Trải nghiệm mùa xuân biên giới
Xuân về, đất trời tràn ngập tươi xanh, sắc hoa e ấp chờ bung nở như khoác tấm áo mới. Thời điểm này du khách trải nghiệm sẽ thấy bình yên của vùng biên giới đang vào độ thay sắc...
>>>Con đường "tơ lụạ" đã dệt nên mùa xuân
Ánh nắng vàng trong công viên hoa trên đỉnh Cao Ly
Vùng biên Bình Liêu – Quảng Ninh mới có được một ngày đẹp, trời quang mây, ánh nắng chan hòa mang theo hơi ấm, cây rừng biếc xanh khẽ đung đưa trong gió, tiếng chim hót vang cả lưng đồi. Có được yếu tố “thiên thời”, chúng tôi quyết tâm cưỡi “ngựa sắt” men theo con đường có nắng xuân rải nhẹ gặp anh Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm HTX Hoa Bình Liêu, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, người có hành trình xây dựng công viên hoa Cao Sơn trên vùng núi Cao Ly, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số của miền sơn cước Bình Liêu.
Đứng giữa núi rừng biên giới Hoành Mô, huyện Bình Liêu, ấn tượng đầu tiên đó là hình ảnh một người đàn ông khoảng 40 tuổi có khuôn mặt chất phác, nước da rám nắng. Mới chưa đầy 2 năm chính thức lập nghiệp ở vùng núi cao biên giới, thế nhưng trong chiếc áo của người dân tộc Tày, nhìn Hải như một anh nông dân xóm núi thực thụ.
Theo chị Nguyễn Thị Giang – Du khách Hải Dương: Trải nghiệm nơi đây thật tuyệt. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi cứ muốn hít hà mãi không khí trong lành, muốn ngắm mãi những giọt sương đọng lại trên những cánh hoa, chiếc lá, chân dẫm lên thảm cỏ ướt đẫm sương đêm.
Theo chị Giang vườn hoa này có khoảng 1,5ha. Vườn hoa Cao Sơn được trồng phong phú các loài hoa, với hơn 2 vạn cây hoa trang trí, hoa ban công, hoa thảm, hơn 200 gốc hồng cổ, hồng ngoại… trong nhà kính, hệ thống tưới nước tự động hiện đại.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: HTX Hoa Bình Liêu đã tạo cho địa phương một sản phẩm du lịch mới, có tính bền vững, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Đồng thời, đây cũng là mô hình góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Không chỉ xây dựng công viên hoa trên đỉnh núi biên giới, để những người yêu hoa không ngần ngại vượt hàng chục, hàng trăm cây số đường núi ngoằn ngoèo đến thưởng thức, chụp ảnh, HTX Hoa Bình Liêu còn đem đến cho nơi này một làn gió mới, đưa người dân tiếp cận với cách làm dịch vụ, du lịch sinh thái. Nhờ đó, đem đến việc làm ổn định cho nhiều lao động, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ xung quanh nâng cao thu nhập khi cung ứng các dịch vụ phụ trợ đi kèm như ăn uống, ngủ nghỉ… góp phần quan trọng giúp giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số của địa phương.
Hoa nở trên đỉnh Cao Ly không chỉ là những đóa hoa khoe sắc, còn là cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của người dân vùng cao.
Nắm bắt lợi thế
Tỉnh Quảng Ninh có 132 km đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với 3 cửa khẩu: Cửa khẩu Móng Cái (thành phố Móng Cái), cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu), cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà). Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho hoạt động thương mại, du lịch khu vực biên giới của tỉnh nhiều năm nay phát triển sôi động.
Bên cạnh đó, tại các cửa khẩu cũng hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch chuyên biệt, mang đặc trưng rất riêng. Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, khách du lịch Trung Quốc đến Quảng Ninh chiếm 1/4 tổng số khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh. Từ đầu năm đến nay, khách Trung Quốc đến Quảng Ninh thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày càng tăng.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã phát triển hợp tác giao lưu toàn diện về nhiều mặt, trong đó có du lịch. Đây là thị trường khách quốc tế lớn nhất của cả nước và của Quảng Ninh. Vì thế, việc đẩy mạnh phát triển du lịch vùng biên giới đang góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Quảng Ninh cho khách quốc tế và nội địa.
Nhận định về tiềm năng du lịch vùng biên giới, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, các tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc trong đó có Quảng Ninh cần phát huy lợi thế này để xây dựng nhiều sản phẩm khác biệt, độc đáo không chỉ để hút khách quốc tế mà còn gia tăng thêm thị trường khách nội địa. Để làm được điều đó, ngay từ các cửa khẩu phải có nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ và sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của du khách sau đại dịch.
Đánh giá về sản phẩm du lịch vùng biên của Quảng Ninh, Giám đốc Công ty lữ hành ANZ Nguyễn Thế Nghị cho rằng, với lợi thế có đường cao tốc từ Hà Nội ra Móng Cái đã rút ngắn thời gian di chuyển, Quảng Ninh có thể xây dựng sản phẩm du lịch vùng biên kết nối từ Hà Nội – Bình Liêu – Móng Cái.
Còn theo Giám đốc Công ty lữ hành Dynamic Travel Nguyễn Thị Thúy Lan, du lịch vùng biên giới của Quảng Ninh có thể tạo thành sản phẩm hấp dẫn không chỉ bởi các điểm đến thu hút mà ẩm thực địa phương có sự giao thoa văn hóa cũng là điểm nhấn thu hút du khách trong thời gian tới.
Hiện nay, ngành Du lịch đang nỗ lực nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế, đẩy mạnh hơn nữa dòng khách nội địa, Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch lớn của miền Bắc đang có sự chuẩn bị kỹ để tăng lượng khách trong năm nay, thu hút khách quốc tế
Theo thông tin nhanh từ Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái, trong 5 ngày Tết Giáp Thìn, tổng lượng khách du lịch đến Móng Cái ước đạt trên 50.000 lượt người (trong đó: khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt trên 40.000 lượt người, khách lưu trú ước đạt gần 10.000 lượt người).
Chị Trần Thu Thủy – du khách Hà Nội chia sẻ: Năm nay, thời tiết đẹp nên gia đình tôi chọn du lịch trải nghiệm là vùng biên giới. Điểm đến của tôi là TP Móng Cái. Đến đây trải nghiệm tôi rất hài lòng với nhiều dịch vụ hấp dẫn, chất lượng dịch vụ tốt…
Theo chị Thủy, những điểm đến như: Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, sân golf, cửa khẩu, Đền Xã Tắc, Đền Thánh Mẫu, Chùa Xuân Lan, Chùa Nam Thọ, khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn rất đẹp đã để lại cho tôi những một cảm nhận sâu sắc về một thành phố vùng biên.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa huyện: Ngay sau dịp Tết Nguyên đán, Móng Cái bước vào mùa lễ hội với 5 lễ hội lớn gồm: Lễ hội Đình Vạn Ninh, Đình Dân Tiến, Đình Bầu, Đình Quất Đông (từ 10 đến 16/1 âm lịch) và lễ hội đền Xã Tắc. Dự kiến sẽ đón dòng khách trảy hội du xuân tới các điểm du lịch văn hoá, tâm linh trên địa bàn trong tháng Giêng, vì vậy thành phố và các ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch bảo đảm các điều kiện thuận lợi, an toàn cho du khách.
Có thể bạn quan tâm