Doanh nghiệp địa ốc chật vật lo thưởng Tết
Cuối năm, một trong những câu chuyện quan tâm nhất với người lao động là thưởng Tết. Song tình hình khó khăn của ngành bất động sản đang ảnh hưởng ít nhiều đến lợi ích này của nhân sự ngành địa ốc.
>>Không cấm thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Chia sẻ từ đại diện một tập đoàn địa ốc lớn tại Q.7 (TP.HCM) cho hay, thưởng tết đang là vấn đề gây “đau đầu” đối với doanh nghiệp. So với thời điểm những năm trước đây, doanh số năm nay giảm mạnh nhưng bù lại có nguồn thu từ việc bàn giao dự án, các khoản lãi từ công ty liên doanh.
“Chật vật” thưởng Tết
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cắt giảm bớt các chi phí hoạt động, bởi vậy năm vừa qua xem như cân đối được tài chính, vẫn đảm bảo được lương thưởng và cả hoa hồng cho nhân viên trong dịp Tết. Theo đại diện của doanh nghiệp, mức thưởng năm nay của công ty dự kiến khoảng 0,5 - 2 tháng lương, tùy hiệu suất của mỗi nhân viên.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho biết, tiền thưởng Tết nhân viên bất động sản được tính dựa trên doanh số kinh doanh. Tuy nhiên, trong năm nay, nhìn chung các doanh nghiệp địa ốc đều ghi nhận doanh số sụt giảm.
Theo ông Toản, doanh nghiệp trong năm nay còn khó khăn hơn thời điểm năm 2022. Trong khoảng hai năm trở lại đây đã không có chuyện thưởng bằng nhà lầu, xe hơi giới trong giới địa ốc. Bởi lẽ, việc duy trì thưởng Tết bằng tháng lương thứ 13 đã là sự cố gắng lớn đối với doanh nghiệp trong ngành.
>>Giải quyết bài toán về hạ tầng giao thông giảm sức ép cho vùng lõi nội đô
Với nhiều năm kinh doanh trong ngành, ông Toản cho biết, chưa năm nào khó khăn như năm nay. Một số đơn vị phân phối, thậm chí cả chủ đầu tư đã phải giảm số lượng nhân viên vì áp lực tài chính. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại nhằm khôi phục niềm tin của khách hàng chứ chắc chắn không có tiền thưởng Tết cho nhân viên. Bước sang 2024, thị trường bất động sản được dự báo vẫn sẽ còn tiếp tục khó khăn.
Trước bối cảnh khó khăn kéo dài, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí. Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhận định rằng, trong năm vừa qua, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường.
Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Chính vì vậy, ông Đính cho rằng, năm nay thưởng Tết là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Kỳ vọng năm mới khởi sắc
Nhận định về thị trường, theo ông Nguyễn Xuân Lộc - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Việt Nam, thị trường hiện đang có sự sàng lọc mạnh mẽ, doanh nghiệp nào không đủ sức phải chấp nhận rời khỏi cuộc chơi.
Ông Lộc cho biết, doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với những khó khăn về dòng tiền và môi trường pháp lý thay đổi liên tục. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường bất động sản vẫn còn tiềm năng phát triển lớn, các doanh nghiệp mạnh mẽ sẽ có cơ hội để bứt phá.
Bên cạnh đó, ông Ngô Quang Phúc – CEO Phú Đông Group kỳ vọng rằng, trong năm 2024 thị trường bất động sản sẽ “tươi sáng” hơn nhờ những động lực từ chính sách và nỗ lực của doanh nghiệp. Khi thanh khoản được cải thiện sẽ kéo theo mức thu nhập, hoa hồng và lương thưởng của các công ty, nhân viên hay môi giới trong ngành địa ốc được cải thiện hơn 2023.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đánh giá, động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được xem là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Ngoài ra, trong năm 2024, hành lang pháp lý sẽ hoàn thiện hơn khi các bộ luật mới được thông qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản.
Có thể bạn quan tâm