10 năm - Một hành trình thắp lửa Khởi nghiệp
Trải qua 10 năm các thành viên của Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam mang nhiệt huyết cùng kiến thức của mình đi khắp Bắc, Trung, Nam để thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp trong giới trẻ.
Được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký quyết định thành lập vào năm 2014, đến nay Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam (Hội đồng) đang sở hữu nguồn nhân lực hùng hậu.
Những con số biết nói
Tính đến cuối năm 2023, Hội đồng có 69 thành viên. Trong đó, có 12 thành viên có học vị tiến sĩ, 39 thành viên có trình độ thạc sĩ và 18 thành viên có trình độ cử nhân. Chất lượng nguồn nhân lực góp phần đảm bảo chất lượng cho hoạt động của Hội đồng.
Ngoài ra, sự kết hợp giữa doanh nhân và giảng viên các trường đại học cũng thể hiện phần nào sức mạnh của Hội đồng. Các chương trình luôn có sự kết hợp giữa kiến thức hàn lâm và kinh nghiệm thực tiễn. Hội động hiện có 36 thành viên là doanh nhân, 31 giảng viên, và 2 thành viên đến từ các tổ chức xã hội khác.
Với mong muốn trở thành một nơi kết nối giữa các giới học thuật, doanh nhân, sinh viên và xã hội để hỗ trợ đào tạo, tư vấn và thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Hội đồng đã hướng đến xây dựng một cộng đồng tích cực với các giá trị cốt lõi: Sáng tạo - Tâm huyết - Trí tuệ và Tình người.
Trong suốt chặng đường 10 năm truyền lửa khởi nghiệp, Hội đồng đã thực hiện các hoạt động giao lưu doanh nhân, đào tạo, tư vấn, mentoring các dự án khởi nghiệp, chia sẻ và truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, trải dài từ TP.HCM đến các tỉnh miền Đông, miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên..., với hơn 100 lớp học khởi sự kinh doanh dành cho sinh viên; 60 buổi giao lưu với doanh nhân thành đạt; Hơn 100 khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên; 15 khóa nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho chủ doanh nghiệp và thanh niên; Làm giám khảo 56 cuộc thi về khởi nghiệp; Hơn 20 khóa đào tạo giảng viên nguồn...
Chương trình đã thu hút 31.263 lượt sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp. Các thành viên trong Hội đồng đã đóng góp công sức, hiện vật, tài chính hơn 5 tỷ đồng và vận động các đơn vị đối ứng hơn 5 tỷ đồng khác để tổ chức các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên và thanh niên.
Nhiều ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, thanh niên đã tham dự các cuộc thi khởi nghiệp đạt giải cao và đã thành lập doanh nghiệp như Dự án "Dizim - Nền tảng sản xuất video với người ảo”; Sản phẩm từ trái GẤC; Dự án MEDILEA - Sản phẩm gia tăng hiệu suất từ dịch chiết lá bàng trong nuôi thủy sản và cá cảnh”;…
Mục tiêu hỗ trợ phát triển 100 doanh nghiệp
Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đánh giá, trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Hội đồng đã phát huy được các nguồn lực trong xã hội, đóng góp rất tích cực và ý nghĩa cho Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do VCCI khởi xướng nói riêng, cũng như cho cộng đồng khởi nghiệp toàn quốc nói chung.
Nhà báo Phạm Hùng cho biết, thời gian tới, Diễn đàn Doanh nghiệp với vai trò là đơn vị được VCCI giao triển khai các hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia sẽ cùng với Hội đồng tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đến các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước cũng như các địa phương nhằm thúc đẩy và phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó, góp phần phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch Hội đồng chia sẻ, trong suốt chặng đường 10 năm thắp lửa khởi nghiệp, các thành viên của Hội đồng đã không quản ngại khó khăn, mang những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được từ thực tế quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp của mình đi khắp các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc để thắp lên những “ngọn lửa” khởi nghiệp trong giới trẻ.
Các thành viên của Hội đồng đã tham gia giảng dạy nhiều lớp TOT, đào tạo khởi nghiệp cho các giảng viên của các trường Đại học, Cao đẳng, trong đó, có cả những học viên là Tiến sĩ và Phó Giáo sư. Sau khi kết thúc các khóa đào tạo, các học viên đã cảm nhận được giá trị mà các khóa đào tạo mang lại.
“Thông qua các khóa đào tạo, kết nối giao lưu, giới thiệu sản phẩm, các thành viên của Hội đồng là những chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp với kinh nghiệp từ nhiều lĩnh vực khác nhau đã tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp về những kiến thức để doanh nghiệp tự tin phát triển và đủ khả năng để vượt qua khó khăn”, ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Thanh Vạn, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là thiếu kiến thức, thiếu sự kết nối để phát triển sản phẩm, cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, Hội đồng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp những kiến thức, kỹ năng về marketing, kỹ năng bán hàng, kỹ năng kết nối, kỹ năng thương mại,…
“Trong nhiệm kỳ này, Hội đồng đã đặt ra mục tiêu hỗ trợ và phát triển 100 doanh nghiệp, từ 100 doanh nghiệp này, số lượng doanh nghiệp sẽ được nâng lên theo cấp số nhân. Để thực hiện mục tiêu này, Hội đồng sẽ chọn 10 tỉnh, thành, mỗi địa phương sẽ chọn ra 10 doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu để đào tạo và hỗ trợ”, ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm