Các chính sách khuyến khích vừa được ban hành về phát triển điện năng lượng tái tạo, đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp, tuy nhiên với các nhà máy trong KCN còn khó khăn.
Đây là ý kiến của ông Đỗ Quang Thịnh - Giám đốc điều hành Công ty The Sunergy chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp , theo ông Thịnh cần có giải pháp cho các nhà máy không thể đầu tư và không đủ điều kiện mua điện theo cơ chế DPPA.
Thưa ông, với các chính sách cho lĩnh vực điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới vừa ban hành, ông nhận định như thế nào về độ mở lần này so với các chính sách cũ?
Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn thay cho Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/07/2024 của Chính phủ điều chỉnh về phạm vi này.
Cùng ngày Chính phủ cũng đã ban hành Nghị số 58/2025/NĐ- CP quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới nhằm bổ sung các điều khoản về phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời tập trung, điện sinh khối thay Nghị định số 135/2024/NĐ-CP về điện mặt trời mái nhà tự sản xuất tự tiêu thụ.
Các Nghị định này không chỉ đưa ra các cơ chế khuyến khích với các nguồn năng lượng mới mà còn đề ra những quy định cụ thể nhằm tối ưu hóa quá trình phát triển các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).
Tôi thấy các chính sách trên đã tạo cơ chế khuyến khích và hành lang pháp lý rõ ràng cho mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng sạch. Trong đó quy định dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện và có đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên huy động vào giờ cao điểm của hệ thống điện theo quy định, trừ nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Sự nổi bật của cá chính sách ưu đãi lần này, không chỉ khuyến khích huy động các loại nguồn năng lượng tái tạo, còn hỗ trợ việc nghiên cứu công nghệ phù hợp nhằm phát triển trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời. Đặc biệt là có chính sách giá bán theo cho các loại nguồn năng lượng.
Các chính sách mới đã có độ mở, sự khuyến khích và đề cập tới nhiều loại năng lượng, vậy các mô hình sản xuất cần sử dụng năng lượng xanh sẽ áp dụng được hết, thưa ông?
Các Nghị định lần này đã đề cập đến nhiều nguồn năng lượng hơn, trong đó có điện sinh khối. Theo đó các quy định đưa ra cũng cụ thể và chặt chẽ hơn, ban hành giá mua điện theo các loại nguồn năng lượng, bao gồm điện từ hệ thống lưu trữ theo bảng tính của Bộ Công Thương. Căn cứ xác định sản lượng dư bán lên lưới đã được làm rõ, bên cạnh loại hình ĐMTMN được bán 20% sản lượng điện dư, còn các nguồn năng lượng khác cũng được đề cập tới với tỷ lệ 10% sản lượng điện dư. Cách xác định công suất lắp đặt của nguồn điện tự sản, tự tiêu cũng được làm rõ trong Điều 11 Nghị định này.
Tuy nhiên tôi nhận thấy, giá điện theo mức giá trần của nguồn điện mặt trời áp dụng cho các vùng miền như nhau là không hợp lý. Điện mặt trời có đặc thù phụ thuộc rất lớn vào số giờ nắng trong năm nên sản lượng điện thu được từ hệ thống điện mặt trời tại miền Bắc thấp hơn nhiều so với miền Nam khi xét trên cùng một thông số kỹ thuật. Việc áp dụng giá trần dựa trên khung giá phát điện chung cho mọi khu vực địa lý sẽ dẫn đến thiệt thòi cho các nhà phát triển điện mặt trời tại miền Bắc và làm giảm tính hấp dẫn của loại hình này. Trong khi đó, miền Bắc đang cần ưu tiên phát triển nguồn điện để tránh quá tải lưới điện Bắc Nam cũng như giảm chi phí truyền tải điện. Cần có cơ chế riêng về giá trần cho sản lượng điện từ hệ thống điện mặt trời tại miền Bắc nhằm khuyến khích đầu tư.
Bên cạnh đó, các chính sách trên có độ mở nhiều hơn với các chính sách cũ, nhưng chưa cân nhắc đến toàn bộ loại hình doanh nghiệp sản xuất.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quan điểm này, bao gồm cả mô hình doanh nghiệp, nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất?
Về trách nhiệm hỗ trợ, Nghị định số 57/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế trong việc hỗ trợ phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà:
Tuy nhiên, trong nền kinh tế, thành phần doanh nghiệp chỉ đi thuê xưởng với thời hạn 3-5 năm đang phát triển với tốc độ rất cao. Các doanh nghiệp này đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế và cũng có các nhu cầu chính đáng về sử dụng năng lượng tái tạo. Thế nhưng, các doanh nghiệp này đang gặp vướng mắc về quy định nên không thể tham gia phát triển ĐMTMN: họ không sở hữu mái nhà xưởng, thời gian vận hành ĐMTMN từ 3-5 năm không đủ thu hồi vốn, sản lượng điện sử dụng không đến 200.000kWh/tháng nên không thể tham gia vào cơ chế DPPA. Trong khi đó, chủ sở hữu nhà xưởng muốn đầu tư hệ thống ĐMTMN để bán cho khách thuê xưởng lại gặp vướng mắc vì định nghĩa điện tự sản xuất, tự tiêu thụ là không được bán cho bên thứ 3.
Các rào cản chưa được tháo gỡ như những vấn đề mà trước đó tôi đã từng chia sẻ. Cụ thể như bên cho thuê xưởng gặp vướng mắc về định nghĩa “Điện tự sản xuất, tự tiêu thụ là điện được sản xuất và tiêu thụ do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để phục vụ chính cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó nên doanh nghiệp không thể mua điện năng lượng tái tạo. Do đó tôi kiến nghị đưa Đơn vị Phân phối- Bán lẻ điện ngoài nhà nước trong các khu công nghiệp thành một đối đượng trong định nghĩa Khách hàng sử dụng điện lớn để các doanh nghiệp này có thể ký DPPA với Đơn vị phát triển năng lượng, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy giảm giá trên thị trường năng lượng. Bên cạnh đó, chỉ cần định nghĩa “Điện tự sản xuất, tự tiêu thụ” nghĩa là nguồn điện không phát vào lưới của EVN là phù hợp với các mục tiêu kinh tế hiện nay.
Làm được việc này, các bên tham gia đều có lợi: doanh nghiệp nhỏ có thêm lợi thế cạnh tranh khi được sử dụng năng lượng tái tạo với giá thấp; đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tối ưu được lợi nhuận khi phát hết công suất đặt của hệ thống; đơn vị truyền tải điện sử dụng được hết công suất truyền tải của hệ thống và tạo thêm doanh thu cho nhà nước, Đơn vị Phân phối- Bán lẻ điện trong khu công nghiệp có lợi thế cạnh tranh về giá điện, nền kinh tế tăng thêm sức hút với vốn đầu tư nước ngoài khi minh bạch hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!