vào xu hướng toàn cầu như tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để sau khi cú sốc này qua đi, Việt Nam có thể vươn lên đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuỗi cung ứng toàn cầu sang trang mới

    Chuỗi cung ứng toàn cầu sang trang mới

    02:30, 13/01/2024

  • Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng, Trung Quốc tìm cách hoá giải

    Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng, Trung Quốc tìm cách hoá giải

    03:30, 09/01/2024

[ TS. Võ Trí Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ]