NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Chìa khóa chuyển đổi năng lượng

DIỆU HOA - ẢNH: ANH NGỌC 17/05/2023 14:31

Năng lượng xanh là chìa khóa chuyển đổi năng lượng và thực hiện trung hòa khí nhà kính vào năm 2050.

>>Đầu tư vào năng lượng xanh: “Chìa khoá” cải thiện chất lượng không khí

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Vy – Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tại Tọa đàm năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 17/5.

Tác động sâu sắc đến nền kinh tế

Ông Nguyễn Văn Vy chia sẻ, ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, đã phát triển với tốc độ chưa từng có.

Xu hướng của quá trình chuyển đổi liên tục sang năng lượng tái tạo cũng gắn liền với sự chuyển đổi sâu sắc hơn nhiều trong hệ thống năng lượng Việt Nam và sẽ có những tác động đến kinh tế, xã hội vượt ra ngoài lĩnh vực năng lượng.

Chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam xác định đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có tăng cường độc lập năng lượng, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng nội địa, hạn chế phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu là mục tiêu hàng đầu, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các đường cung cấp năng lượng nhập khẩu dễ bị tổn thương và giá cả biến động. 

Ông Nguyễn Văn Vy cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.

Năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng đã bắt đầu biến đổi bối cảnh năng lượng quốc gia theo xu hướng không thể đảo ngược. Đồng thời, sự không chắc chắn đáng kể vẫn đang diễn ra trong quá trình chuyển đổi năng lượng. 

Ba khía cạnh chính đặc trưng và làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi là hiệu quả năng lượng, tăng trưởng năng lượng tái tạo và điện khí hóa.

Hiệu quả năng lượngcho phép tăng trưởng kinh tế với đầu vào năng lượng thấp hơn. Trong 15 năm qua, tốc độ tăng nhu cầu năng lượng trung bình của Việt Nam là 8,6%, cao gấp 1,36 lần tốc độ tăng GDP là 6,3%. 

Trong những thập kỷ tới, những cải tiến và chính sách về hiệu quả năng lượng sẽ giúp phá vỡ mối quan hệ này. Nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ bằng và tiến tới thấp hơn tốc độ tăng GDP.

Về tăng trưởng, năng lượng tái tạo sẽ nổi lên như một nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là năng lượng sinh khối, thủy điện, đại dương, mặt trời và gió. Trong số này, năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang có tốc độ phát triển rất nhanh, trong khi các loại khác cũng đang được quan tâm phát triển.

Sự tăng trưởng nhanh nhất trong năng lượng tái tạo chủ yếu trong ngành điện. Từ công suất không đáng kể trước năm 2017, đến nay hệ thống điện Việt Nam đã có trên 16.500 MW công suất điện mặt trời (trong đó 50% là điện mặt trời mái nhà) và trên  4.500 MW công suất điện gió, bằng 30% tổng công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Nhìn chung, sự chuyển đổi năng lượng Việt Nam được đặc trưng chủ yếu bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió. Dầu, khí đốt và than đá sẽ bị ảnh hưởng khác nhau bởi quá trình chuyển đổi năng lượng vì chúng có những đặc điểm riêng biệt và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Những xu hướng trong tương lai

Vị chuyên gia cho biết, những xu hướng sau cho phép thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, thứ nhất là thủy điện của Việt Nam có chi phí thấp nhất trong các nguồn điện. Các công nghệ điện mặt trời và gió cũng đã đạt được lợi thế cạnh tranh do tiến bộ công nghệ và tăng cường đầu tư; điện mặt trời và điện gió hiện đã cạnh tranh được với nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu.

Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới, trong khi chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.

Thứ hai là ô nhiễm và biến đổi khí hậu, các vấn đề do nhiên liệu hóa thạch gây ra, bao gồm ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu trên diện rộng, đã khiến Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhận thấy sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính trong nền kinh tế.

Toàn cảnh Tọa đàm năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn

Thứ ba, mục tiêu năng lượng tái tạo, với hiệu quả về môi trường và cả về kinh tế, chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên đạt trên 90% vào năm 2050.

Thứ tư là tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, bao gồm tăng hiệu suất mô-đun quang điện mặt trời lên khoảng 25 – 27% với tấm pin năng lượng mặt trời đơn tinh thể và có thể lên đến trên 40% đối với công nghệ kết hợp giữa các tấm pin đơn tinh thể với một lớp phim mỏng; các tuabin gió với độ cao trên 200 mét với công suất mỗi tua bin lên đến 20 MW cũng đã được áp dụng. Tiến bộ công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong ngành điện.

Những đổi mới trong số hóa và lưu trữ năng lượng cũng đang mở ra những triển vọng mới. Các công nghệ kỹ thuật số mới, chẳng hạn như lưới điện thông minh, internet vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, đang được áp dụng trong ngành năng lượng, giúp nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo trong các hệ thống phân phối và thế hệ thông minh mới nổi.

Công nghệ lưu trữ năng lượng cũng được phát triển rất nhanh, góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống điện có các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ lệ cao.

>>[TRỰC TIẾP] Tọa đàm "Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn"

Cần giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện

Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, các nguồn điện linh hoạt trong hệ thống điện (thủy điện, tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí đốt) hiện chiếm trên 40% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống, nên sự thay đổi của các nguồn điện mặt trời và điện gió chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn vận hành trong hệ thống.

Tuy nhiên, ông Vy cũng cho rằng, khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện.

Theo ông Vy, các giải pháp chủ yếu gồm nâng cao độ chính xác của công tác dự báo thời tiết để giảm sự không chắc chắn của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi. Phát triển các nguồn điện linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi: Thủy điện, thủy điện tích năng, TBK đơn, các nguồn điện nhỏ đấu nối với lưới điện phân phối sử dụng dầu.

Thực hiện liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải.

Phân cấp cho các đơn vị điện lực tại các địa phương quản lý vận hành các nguồn điện đấu nối với lưới điện phân phối, thực hiện tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán.

Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời và tại các hộ gia đình có nguồn điện tái tạo. Phát triển lưới điện thông minh nhằm tăng cường quản lý phía cầu và kết hợp sử dụng tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống.

“Với việc thực hiện tốt các giải pháp trên, đảm bảo hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi thành công, góp phần phát triển bền vững và hiệu quả hệ thống năng lượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng trên thế giới” – ông Nguyễn Văn Vy nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP] Tọa đàm

    [TRỰC TIẾP] Tọa đàm "Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn"

    13:50, 17/05/2023

  • Đầu tư vào năng lượng xanh: “Chìa khoá” cải thiện chất lượng không khí

    Đầu tư vào năng lượng xanh: “Chìa khoá” cải thiện chất lượng không khí

    04:45, 16/05/2023

  • 17/05: Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp, tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”

    17/05: Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp, tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”

    14:00, 08/05/2023

  • Doanh nghiệp sản xuất cần cơ chế hỗ trợ chuyển đổi năng lượng xanh

    Doanh nghiệp sản xuất cần cơ chế hỗ trợ chuyển đổi năng lượng xanh

    03:45, 29/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Chìa khóa chuyển đổi năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO