Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ hội vốn của doanh nghiệp
Mỗi năm, Việt Nam cần ít nhất 25 – 30 tỷ USD vốn đầu tư cho đến năm 2040 và căn cứ trên các kênh cung ứng vốn, Việt Nam có thể thiếu xấp xỉ khoảng 116 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng giai đoạn 2023 - 2040.
>>>Đa dạng kênh vốn cho doanh nghiệp
Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn
Đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những điều kiện quan trọng bậc nhất để nền kinh tế có hạ tầng đảm bảo phát triển, tăng trưởng. Trong đánh giá PCI (Provincial Competitiveness Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam, về xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và chất lượng điều hành kinh tế cho việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, các chuyên gia PCI nnhận thấy mối tương quan khá chặt chẽ giữa chất lượng điều hành kinh tế và chất lượng cơ sở hạ tầng. Chất lượng hạ tầng với 4 yếu tố thành phần cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu, đánh giá và ra quyết định đầu tư tại một địa phương.
Với đặc thù là nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đang trong quá trình tăng tốc đầu tư, cải thiện và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm 7% GDP trong 10 năm tới, đến năm 2030, và việc hoàn thành mục tiêu này phụ thuộc một phần vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Chính phủ đã ban hành các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực: Giao thông: tập trung vào đường cao tốc và tàu điện ngầm; Năng lượng: tập trung vào năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ, truyền tải, lưới điện của đất nước; Cấp nước và vệ sinh; Xử lý nước thải và rác thải; Cảng biển và sân bay; Viễn thông và kỹ thuật số; và gần đây nhất là nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư để thực thi kế hoạch rất lớn.
>>> Triển khai các giải pháp giải ngân tín dụng đúng mục tiêu ngay từ đầu năm
Chẳng hạn trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam cần vốn đầu tư tổng cộng 134,7 tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ cho các cơ sở sản xuất điện mới và nâng cấp hệ thống lưới điện, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup ví dụ.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính giá trị hiện tại của nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để thực hiện mục tiêu Net Zero.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ cần bổ sung đầu tư công bằng nhiều cải cách chính sách để thu hút đầu tư tư nhân. Các dự án đầu tư ưu tiên cho thích ứng từ nay đến năm 2040 có thể cần khoảng 254 tỷ USD, và để giảm tốc độ tăng phát thải sẽ cần ít nhất 81 tỷ USD.
Có thể nói là đầu tư cơ sở hạ tầng đang và sẽ là điều kiện cần để Việt Nam “bứt tốc” vị thế kinh tế trên trường quốc tế. Song để đáp ứng đạt điều kiện này, vấn đề nguồn lực tài chính sẽ là thách thức.
Khoảng trống tài chính và cơ hội huy động vốn dài hạn
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng lớn như vậy, nhưng hiện tại nguồn tài chính dài hạn ở Việt Nam chủ yếu từ các ngân hàng, với tín dụng hạn chế. Cụ thể, nguồn huy động nợ dài hạn ở Việt Nam chủ yếu đến từ các lĩnh vực sau:
Ngân hàng: Tổng công suất cho vay trung và dài hạn cho cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 4-8 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên nguồn cho vay dài hạn dự kiến sẽ giảm đáng kể do các yêu cầu quy định.
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ: Tổng danh mục đầu tư ước tính khoảng 29,3 tỷ USD. Hiện tại, họ phân bổ khoảng 80% danh mục đầu tư vào tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.
Công ty Bảo hiểm phi Nhân thọ: Tổng danh mục đầu tư ước tính khoảng 2,7 tỷ USD, hiện tại phân bổ khoảng 80% danh mục đầu tư vào tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.
Hỗ trợ Phát triển chính thức: Ước tính khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
“Theo ước tính của FiinRatings, trung bình hàng năm Việt Nam có khoảng cách tài trợ nợ từ 5,8 đến 6,8 tỷ USD, tức là tổng cộng nhu cầu tài chính lên đến 116 tỷ USD cho đến năm 2040”, ông Thuân cho biết.
Một tính toán của TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cũng nêu rõ, giai đoạn 2022-2025 Việt Nam cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm vốn đầu tư toàn xã hội. Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, cần huy động 700.000 - 1.000.000 tỷ đồng/năm từ nguồn vốn khác. Vì vậy, TS Cấn Văn Lực khẳng định “quy mô thị trường vốn Việt Nam hiện còn rất nhỏ, dư địa lớn và được đánh giá là tiềm năng, hấp dẫn. Đây vẫn sẽ là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng của doanh nghiệp".
Tuy nhiên, để phát triển thị trường bền vững còn nhiều rủi ro và thách thức. Do đó, chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp để hướng tới thị trường tài chính bền vững, minh bạch. Những giải pháp đối với thị trường trái phiếu vừa qua, cũng như nỗ lực để tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán theo mục tiêu đến 2025, là sự cần thiết để có một thị trường vốn đáp ứng được một phần nhu cầu vốn dài hạn, san sẻ bớt "gánh nặng" của kênh tín dụng.
Đặc biệt, việc Việt Nam được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao và trong năm vừa qua, được Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), triển vọng “Ổn định”, có ý nghĩa lớn chứng minh năng lực tài chính, khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ và sự ổn định của kinh tế, xã hội Việt Nam, với triển vọng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI lớn từ 2024.
Chuyên gia cho rằng xây dựng và giữ cho thị trường vốn phát triển ổn định, điều kiện thị trường vốn hoàn thiện và phát triển, với sự kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn; kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính, sẽ ngày càng củng cố niềm tin, thu hút đầu tư; qua đó tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn của nền kinh tế.
Đồng nghĩa, các doanh nghiệp được tăng cường cơ hội để đẩy mạnh huy động vốn, phát huy vai trò đầu tư tư nhân, đặc biệt đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, với chi phí hợp lí và nguồn lực ổn định hơn, từ đó đóng góp cho việc hiện thực kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện của quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh mới (kỳ 3): Các giải pháp huy động vốn hiệu quả
04:03, 17/11/2023
Ngân hàng tăng tốc phát hành trái phiếu để tăng huy động vốn
17:10, 29/10/2023
Quý III/2023, NCB đạt kết quả huy động vốn và tăng trưởng tín dụng tích cực
09:28, 23/10/2023
Công ty khởi nghiệp Pantomath “tạo điểm nhấn” giữa mùa đông huy động vốn
02:55, 18/10/2023
Huy động vốn vào năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư mong ổn định chính sách
00:30, 15/09/2023