Khởi nghiệp từ làng nghề truyền thống Lụa Mã Châu

TUẤN VỸ - HUỲNH TRÃI 12/02/2024 07:00

Qua giai đoạn suy thoái, sản phẩm lụa Mã Châu đã đứng vững trở lại và đang từng ngày phát triển, một doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế để mở rộng thị trường mang lại nguồn doanh thu ổn định.

>>Quảng Nam: “Trợ lực” cho các Hội khởi nghiệp

Làng nghề Mã Châu có lịch sử hình thành và phát triển gần 600 năm, giai đoạn hưng thịnh nhất trong lịch sử lụa Mã Châu là khoảng thế kỉ 16. Lúc bấy giờ, làng nghề Mã Châu là điểm nút quan trọng trên con đường tơ lụa thế giới trên biển. Cùng với thương cảng Hội An thì đây là nơi thương lái nước ngoài đến trao đổi tơ vải với người dân trong làng.

Vào giai đoạn chiến tranh tàn phá, làng nghề Mã Châu cũng như bao làng nghề truyền thống khác tại Việt Nam rơi vào giai đoạn khủng hoảng và bắt đầu suy thoái. Đến năm 1970, sản phẩm Lụa Mã Châu bắ đầu phát triển trở lại và hợp tác xã làng nghề ươm tơ dệt lụa Mã Châu là khởi đầu cho những nỗ lực khôi phục làng nghề.

Theo ghi nhận, đến năm 2004 Làng lụa Mã Châu được công nhận là làng nghề truyền thống Việt Nam, giai đoạn này cũng bắt đầu uy thoái trầm trọng, khi Việt Nam bước vào gia đoạn hội nhập với thế giới. Sau khi bắt đầu có sự giao thương giữa các nước với nhau thì sự gia nhập các hàng tơ lụa nước ngoài, đặt biệt là của Trung Quốc đã khiên hàng tơ lụa Việt Nam không tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Và từ đây, một ý tưởng khởi nghiệp về sản phẩm lụa truyền thống đã nảy sinh với những con người xứ Lụa. Để xác định rõ hướng đi cho sản phẩm, Công ty TNHH Lụa Mã Châu ra đời từ những nhu cầu của thực tế, những người con xứ Lụa bắt đầu đi lên từ sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Bà Trần Thị Yến - Phó Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu cho hay từ 2015 trở lại đây, làng nghề, sản phẩm lụa Mã Châu đã bắt đầu quá trình khôi phục và phát triển trở lại. Thông tin từ vị này, tơ lụa Mã Châu từ công đoạn trồng dâu nuôi tằm đến thành vải có tổng cộng 20 công đoạn nhỏ.

Trong đó, có 4 công đoạn chính là trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ và hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra có rất nhiều công đoạn bổ trợ cho nhau như phơi tơ, quay tơ, ủ tơ, đánh ống,... tùy vào làng nghề sẽ cắt giảm bớt công đoạn tuy nhiên lụa Mã Châu vẫn giữ đầy đủ các công đoạn.

“Lụa Mã Châu sử dụng sợi tơ tằm tự nhiên để dệt vải do đó giữ được nguyên vẹn đặc tính của sợi tơ tằm mùa hè mát và mùa đông ấm, kháng khuẩn, chống độc, kháng mùi, sợi tơ tằm là loại sợi đên nay con người chưa thể chế tạo ra trong phòng thí nghiệm. Sản phẩm tơ lụa mã châu không đơn thuần là sản phẩm thương mại hay sản phẩm tơ lụa mà còn là quá trình hình thành phát triển của thương hiệu Mã Châu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của văn hóa địa phương. Tơ lụa Mã Châu đã lồng ghép đan xen văn hóa của người miền Trung, người Quảng Nam cho nên giá trị thương hiệu của nó là điều riêng biệt và duy nhất”, bà Yến cho biết.

a

Từ năm 2015 trở lại đây, làng nghề, sản phẩm lụa Mã Châu đã bắt đầu quá trình khôi phục và phát triển ổn định. 

Theo bà Yến, Làng nghề Mã Châu cũng giống như những làng nghề khác đều trải qua những thời điểm thăng trầm và khủng hoảng, suy thoái, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Xét về mặt thị trường, do sự cạnh tranh từ những thương hiệu, những sản phẩm nước ngoài giá rẻ mẫu mã đa dạng.

Lý do khác là những nghệ nhân của làng nghề truyền thống khá bảo thủ về những suy nghĩ, nghệ nhân chỉ sản xuất theo công thức và những mẫu mã từ xưa, không đổi mới đáp ứng theo nhu cầu của thị trường dẫn đến hiện tượng bị đào thải dần ra khỏi thị trường. Để đứng vững trên thị trường, chị Yến cho hay Mã Châu đã luôn đổi mới về mẫu mã, về chất lượng sản phẩm, đồng thời giữ nguyên được cái giá trị bản chất ban đầu của tơ lụa Mã Châu.

Theo bà Trần Thị Yến, tơ lụa truyền thống của Việt Nam thời gian qua có nhiều “điểm nghẽn” khó phát triển khi chính những người bán và người mua không hiểu rõ về sản phẩm. Từ đó dẫn đến hiện tượng một số người bán cố tình “lấp liếm”  bản chất, giá trị của sản phẩm thật để bán được giá cao dẫn đến việc hiểu biết của khách hàng không rõ ràng về sản phẩm này và tơ lụa trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bị làm giả nên người mua hàng không phân biệt được điều đó.

“Để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng thay vì hướng dẫn khách hàng mua sản phẩm đúng thì chúng tôi lựa chọn cách xây dựng Mã Châu thành đơn vị cung ứng tốt, từ đó khi lựa sản phẩm trên thị trường khách hàng có thể lựa nhà cung cấp an toàn và chính xác hơn. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của khách hàng về những sản phẩm xanh sạch thân thiện với môi trường, đối với những sản phẩm thời trang thì người ta chọn với tiêu chí thời trang bền vững, thân thiện với môi trường và tơ lụa có thể đáp ứng được những tiêu chí này nên xu hướng trong tương lai thì tơ lụa Việt Nam chắc chắn sẽ có được vị trí cao hơn và thị trường rộng hơn bây giờ”, bà  Yến nhìn nhận.

Sản phẩm lụa Mã Châu dần tìm được chỗ đứng trên thị trường và tìm hướng đi mới để vươn tầm quốc tế.

Sản phẩm lụa Mã Châu dần tìm được chỗ đứng trên thị trường và tìm hướng đi mới để vươn tầm quốc tế.

Thông tin từ bà Trần Thị Yến, đề án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019 của tỉnh Quảng Nam đã nói đến việc xây dựng Mã Châu thành điểm đến du lịch làng nghề và Mã Châu không chỉ nơi khách hàng đến tìm mua sản phẩm mà còn tham gia trực tiếp vào quy trình sản xuất. Song song với đó, đây còn là nơi bảo tồn lịch sử để du khách đến đây được trải nghiệm quá trình phát triển về làm nghề Mã Châu qua nhiều giai đoạn, khách du lịch sẽ thấy như một cuốn lịch sử sống như vậy sẽ đa dạng và phong phú hơn về sản phẩm du lịch.

Và bà Yến cũng cho hay, hiện nay mỗi tháng đơn vị cung ứng cho thị trường hơn  3000m vải, doanh thu năm 2023 đạt đến 3 tỷ đồng. Theo bà Yến, hiện tại đơn vị đang có 15 nhân công, lương tháng từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng tùy vào từng vị trí công việc.

“Định hướng của Mã Châu là xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế, ngoài những sản phẩm vải truyền thống thì Mã Châu sẽ cố gắng phát triển cung ứng cho khách hàng những sản phẩm tiêu dùng trực tiếp như áo, váy, khăn choàng,... để khách hàng có thể mua sản phẩm trực tiếp chứ không cần phải mua vải thô nữa”, bà Trần Thị Yến cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi nghiệp thành công với ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch

    Khởi nghiệp thành công với ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch

    17:29, 06/02/2024

  • Cơ chế phát triển trung tâm khởi nghiệp

    Cơ chế phát triển trung tâm khởi nghiệp

    13:46, 06/02/2024

  • TP. HCM: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được miễn thuế thu nhập

    TP. HCM: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được miễn thuế thu nhập

    06:25, 04/02/2024

  • “Quả ngọt” với khởi nghiệp Quảng Nam

    “Quả ngọt” với khởi nghiệp Quảng Nam

    06:36, 30/01/2024

TUẤN VỸ - HUỲNH TRÃI