Cần hoàn thiện các quy định về thủ tục cho các nhà đầu tư triển khai dự án mới, đặc biệt là cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), tránh “vừa chạy vừa xếp hàng làm việc”.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc B.Grimm Power Việt Nam nhận định, cần cập nhật và hoàn thiện các quy định về năng lượng tái tạo, đặc biệt là các thủ tục cho các nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng dự án mới và cơ chế mua bán điện.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn khó khăn mà nhà đầu tư năng lượng tái tạo gặp phải trong triển khai cơ chế mua bán điện?
Trên thực tế, dù chuyển sang cơ chế đấu giá và thị trường cạnh tranh, giá điện vẫn có thể biến động do yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách điều chỉnh của Chính phủ. Các nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro từ sự thay đổi chính sách và giá điện chưa đủ ổn định để phản ánh đúng chi phí đầu tư và vận hành.
Theo đó, thị trường điện vẫn đối mặt với những hạn chế về hạ tầng truyền tải và sự chuyển dịch sang cơ chế giá thị trường. Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) dù đã được đề cập trong các nghị định và luật sửa đổi gần đây, tạo ra sự minh bạch nhưng đồng thời gia tăng áp lực cạnh tranh. Cơ chế mới chưa có các hướng dẫn cụ thể để triển khai, trên thực tế vẫn chưa rõ ràng, chưa nhiều doanh nghiệp đàm phán hoặc áp dụng được các cơ chế mới. Điều này khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tuân thủ và thực hiện, vì vậy các chủ đầu tư mới đang ở giai đoạn vừa “vừa chạy vừa xếp hàng làm việc” với khách hàng.
Bên cạnh đó, khả năng thanh toán của khách hàng cũng là một vấn đề cần lưu ý. Các doanh nghiệp tham gia DPPA thường là các tập đoàn hoặc công ty lớn, nhưng nếu khách hàng gặp khó khăn tài chính, nhà đầu tư có thể đối mặt với nguy cơ chậm hoặc không thanh toán. Do đó, các chính sách này vừa tạo ra các cơ hội nhưng cũng sẽ khiến các nhà đầu tư đối diện nhiều thách thức trong quá trình triển khai.
Đặc biệt, các nhà đầu tư như chúng tôi còn gặp rủi ro giá bán điện. Thực tế, đối với các nhà máy điện chuyển tiếp, khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành đang ở mức khá thấp, chưa thể đủ đảm bảo lợi suất cho nhà đầu tư. Ngoài ra, việc đàm phán giá phát điện với EVN sẽ là một quy trình phức tạp và đòi hỏi nhiều hồ sơ tài liệu chứng minh về tổng mức đầu tư và sản lượng phát điện của dự án. Quy trình đàm phán có thể kéo dài và các nhà máy điện chuyển tiếp hầu hết đều bị áp lực lớn về tài chính nên có thể khó khắn trong việc đạt được các mục tiêu giá phát điện kỳ vọng.
Ngoài ra, việc khung giá phát điện của Bộ Công Thương neo theo tỷ giá VNĐ cũng tiềm ẩn các rủi ro tỷ giá cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư vay vốn bằng ngoại tệ.
- Tồn tại này khiến doanh nghiệp gặp thách thức thế nào khi triển khai cơ chế DPPA, thưa ông?
Như đã nói, cơ chế DPPA đã được ban hành cho các dự án điện gió và điện mặt trời, nhưng các quy định và hướng dẫn chi tiết về cách thức triển khai vẫn chưa đầy đủ. Điều này tạo ra sự không chắc chắn và khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện các hợp đồng mua bán điện dài hạn.
Một trong những thách thức lớn trong cơ chế DPPA là việc đàm phán giá điện giữa các doanh nghiệp tiêu thụ và nhà cung cấp điện tái tạo. Giá điện theo hợp đồng DPPA có thể biến động theo thị trường và yêu cầu sự linh hoạt trong hợp đồng, nhưng cũng cần đảm bảo sự ổn định và tính khả thi cho các bên tham gia.
Mặc dù các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, có chi phí vận hành thấp sau khi xây dựng, nhưng chi phí đầu tư ban đầu thường cao. Điều này có thể làm tăng giá điện trong các hợp đồng DPPA và gây khó khăn cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính hạn chế. Các thay đổi trong chính sách năng lượng hoặc sự thay đổi trong luật pháp và quy định về điện có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hợp đồng DPPA và tăng rủi ro cho các nhà đầu tư.
- Vậy doanh nghiệp có đề xuất giải pháp tháo gỡ ra sao, thưa ông?
Do không còn cơ chế ưu đãi giá FIT như thời điểm trước năm 2021 cho điện gió và trước năm 2020 cho điện mặt trời, chúng tôi mong muốn cần có chính sách rõ ràng và thời gian dài hơn để tạo khung pháp lý ổn định về cơ chế giá bán điện theo cơ chế DPPA cho các nhà đầu tư được tham gia thị trường. Cần cập nhật và hoàn thiện các quy định về năng lượng tái tạo, đặc biệt là các thủ tục cho các nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng dự án mới.
Đồng thời đề xuất tiếp tục giữ các chính sách ưu đãi thuế, giảm thuế VAT, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư vào năng lượng sạch, tạo động lực đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về phần mình, các nhà đầu tư cũng cần theo dõi sát sao các thay đổi chính sách và tuân thủ chặt chẽ quy định pháp lý liên quan đến đấu giá và cơ chế DPPA, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Cuối cùng, việc xây dựng chiến lược dài hạn phù hợp với bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu sẽ giúp nhà đầu tư nắm bắt cơ hội phát triển bền vững tại thị trường điện Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!