Mối đe dọa mới với chuyển đổi năng lượng toàn cầu
Quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi một lượng lớn kim loại, nhưng các dữ liệu đầu tư cho thấy ngành khai khoáng đang rất cẩn trọng.
Sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ bán dẫn vốn cần nhiều kim loại đang khiến nhiều người nghĩ rằng sẽ đem lại sự "phục hưng" của ngành khai khoáng. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.
>> "Cú hích" cho chuyển đổi năng lượng
Công ty khai mỏ phương Tây rụt rè
Ngày nay, dù giá khoáng sản thế giới đã phục hồi, nhưng giới đầu tư ngành khai khoáng vẫn thận trọng. Vào năm 2022, 40 công ty khai thác lớn nhất đã cùng nhau đầu tư 75 tỷ USD, tương đương chỉ 1/4 trước đây. BHP, một tập đoàn khai khoáng lớn, đã đầu tư khoảng 7 tỷ USD vào năm ngoái, bằng một phần ba số tiền họ đã chi vào năm 2013.
Điều này trở thành một thách thức đối với tham vọng chuyển đổi năng lượng của nhiều nền kinh tế. Theo Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng, một tổ chức tư vấn, việc khử cacbon trong nền kinh tế toàn cầu sẽ cần 6,5 tỷ tấn kim loại từ nay đến năm 2050.
Không chỉ lithium và niken cần thiết cho pin, The Economist ước tính cần khoảng 170 triệu tấn thép mỗi năm – gấp hơn 10 lần sản lượng hiện nay - để sản xuất mọi thứ từ tua-bin gió đến xe điện. Ngoài ra, sẽ cần một lượng lớn đồng để mở rộng và nâng cấp lưới điện. Nhu cầu về nhôm, coban, than chì và bạch kim cũng sẽ tăng đáng kể.
Nhưng trái với những kỳ vọng, các công ty khai thác vẫn không muốn nới lỏng hầu bao. Giá cổ phiếu ngành khai thác kim loại thế giới theo MSCI chỉ tăng khoảng 10% trong thập kỷ qua – rất khiêm tốn so với mức tăng gấp đôi của toàn thị trường chứng khoán thế giới. Lợi nhuận từ các dự án mới trong ngành hiện ở mức khoảng 7%, khó lòng thu hút nhà đầu tư.
Mike Henry, Giám đốc điều hành của BHP, lưu ý rằng việc sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản đã trở nên khó khăn và tốn kém hơn trong những năm gần đây. Jonathan Price, ông chủ của Teck Resources, một công ty khai thác mỏ lớn ở Canada, cho biết chi phí lao động và thiết bị tăng cao đã làm giảm lợi nhuận. Điển hình, việc phát triển mỏ đồng Quebrada Blanca 2 ở Chile vào năm ngoái tốn gần 9 tỷ USD, gần gấp đôi so với ước tính của họ vào năm 2019.
Ngày nay, các công ty khai thác còn chịu áp lực giảm thiểu tác động môi trường. Chuyên gia James Whiteside của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho biết, các công ty ngày càng được yêu cầu kết nối với lưới điện hoặc lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời. Trong khi đó, do lo ngại ô nhiễm nguồn nước, nhiều chính phủ đã buộc các công ty khai thác phải xây dựng các nhà máy khử muối. Tất cả những điều đó đã làm tăng thêm chi phí.
Một lý do khác khiến các nhà khai mỏ giảm đầu tư là quy trình cấp phép kéo dài. Ngay cả ở Mỹ, việc xin giấy phép thường mất từ bảy đến mười năm, vì các công ty phải tham vấn nhiều cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác. Ở một số quốc gia, những lo ngại về môi trường đã dẫn đến việc rút lại giấy phép khai khoáng.
>> Ấn Độ nỗ lực cân bằng phát triển kinh tế và chuyển đổi năng lượng
Các "tay chơi" mới từ Trung Đông và Trung Quốc
Khi các công ty khai thác phương Tây rút lui, những cái tên mới từ các thị trường mới nổi khác đang nhảy vào, điển hình như các công ty giàu có ở vùng Vịnh.
International Resource Holdings, một công ty khai thác mỏ của UAE, đang mua 51% cổ phần của Mopani, công ty khai thác đồng của Zambia, với giá 1,1 tỷ USD. UAE cũng đã đồng ý đầu tư 1,9 tỷ USD để phát triển ít nhất 4 mỏ ở Congo. Manara Minerals, một quỹ khai thác mỏ của Saudi Arabia, đang tìm kiếm thêm khoản đầu tư sau khi mua cổ phần của Vale, một công ty khai thác mỏ Brazil, với giá 3 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là cái tên mang lại nhiều lo ngại cho phương Tây. Trong nửa đầu năm 2023, các công ty của nước này đã đầu tư 10 tỷ USD ra nước ngoài vào lĩnh vực khai thác mỏ, nhiều hơn 130% so với cùng kỳ 2022. Có 9/40 công ty khai khoáng niêm yết có giá trị nhất thế giới hiện nay là của Trung Quốc.
Các công ty như CMOC, Minmetals và Zijin Mining đã thu mua tài sản khắp nơi trên thế giới, từ Bolivia, Botswana cho đến Serbia hay Suriname. Nhiều công ty trong số này được hỗ trợ bởi các ngân hàng nhà nước hoặc quỹ đầu tư, giúp họ có lợi thế hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây.
Để phản công, Mỹ và nhiều nước đồng minh phải triển khai một số chính sách phòng vệ. Vào năm 2022, Mỹ đã thành lập Hiệp định Đối tác An ninh Khoáng sản với nhiều đồng minh khác nhau để thu hút đầu tư. Trong tháng 2 này, Nhật Bản, dưới sự bảo trợ của MSP, đã ký một thỏa thuận với Congo trong vấn đề này.
Thế nhưng, với các chuyên gia, khi mà các nhà đầu tư tư nhân còn thận trọng bởi những rào cản dai dẳng chưa được giải quyết, sự hụt hơi của ngành khai khoáng là điều có thể dễ thấy.
Có thể bạn quan tâm
COP28: Đòn bẩy huy động nguồn lực tư nhân cho chuyển đổi năng lượng
03:30, 05/12/2023
Cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi năng lượng
03:30, 22/11/2023
NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Chìa khóa chuyển đổi năng lượng
14:31, 17/05/2023
Doanh nghiệp sản xuất cần cơ chế hỗ trợ chuyển đổi năng lượng xanh
03:45, 29/04/2023
“Chìa khóa” thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng
04:00, 12/04/2023
Nền tảng thông tin Đông Nam Á cho lĩnh vực chuyển đổi năng lượng
11:57, 02/10/2022