Đông Nam Á thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi sang năng lượng sạch

CẨM ANH 09/02/2024 04:00

Nhiều chuyên gia cho rằng Đông Nam Á cần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương về năng lượng và thúc đẩy khu vực này tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi xanh.

>> Thúc đẩy đổi mới dịch vụ tài chính trong khu vực Đông Nam Á

Đông Nam Á có tiềm năng dẫn đầu toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo

Đông Nam Á có tiềm năng dẫn đầu toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo

Các cuộc đụng độ gần đây ở Biển Đỏ gần các trung tâm dầu mỏ ở Trung Đông một lần nữa bộc lộ điểm yếu về năng lượng của châu Á khi phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu của khu vực này phải nhanh chóng thực hiện cam kết COP28 về tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo.

Trong khi thế giới đã chuẩn bị tốt hơn để vượt qua những biến động như vậy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết rằng cứ 1 đô la Mỹ chi cho nhiên liệu hóa thạch thì 1,70 đô la Mỹ được hướng tới phát triển năng lượng tái tạo, nhưng Đông Nam Á vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Việc bổ sung công suất năng lượng tái tạo hàng năm trên toàn cầu đã tăng gần 50% vào năm ngoái - mức tăng trưởng nhanh nhất trong hai thập kỷ - tuy nhiên năng lượng sạch chỉ chiếm chưa đến 10% sản lượng năng lượng ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.

IEA cho biết, tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng của khu vực Đông Nam Á vượt xa mức trung bình toàn cầu, dẫn đến mức tăng trưởng lượng khí thải các bon lớn nhất so với bất kỳ khu vực nào. Nhiều quốc gia đã tìm cách cân bằng các mục tiêu chuyển đổi các bon với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để đáp ứng các mục tiêu kinh tế và xã hội.

Nhưng chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi nhiều vốn và sức lực hơn. Không giống như nhiên liệu hóa thạch, việc sản xuất năng lượng gió và mặt trời dao động trong ngày và các mùa khác nhau, ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt đang trở nên phổ biến do biến đổi khí hậu.

Do đó, hệ thống lưới điện thông minh với bộ lưu trữ dự phòng là cực kỳ cần thiết để cung cấp năng lượng sạch, đồng thời có thể phân phối phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trong khi phát triển năng lực sản xuất năng lượng tái tạo có thể được coi là giai đoạn đầu tiên hướng tới chuyển đổi xanh, việc phát triển hệ thống lưới điện linh hoạt cho người tiêu dùng là giai đoạn quan trọng thứ hai.

>> Vì sao ASEAN cần củng cố quan hệ với Nhật Bản?

Căng thẳng tại Biển Đỏ có thể góp phần giúp các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy

Căng thẳng tại Biển Đỏ có thể góp phần giúp các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch

“Châu Á vẫn còn hơi tụt hậu vì nhiều quốc gia vẫn đang ở giai đoạn 1.0. Nhưng khu vực này cũng đang ở vị trí rất tốt để nhanh chóng chuyển đổi năng lượng,” Mike Lim, đối tác tại TRIREC, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore tham gia vào quá trình khử các bon cho biết.

Một điểm sáng là động lực chuyển dịch trong khu vực khi Thái Lan, Việt Nam và Singapore đang tăng tốc năng lượng tái tạo, đồng thời sắp xếp các kế hoạch để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc 2060. Nhưng kế hoạch của các quốc gia này đang phải đối mặt với một thử thách thực tế khó khăn – hấp thụ và phân phối năng lượng tái tạo thông qua lưới điện truyền thống.

Các quốc gia Đông Nam Á đang hướng tới việc phát triển công nghệ lưới điện thông minh với mục tiêu cuối cùng là kết nối liên thông trong khu vực để các quốc gia dư thừa năng lượng có thể cung cấp cho những khu vực đang thiếu điện.

Tristan Pheh, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng Rystad Energy, Na Uy có trụ sở tại Malaysia đánh giá: "Philippines, Thái Lan và Singapore là những quốc gia nổi bật với sự chuẩn bị tốt và tỷ lệ sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng tăng nhờ vào hệ thống lưu trữ năng lượng pin hiện có”. 

Tuy nhiên, việc huy động vốn để triển khai năng lượng tái tạo có thể mất nhiều tháng để xem xét kỹ lưỡng. IEA và Tập đoàn Tài chính Quốc tế cho biết, đầu tư hàng năm vào lĩnh vực năng lượng sạch ở các thị trường mới nổi sẽ cần tăng gấp ba lần lên khoảng 2,2 nghìn tỷ USD - 2,8 nghìn tỷ USD hàng năm kể từ đầu những năm 2030.

Đông Nam Á là một trong những khu vực phải đối mặt với khoảng cách đầu tư năng lượng sạch lớn nhất. Chính tại đây, các trung tâm tài chính của khu vực là Hồng Kông và Singapore có thể dẫn đầu khi cả hai trung tâm này đều chứng kiến sự bùng nổ của các công cụ tài chính xanh mới trong những tháng gần đây.

Liên Hợp Quốc cho biết khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai cao gấp sáu lần so với các khu vực khác. Do đó, cần có sự chung tay của tất cả các bên để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương về năng lượng của khu vực và thúc đẩy khu vực này tiến xa hơn tới quá trình chuyển đổi sạch.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp tận dụng lợi thế tiên phong chuyển đổi xanh

    Doanh nghiệp tận dụng lợi thế tiên phong chuyển đổi xanh

    02:00, 16/01/2024

  • Thấy gì từ Diễn đàn chuyển đổi xanh của Việt Nam bên lề COP28?

    Thấy gì từ Diễn đàn chuyển đổi xanh của Việt Nam bên lề COP28?

    15:04, 02/12/2023

  • Cần 368 tỷ USD để theo đuổi lộ trình chuyển đổi xanh

    Cần 368 tỷ USD để theo đuổi lộ trình chuyển đổi xanh

    13:40, 22/11/2023

  • Nông nghiệp châu Âu thêm rào cản khi EU theo đuổi chuyển đổi xanh

    Nông nghiệp châu Âu thêm rào cản khi EU theo đuổi chuyển đổi xanh

    04:00, 21/11/2023

CẨM ANH