Độc đáo Lễ hội Mường Khô
Đến với Lễ hội Mường Khô 2024, du khách được hòa mình với không khí Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Khô, góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch huyện Bá Thước (Thanh Hóa).
>>Thanh Hóa: Nhiều hoạt động hấp dẫn khách du lịch đầu xuân
Ngày 19/2, tại thôn Muỗng Do, xã Điền Trung (Bá Thước), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Bá Thước long trọng tổ chức Lễ hội Mường khô năm 2024 và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Khô. Đến với lễ hội Mường Khô 2024, du khách được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của phiên chợ vùng cao, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường.
Cứ đến ngày mùng 10 âm lịch hằng năm, người dân làng Muỗng Do, xã Điền Trung và các vùng lân cận huyện Bá Thước lại tổ chức lễ hội Mường Khô để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh.
Đền thờ Quận công Hà Công Thái được xây dựng vào thế kỷ XIX, do gia tộc Hà Công, một gia tộc cai quản sứ Mường Khô, dùng để thờ các vị thần. Trong thời vua Gia Long, Minh Mạng trong gia tộc họ Hà Công có ông Hà Công Thái có công đánh giặc ở trấn Hưng Hoá và dẹp giặc cỏ ở vùng biên giới Việt Lào, đặc biệt là giúp nhà Nguyễn thống nhất giang sơn, nên ông Hà Công Thái được triều đình nhà Nguyễn phong tước Quận công, có quyền cai quản từ dốc Eo Lê, chợ Mầu, chợ bãi, Mường Ne cho đến tận ngọn nguồn sông Mã.
Sau khi ông mất, mộ của ông được an táng tại Đồng Tràng, gần đền thờ, và trong đền tộc họ Hà Công đã xây thêm một ngôi nhà nữa tại khuôn viên Chùa Mèo để thờ Quận công Hà Công Thái và sau này thờ sỹ phu Hà Văn Mao và Hà Triều Nguyệt. Từ đó Chùa Mèo trở thành nơi đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh cho đất Mường Khô nói riêng, huyện miền núi Bá Thước nói chung.
Hàng năm vào dịp tổ chức tế lễ tại Chùa Mèo (Ngày mùng 10 tháng Giêng), Nhân dân trong vùng vì ngưỡng vọng những người có công với nước nên thường đến vãn cảnh và thắp nén hương tưởng nhớ và cầu may, cầu mát, cầu cho mưa thuận gió hòa, điều lành, điều tốt đến với mọi nhà.
Cùng với Lễ hội Mường Khô, Nhân dân và du khách sẽ được thưởng thức và chìm đắm vào một không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống, thể hiện sự tôn kính với các vị thần linh, anh hùng, nghĩa sỹ đã gắn liền với sông núi, che chở, nâng đỡ để mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được an lành, ấm no, hạnh phúc và được trải nghiệm vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa.
Ông Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện Ủy Bá Thước cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, những năm qua, huyện Bá Thước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của huyện.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Đầu Thanh Tùng chúc mừng và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước nói chung, đặc biệt là các thế hệ nghệ nhân và người dân của 5 xã: Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo tồn, duy trì và phát huy di sản văn hóa quý giá của Lễ hội Mường Khô để hôm nay Lễ hội Mường Khô được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
>>Du lịch Tết - Xu hướng kinh doanh mới
>>Xúc tiến du lịch Điện Biên tại Thanh Hóa
Sự kiện đón nhận và vinh danh Lễ hội Mường Khô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hôm nay, vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm của các cấp, các ngành của tỉnh và huyện Bá Thước; về trách nhiệm của các thế hệ nghệ nhân và cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Bá Thước trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Qua đây, Lễ hội Mường Khô vinh dự được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ góp phần vào tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch Bá Thước đưa nền kinh tế du lịch của huyện chung vào dòng chạy phát triển của du lịch Thanh Hóa.
Có thể bạn quan tâm
Tín hiệu tích cực từ du lịch dịp Tết Nguyên đán
02:00, 18/02/2024
Phát triển du lịch cộng đồng của làng nghề dệt đũi hàng trăm năm tuổi
01:00, 18/02/2024
Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Đề xuất 8 hình thức liên kết phát triển du lịch ở ĐBSCL
02:00, 17/02/2024
Du lịch Tết - Xu hướng kinh doanh mới
19:00, 16/02/2024