Rào cản ngành khoáng sản đe dọa chuyển đổi xanh
Quá trình chuyển đổi xanh trên toàn cầu sẽ cần nhiều khoáng sản hơn, nhưng sẽ không dễ đạt được được điều đó.
>>Ưu đãi ngành bán dẫn của Mỹ bộc lộ "lỗ hổng" nan giải
Năng lượng sạch hay xe điện đều đòi hỏi lượng lớn quặng sắt và đồng để xây dựng hoặc chế tạo các tấm pin hay mạng lưới dây điện. Theo Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng, nếu thế giới muốn khử cacbon, sẽ cần 6,5 tỷ tấn kim loại từ nay đến năm 2050. Đó không chỉ là lithium, coban và niken- những kim loại được nhắc đến nhiều trong pin, mà cả thép, đồng và nhôm. Bởi vậy, việc sản xuất các kim loại này sẽ đòi hỏi các công ty khai mỏ phải đầu tư nhiều hơn và nhanh hơn nữa. Thế nhưng, khả năng đáp ứng đang bị đặt một dấu hỏi lớn trước những trắc trở mà ngành này gặp phải.
Đó không chỉ là việc các công ty khai thác đang đầu tư ít hơn rất nhiều so với trước đây do lợi nhuận không chắc chắn và chi phí đầu tư cao dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, tâm lý bảo hộ khoáng sản ngày càng rộng khắp đang là một thách thức khác khó vượt qua.
Năm 2023, Chile đã công bố các kế hoạch quốc hữu hóa ngành khai thác và sản xuất lithium. Quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới muốn chuyển quyền kiểm soát các công ty lớn trong ngành như SQM và Albemarle sang một thực thể nhà nước.
Các quốc gia khác, bao gồm Kyrgyzstan, Madagascar, Mexico và Namibia, cũng đang tính các chi phí bổ sung cao ngất ngưởng, hoặc thực hiện các lệnh cấm xuất khẩu hoặc áp dụng các hình thức can thiệp khác của nhà nước.
Những hành động thực tế này đã nhấn mạnh xu hướng bảo hộ các kim loại quan trọng trên thế giới, đồng thời sẽ gây khó khăn cho các quốc gia hàng đầu trong chuỗi cung ứng.
Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới tài nguyên khoáng sản, đề phòng trước sự thống trị của Trung Quốc. Đối tác an ninh khoáng sản rõ ràng tìm cách hợp tác với các đồng minh để đảm bảo nguồn tài nguyên và chuyển hướng đầu tư vào việc khai thác kim loại. Nhưng đạt được điều này sẽ đối mặt đầy thách thức khi các quốc gia khác đã nghĩ ra chiến lược khoáng sản quan trọng của riêng mình.
Một số quốc gia đã cam kết hợp tác trong lĩnh vực này cũng có cách khác để làm chậm tiến trình – thủ tục hành chính.
>>Mối đe dọa mới với chuyển đổi năng lượng toàn cầu
Quá trình xin giấy phép của ngành khai thác khoáng sản đang diễn ra cực kỳ chậm chạp. Theo The Economist ước tính, thời gian thực hiện dự án trung bình tại các mỏ ở Mỹ - từ khi phát hiện đến khai thác thương mại - kéo dài gần 16 năm. Chỉ xin giấy phép có thể mất gần một thập kỷ.
Nước Mỹ đang tồn đọng gần 300 dự án khai thác mỏ và nhiều dự án lớn đã bị mắc kẹt trong tình trạng cấp phép không rõ ràng. Trong khi đó, ở những nước như Chile, việc xin giấy phép ngày càng chậm hơn. Các chính phủ có thể hợp lý hóa quy trình bằng cách giảm số lượng các cơ quan, ban ngành cần được tư vấn.
Tiêu chuẩn nâng cao về môi trường là một khó khăn khác. Điều này không chỉ làm chậm mà còn làm tăng chi phí xây dựng các mỏ mới. Một số nơi đòi hỏi cơ sở hạ tầng ngoại vi như các nhà máy khử muối, có thể tiêu tốn 1 tỷ USD mỗi lần.
Tại Indonesia, Luật Khai thác mỏ sửa đổi năm 2020 là một ví dụ cho thấy sự thay đổi đáng kể trong ngành khai thác, trong đó tập trung thẩm quyền cấp phép kinh doanh khai thác cho chính phủ trung ương. Các quy định cho phép chuyển nhượng giấy phép khai thác cũng phải được sự chấp thuận trước của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (MEMR), với một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như hoàn thành các hoạt động thăm dò và tuân thủ các thủ tục hành chính, kỹ thuật, môi trường và các yêu cầu về tài chính.
Anglo American, một công ty khai thác đa quốc gia, còn phải đáp ứng ít nhất 9 tiêu chuẩn khác nhau về thực hành đạo đức trên toàn thế giới. Một số tiêu chuẩn trong số đó có thể không nhất quán với nhau do sự khác biệt của từng thị trường.
Những thách thức đó đang đặt ra một áp lực rất lớn cho nguồn đầu vào của quá trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới. Không có nguyên liệu sản xuất, quá trình xanh hóa ngành năng lượng hay vận tải có thể sẽ kéo dài hơn. Nhưng các quốc gia sở hữu tài nguyên quý giá cũng có cái lý của họ. Bởi vậy, cuộc tranh cãi này sẽ vẫn sẽ còn dai dẳng, có nguy cơ khiến các mục tiêu Net Zero trên toàn cầu chậm tới đích hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nông nghiệp châu Âu thêm rào cản khi EU theo đuổi chuyển đổi xanh
04:00, 21/11/2023
"Bước đi" mới của EU trong chuyển đổi xanh, giảm phụ thuộc Trung Quốc
03:30, 30/09/2023
Châu Âu "đau đầu" vì cái giá phải trả cho chuyển đổi xanh
04:00, 28/09/2023
Đức đối mặt "cơn gió ngược" trong chuyển đổi xanh
04:30, 25/09/2023
Nhiều startup bất ngờ "đổ bộ" vào khai thác khoáng sản
03:30, 28/08/2023