Nhộm nhoạm chợ online: Coi chừng “mất tiền mua… bực”

NGUYỄN GIANG 15/02/2024 00:30

Nhiều người mua sắm online trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã bị lừa mất tiền nhưng lại không nhận được hàng hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái. Đây là một vấn đề nhức nhối!

>>Nhức nhối hàng giả trên thương mại điện tử

hihihihi

Nhiều loại sản phẩm giá rẻ được quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội

“Thượng vàng hạ cám…”

Việc mua sắm qua hình thức online hiện đang là xu thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt hiện nay, việc bán hàng còn nổi lên với hình thức phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, thu hút lượng lớn người theo dõi, chốt đơn. Các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, Shopee… đều cung cấp tính năng livestream, giúp người bán hàng tương tác trực tiếp với khách hàng và giới thiệu sản phẩm của họ một cách thực tế và sinh động.

Theo đó, hình ảnh được đăng tải với đa dạng chủng loại, mẫu mã, giá cả; trang nào cũng quảng cáo là hàng hóa chất lượng, thương hiệu lớn; thực phẩm thì luôn được quảng cáo là chất lượng đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng… Tuy nhiên trên thực tế, không phải lúc nào khách hàng cũng nhận được hàng hóa đảm bảo chất lượng như quảng cáo. Bởi bên cạnh việc giao thương lành mạnh, không ít đối tượng đã lợi dụng sự khó kiểm soát chất lượng hàng hóa ở các chợ online để bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái... gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, có nhu cầu trang bị thêm camera an ninh cho gia đình, anh Quốc Hưng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) tìm kiếm trên các sàn TMĐT và được chào mời mua mẫu camera Yoosee có giá chỉ 150 nghìn đồng, được tặng thêm thẻ nhớ đến 32GB.

Do từng mua và sử dụng chiếc camera cùng mẫu của hãng này với giá từ 250-500 nghìn đồng, anh Hưng cảm thấy ngờ ngợ, nhưng nghĩ rằng có thể đang có chương trình siêu khuyến mãi, nhà cung cấp đưa ra mức giá đặc biệt, cho nên quyết định đặt mua. Tuy nhiên, khi lắp đặt sử dụng, thấy hình ảnh kém chất lượng, anh Hưng phản ánh lại với sàn TMĐT và cả người bán nhưng không nhận được sự trả lời thỏa đáng, cũng như được đổi, trả theo thỏa thuận ban đầu.

Cũng là một trong số những nạn nhân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng qua hình thức online, chị Thu Huyền, ở phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Lướt trên một số trang TMĐT bán đồ gia dụng, tôi thấy có quảng cáo sản phẩm lò vi sóng mang thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản được người bán cam kết là hàng chính hãng, do đang trong thời gian khuyến mại nên giá thành sản phẩm rẻ hơn rất nhiều so với giá hãng niêm yết. Thấy vậy, tôi đã đặt mua. Tuy nhiên khi nhận hàng, sản phẩm tôi nhận được chỉ là hàng giả thương hiệu, do sai một chữ so với hàng chính hãng”.

Thực tế, những rủi ro khi mua sắm qua mạng như trường hợp của anh Hưng và chị Huyền không còn là hiếm gặp. Chỉ cần lướt trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok… không khó để người dùng tìm thấy những chai nước hoa hiệu Gucci giá 300 nghìn đồng, son môi hãng Dior giá 200 nghìn đồng, giày Nike chỉ với giá 150 nghìn đồng…

Trong khi vào cửa hàng chính hãng, giá các mặt hàng này lên đến hàng chục triệu đồng. Ông Minh Quốc, Giám đốc điều hành một chuỗi cửa hàng thời trang Việt cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn TMĐT, người tiêu dùng mua sắm dễ dàng và thuận tiện hơn, nhất là những sản phẩm có giá trị thấp. Nhưng cũng chính việc này đã tạo nên một “làn sóng” hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường online.

Trong khi đó, việc đổi trả hàng hay phản ánh của nạn nhân chỉ có thể thông qua sàn. Người bán không cần quan tâm đến khách hàng cũng như không có sự bảo vệ người tiêu dùng của sàn TMĐT. “Hàng hóa trên các sàn không được kiểm định chất lượng, người bán mặc sức quảng cáo. Chính vì những kẽ hở này, khách hàng là người phải gánh chịu thiệt thòi cuối cùng. Bản thân tôi cũng từng “dở khóc dở cười” khi mua hàng online, lúc nhận hàng xong, mới biết mình mua phải hàng giả”, ông Quốc nói.

>>“Dẹp bỏ” hàng giả trên mạng: Phải “truy vết” hàng hóa, định danh người bán hàng

Cơ quan chức năng kiểm tra một kho hàng tại Hà Nội

Cơ quan chức năng kiểm tra một kho hàng tại Hà Nội

Đầy rẫy rủi ro

Chia sẻ về nội dung này dưới góc nhìn chuyên gia, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, khi mua sắm online, người dùng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro. Theo ông Phú, nhiều trường hợp mua đồ trên mạng, đã thanh toán tiền, nhưng khi nhận hàng không như quảng cáo, sai mẫu, sai màu, không đạt chất lượng... là phổ biến. Ngay cả những sàn thương mại điện tử lớn được nhiều người sử dụng nhất hiện nay vẫn xuất hiện tình trạng hàng giả bán tràn lan. Việc quản lý thương mại trên mạng là rất khó khăn, còn là bài toán nan giải với cơ quan quản lý nhà nước.

“Mua bán online bên cạnh tạo ra xu hướng tiêu dùng mới được nhiều người ưa chuộng, song vẫn tồn tại mặt trái mà cụ thể ở đây là hàng giả, kém chất lượng bán công khai", ông Phú nói.

Đáng chú ý, trao đổi với Diễn đàn Doah nghiệp, nhiều ý kiến cho biết, ngay cả khi phát hiện hàng nhái, hàng giả, cũng khó mà khiếu nại, nhất là khi mua trên các trang mạng xã hội. Thấy bị khách hàng tố, khiếu nại là những đối tượng này lập tức chặn liên lạc, xóa thông tin… Còn người tiêu dùng loay hoay khi lỡ mua phải hàng kém chất lượng mà không biết cách thức khiếu nại, không biết cơ quan nào sẽ bảo vệ mình?

Trao đổi dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, ở Việt Nam, chính sách bảo vệ người tiêu dùng khá toàn diện, hiện tại đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Khám chữa bệnh; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, rượu bia; Luật Cạnh tranh, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật An toàn thông tin mạng 2015…

Tuy nhiên, theo luật sư Nhung, mặc dù có nhiều quy định nhưng các quy định vẫn chưa thống nhất nhau, và chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của không gian mạng nên quyền lợi của người tiêu dùng trên mạng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng.

Việc quản lý hoạt động quảng cáo bán hàng trên nền tảng mạng xã hội vẫn còn bỏ ngỏ, cơ quan chức năng vẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm và không thể xử lý được. Ngoài ra, với quy định khiếu nại phải ở tại địa bàn đặt cơ sở kinh doanh, thì với việc kinh doanh trên mạng, tìm địa chỉ của các trang bán hàng chẳng khác nào “mò kim đáy biển”, nếu đối tượng cố tình kinh doanh gian dối.

“Do đó, lời khuyên tốt nhất vẫn là người tiêu dùng nên lựa chọn những trang bán hàng online có uy tín, có địa chỉ cụ thể, có chính sách đổi trả hàng rõ ràng để tránh “tiền mất, tật mang””, luật sư Nhung khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần đồng bộ giải pháp để ngăn hàng giả phá… thị trường

    Cần đồng bộ giải pháp để ngăn hàng giả phá… thị trường

    03:50, 02/02/2024

  • Nhức nhối hàng giả trên thương mại điện tử

    Nhức nhối hàng giả trên thương mại điện tử

    15:54, 11/01/2024

  • Chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả

    Chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả

    21:18, 10/01/2024

  • “Dẹp bỏ” hàng giả trên mạng: Phải “truy vết” hàng hóa, định danh người bán hàng

    “Dẹp bỏ” hàng giả trên mạng: Phải “truy vết” hàng hóa, định danh người bán hàng

    03:30, 30/12/2023

NGUYỄN GIANG