Kinh tế

Thu hút FDI vào năng lượng tái tạo

Yến Nhung 12/01/2025 11:05

Với tiềm năng tự nhiên và cam kết hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thực tế cho thấy, chuyển dịch năng lượng sạch đã trở thành xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh thế giới hướng đến phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và hiện thực hóa các cam kết đạt được Net zero vào năm 2050. Trong đó, tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đang trở thành giải pháp quan trọng của quốc gia trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy tự chủ năng lượng.

Theo Nghiên cứu của HSBC, Việt Nam được xếp hạng là điểm đến đầu tư tốt nhất cho năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á nhờ một số yếu tố, như nguồn tài nguyên sẵn có, nhu cầu về điện tăng và mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ đạt Net zero vào năm 2050, cũng như mục tiêu tuyệt đối về năng lượng tái tạo (khoảng 30% năng lượng sử dụng của Việt Nam năm 2030 sẽ là năng lượng gió/mặt trời).

111-1.jpg
Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa các cam kết đạt được Net zero vào năm 2050 - Ảnh: ITN

Với các lợi thế về điều kiện tự nhiên như trên, Tổ chức năng lượng thế giới (IEA) dự báo trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành một trong năm trung tâm năng lượng tái tạo của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á và Nam Mỹ.

Theo IEA, vai trò của Đông Nam Á trong hệ thống năng lượng toàn cầu sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới. Khu vực này sẽ đóng góp rất lớn vào cả sản xuất năng lượng cũng như đáp ứng nhu cầu toàn cầu, vì dân số của khu vực đang tăng nhanh và một số quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa.

Đông Nam Á hiện được dự kiến ​​sẽ đóng góp 25% vào mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng của thế giới trong giai đoạn 2024-2035. Nhu cầu điện của khu vực này dự kiến ​​sẽ tăng nhanh nhất, với tốc độ hàng năm khoảng 4%. IEA cho rằng Việt Nam dự kiến ​​sẽ tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với tư cách là thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất, tiếp theo là Indonesia và Philippines.

Đánh giá Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng, ông Stuart Livesey, đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo diễn ra rất mạnh mẽ. EuroCham đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước để đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng khung pháp lý hỗ trợ đầu tư. Một trong những kết quả đáng kể nhất từ sự hợp tác đó là Nghị định 80/2024 về cơ chế mua điện trực tiếp (DPPA), giúp các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường năng lượng Việt Nam dễ dàng hơn.

Cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút FDI vào năng lượng tái tạo, không ít chuyên gia nhận định, hệ thống điện mặt trời mái nhà như một “mũi tên trúng nhiều đích” vì không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp có chứng nhận về sử dụng năng lượng sạch. Trong tương lai, phân khúc điện mặt trời mái nhà có tiềm năng phát triển rất lớn. Dẫn chứng từ Quy hoạch điện VIII, mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2030, 50% tòa nhà văn phòng và 50% các hộ gia đình sử dụng điện mặt trời mái nhà tự tiêu, vì vậy các doanh nghiệp trong và ngoài nước có còn nhiều cơ hội để gia nhập thị trường, khai thác triệt để phân khúc điện mặt trời mái nhà.

dien-gio.png
Với tiềm năng tự nhiên và cam kết hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo - Ảnh: ITN

Điện gió ngoài khơi cũng là lĩnh vực thu hút nhà đầu tư. Hơn 3.000 km bờ biển của Việt Nam chính là “mỏ gió” hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Quy hoạch điện VIII chỉ ra rằng, điện gió ngoài khơi được xác định là xương sống của ngành năng lượng tái tạo. Đây có thể coi là ngành năng lượng tương lai của Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại diện văn phòng Akrocean tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo nhưng cần thêm các chính sách để biến tiềm năng thành cơ hội thực sự để đầu tư. Chẳng hạn, hiện Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt nhưng cần có khung chính sách và quy định rõ ràng để triển khai. Bên cạnh đó, các chính sách và quy định pháp lý đường biển cũng cần được chi tiết hơn để giảm rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư. Các yêu cầu của nhà đầu tư về cơ chế, về nguồn nhân lực đạt chuẩn càng được đáp ứng nhanh thì dòng vốn vào mảng năng lượng tái tạo càng dễ, càng dồi dào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu hút FDI vào năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO