Tăng giải pháp “hút” khách du lịch quốc tế
Với mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế trong năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cùng với địa phương, cơ quan thẩm quyền cần có thêm nhiều giải pháp mới để hoàn thành kế hoạch đề ra.
>>Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng
Kết thúc năm 2023, Việt Nam đón khoảng 12,6 triệu lượt khách quốc tế, con số này cao gấp hơn 1,5 lần so với chỉ tiêu đặt ra ban đầu (8 triệu lượt) và hoàn thành mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm 2023 và gần 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng.
Theo phương án Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất với Bộ VH-TT&DL, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Số liệu mới nhất của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019, thời điểm trước dịch Covid-19. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, mục tiêu con số đề ra có thể đạt được bởi các chính sách đã có nhiều cởi mở, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng được triển khai khá nhiều,...
Tuy nhiên, làm sao để các doanh nghiệp hoạt động trở lại hoàn toàn vẫn là là bài toán khiến nhiều đơn vị lăn tăn. Bởi theo doanh nghiệp, số lượt khách tăng nhưng chi tiêu hiện nay khá dè dặt khiến doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị vẫn chưa thực sự ổn định.
Ông Nguyễn Hữu Thảo – Nhà sáng lập ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch toàn diện One Local nhìn nhận hiện nay các thị trường khách quốc tế đã mở cửa trở lại, trong đó số lượng khách đi theo nhóm lẻ sẽ rất cao. Theo đánh giá của vị này, số lượng khách lẻ trong năm 2024 sẽ chiếm từ 60- 70%.
Với thị trường khách nội địa, với tình hình vé máy bay chưa hạ nhiệt thì lượng khách này sẽ có ưu tiên hơn trong việc lựa chọn các chuyến du lịch nước ngoài sẽ cao hơn trong nước. Ông Thảo cũng cho rằng sắp tới số lượng khách du lịch nội địa sẽ khá ảm đạm mặc dù các địa phương kích cầu, giá khách sạn, resort, phương tiện đi lại giữ nguyên nhưng giá vé máy bay không giảm thì sẽ rất khó để gia tăng lượng khách.
“Khách quốc tế bây giờ từ các nước Đông Nam Á đến Việt Nam ghi nhận khá ổn định, trước đây thị trường khách quốc tế chủ yếu là các thị trường Trung Quốc và Nga (chiếm khoảng 50% thị trường) nên bây giờ các doanh nghiệp du lịch đang tích cực khai thác các thị trường mới. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều các sản phẩm mang đậm bản sắc để khách quốc tế cân nhắc đến để trải nghiệm, dù ghi nhận lượng khách trở lại đông nhưng còn một “bài toán” lớn là hình thành sản phẩm xuyên suốt từ Bắc đến Nam”, ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, khách lẻ đa số là những người lần đầu tiên đến Việt Nam và một số lượng ít quay trở lại để trải nghiệm thêm, tuy nhiên, mức chi tiêu của dòng khách này cũng đang khá khiêm tốn. Vì vậy, vị này cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần chú trọng đến “bài toán” doanh thu, lợi nhuận chứ không phải đặt nặng vào vấn đề lượt khách.
Theo bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Hoi An Express cho rằng năm 2024 sẽ có những khó khăn đối với các doanh nghiệp chuyên mảng lữ hành quốc tế. Theo ghi nhận của vị này, rất khó để có thể đánh giá tình hình khách quốc tế sắp tới, bởi từ cuối năm 2022 thì lượng khách lớn đổ về các địa phương tuy nhiên vào giai đoạn cuối năm 2023 đã có phần chững lại.
“Đây là giai đoạn cao điểm, nhưng lượng khách quốc tế đến với các địa phương vẫn chưa đảm bảo. Phía bản thân doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch xây dựng các sản phẩm mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống như du lịch nghỉ dưỡng, sản phẩm xanh, du lịch MICE, du lịch thể thao,... để khai thác được đa dạng thị trường khách hơn”, bà Phạm Quế Anh cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu du lịch năm 2024 đang chuyển sang các xu hướng chính như trải nghiệm cá nhân, sức khỏe, sinh thái, thể thao, du lịch MICE,... Vì vậy, ngành du lịch cần chú trọng hơn nữa việc truyền thông, quảng bá về những chính sách mới để tạo hiệu ứng giúp tiếp cận các thị trường tốt hơn, tạo được điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Đặc biệt, từ địa phương, doanh nghiệp cần chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch thực sự đặc sắc, hấp dẫn, nhất là các sản phẩm theo định hướng du lịch xanh, du lịch gắn với kinh tế đêm,... Với các cơ quan thẩm quyền, cần chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam theo định hướng du lịch xanh. Cùng với đó, xem xét đề xuất thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm, triển khai các chiến dịch marketing du lịch theo chủ đề với các thị trường chủ lực,...
Có thể bạn quan tâm