Vì sao OECD cẩn trọng với lạm phát?
Với những trắc trở trên tuyến vận tải biển nối Âu - Á khiến chi phí logictics tăng 100%, nếu kéo dài có thể khiến lạm phát của các nước thành viên OECD tăng thêm 5 điểm phần trăm.
>>> Biển Đỏ “rực lửa”: Nguy cơ lạm phát "đè nặng" doanh nghiệp
Vào cuối năm 2023, các hãng vận tải biển lớn bắt đầu chuyển hướng tàu của họ khỏi kênh đào Suez đi vòng về cực Nam châu Phi, do một loạt cuộc tấn công của phiến quân Houthi.
Quãng đường dài hơn và rủi ro hơn đã làm tăng chi phí nhập khẩu do hành trình kéo dài từ 30% đến 50%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, giá cước vận tải đường biển tăng 100% gần đây có thể gây lạm phát ở 38 quốc gia thành viên lên xấp xỉ 5 điểm phần trăm - nếu tình trạng này kéo dài.
Các nước thành viên OECD đều là những nền kinh tế hàng đầu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chu trình kinh tế toàn cầu. Do vậy, lạm phát của OECD sẽ ảnh hướng lớn đến toàn cầu do sự ảnh hưởng toàn diện của khối này.
Trong đó, châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi “cú sốc” giá năng lượng, tác động khủng khiếp của lạm phát đối với thu nhập và tiêu dùng thực tế cũng như sự phụ thuộc lớn hơn vào nguồn tài chính từ ngân hàng trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Lạm phát ở châu Âu mang đến nỗi khiếp sợ cho các quốc gia đang phát triển, phụ thuộc vào xuất khẩu, vì “lục địa già” là xã hội tiêu dùng với nhu cầu khổng lồ - lạm phát cao đồng nghĩa với thắt chặt chi tiêu.
Từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, xuất khẩu sang châu Âu bị đình trệ, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tại Đông Nam Á không có đơn hàng. Tất cả các đánh giá triển vọng kinh tế năm nay đều căn cứ vào khả năng phục hồi của châu Âu.
Hơn nữa, trong khó khăn, thị trường châu Âu trở nên “khó tính” hơn, có xu hướng bảo hộ, bảo vệ thị trường quốc nội của họ. Bằng chứng là ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan cao hơn.
>>>Châu Âu vẫn "loay hoay" giải quyết bài toán lạm phát
Hiện tại, dự báo tăng trưởng kinh tế mới nhất khu vực đồng euro tiếp tục ảm đạm, đã giảm 0,3 điểm phần trăm, xuống 0,6% cho năm nay. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh dự báo chỉ ở mức 0,7%. Nền kinh tế đầu tàu châu Âu, Đức được cho tăng trưởng 0,6%, mức yếu nhất trong các nền kinh tế lớn.
Tổng quy mô thương mại toàn cầu năm 2023 chỉ tăng trưởng chỉ 0,9%, thấp hơn đáng kể so với con số 5,1% của năm 2022. Năm 2024, thương mại toàn cầu tiếp tục bị đe dọa bởi căng thẳng địa chính trị, chiến tranh.
Mỹ là nền kinh tế duy nhất trong OECD được đánh giá tăng trưởng ổn định, nâng dự báo thêm 0,6 điểm phần trăm lên 2,1% trong năm nay. Tăng trưởng có vẻ mạnh mẽ hơn và lạm phát đang giảm xuống. Vì vậy, thu nhập thực tế ở Mỹ đang phục hồi và điều đó sẽ hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng.
Nghịch lý là trong bối cảnh này, Mỹ lại “làm khó” phần còn lại. Bởi vì, Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) chưa có lý do gì phải giảm lãi suất khi lạm phát đang hạ nhiệt và kinh tế tăng trưởng tốt - hướng đến kịch bản “hạ cánh mềm”.
Lãi suất cao, đồng USD mạnh là hai thứ đã “hành hạ” thế giới suốt mấy năm nay, có thể tạo ra tình trạng căng thẳng nợ nần trong các nước đang phát triển. Điều này chỉ có lợi cho nước Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm soát lạm phát với chính sách giảm thuế, phí
05:04, 01/02/2024
Năm 2024 áp lực lạm phát không quá lớn?
02:06, 28/01/2024
Biển Đỏ “rực lửa”: Nguy cơ lạm phát "đè nặng" doanh nghiệp
03:30, 24/01/2024
Chiến thuật “lạm phát tham lam”
02:30, 22/01/2024
Châu Âu vẫn "loay hoay" giải quyết bài toán lạm phát
03:00, 08/01/2024