Liên minh châu Âu (EU) đã và đang tìm cách giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng năng lượng sạch để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
>>Châu Âu "đau đầu" vì cái giá phải trả cho chuyển đổi xanh
Các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Tây Ban Nha để thảo luận về một trong những thách thức địa kinh tế cấp bách nhất của khối: giảm sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về pin, tấm pin mặt trời và các công nghệ sạch khác.
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất công nghệ xanh của EU để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là điều cần thiết trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động ngày nay. Hiện EU có rất nhiều tiềm năng để thực hiện điều này.
Khi nói đến các ngành công nghiệp xanh, sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc là đáng kinh ngạc. Trung Quốc cung cấp 4/5 nhu cầu về pin mặt trời của EU và hơn 90% nhu cầu về nam châm vĩnh cửu, đất hiếm và lithium, cả hai yếu tố này đều là đầu vào quan trọng để sản xuất xe điện ở châu Âu.
Đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine đã làm bộc lộ nguy cơ phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp riêng lẻ. Ngoài ra, không một quốc gia nào - kể cả Trung Quốc - có thể một mình khai thác, chế biến và sản xuất tất cả các khoáng sản, thành phần và công nghệ quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
Theo một nghiên cứu gần đây của McKinsey & Co., đầu tư vào các khoáng sản quan trọng phải tăng lên 300 tỷ USD đến 400 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Trung Quốc đang trên đà đạt kỷ lục 20 tỷ USD đầu tư vào khai thác mỏ và kim loại trong năm nay.
Ngay cả khi được thực hiện, kế hoạch giảm rủi ro của châu Âu khó có thể dẫn đến việc tách rời toàn diện khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, các chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng với những mục tiêu cụ thể sẽ góp phần giải quyết bài toán này.
Ví dụ, chương trình nghị sự của EU về các nguyên liệu thô quan trọng đã đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực tự khai thác 10% nguyên liệu thô quan trọng như lithium, cobalt và đất hiếm mà khu vực này tiêu thụ. Riêng hoạt động tái chế nguyên liệu thô quan trọng đáp ứng thêm 15% nhu cầu. EU cũng sẽ tăng công suất chế biến nguyên liệu thô quan trọng lên mức 40% nhu cầu vào cuối thập niên này.
Đây vẫn sẽ là những mục tiêu đầy thách thức để đạt được, nhưng việc giảm thiểu rủi ro sẽ giúp châu Âu giảm bớt tính dễ bị tổn thương trước một cuộc khủng hoảng địa chính trị có thể xảy ra trong tương lai, và giảm thiểu cơ hội của Bắc Kinh trong việc khai thác sự phụ thuộc công nghiệp cho các mục đích chính trị và kinh tế.
>>Đức đối mặt "cơn gió ngược" trong chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh này, EU có thể tham khảo động thái gần đây của Trung Quốc nhằm hạn chế xuất khẩu gali và germani, những kim loại quan trọng để sản xuất chất bán dẫn.
Hiện nay, Trung Quốc cũng đang cấm xuất khẩu than chì một cách không chính thức sang Thụy Điển, một loại khoáng chất thiết yếu trong sản xuất pin xe điện. Bằng cách cắt đứt những nguồn cung cấp này, Trung Quốc đang gây khó khăn cho nhà sản xuất pin Northvolt của Thụy Điển.
Tuy nhiên, ông Luke Patey, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch tại Copenhagen cho biết, để châu Âu phát triển khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng xanh, điều cần thiết là các quốc gia EU phải hành động cả trên và dưới chuỗi giá trị.
Nhật Bản có thể cung cấp mô hình về cách phát triển các chuỗi cung ứng xanh thay thế bao gồm khai thác, chế biến và sản xuất kim loại cho nam châm và pin.
Tokyo đã giảm thiểu rủi ro bằng cách cung cấp tài chính cho công ty khai thác mỏ Lynas Rare Earths có trụ sở tại Perth để phát triển một mỏ khoáng sản ở Tây Australia và một nhà máy chế biến ở Malaysia. Các công ty kim loại và nam châm Nhật Bản cũng đã củng cố cơ sở sản xuất của họ tại Thái Lan và Việt Nam.
Do đó, Nhật Bản tiếp tục chiếm hơn 1/3 sản lượng nam châm đất hiếm hiệu suất cao cho ngành công nghiệp xe điện trên toàn cầu.
Chuyên gia này cho rằng, EU có thể tận dụng các mối quan hệ đối tác khai thác mà họ đã hình thành với Mỹ, Canada và Australia, cũng như tăng đầu tư của các công ty châu Âu vào các nước giàu khoáng sản ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, để đẩy nhanh tiến trình giảm thiểu rủi ro.
Khu vực Bắc Âu có tiềm năng khoáng sản quan trọng chưa được khai thác cũng có thể giúp đáp ứng nhu cầu dài hạn của châu Âu. Phần Lan đã tinh chế 10% sản lượng coban của thế giới. Bỉ và Đức tinh chế lượng germanium nhỏ hơn nhưng con số vẫn ở mức đáng kể. Estonia là quê hương của một trong những nhà chế biến đất hiếm duy nhất hoạt động bên ngoài Trung Quốc.
Một công ty Na Uy đã thu hút đầu tư cho một cơ sở chế biến đất hiếm khác sẽ đáp ứng 5% nhu cầu của châu Âu bằng cách sử dụng công nghệ mới mà công ty này phát triển với sự hỗ trợ của EU.
Mỗi dự án này chỉ đại diện cho một phần nhỏ nhu cầu của khu vực, nhưng khi kết hợp với nhau, chúng có thể tạo ra những đóng góp đáng kể. Nhưng những tác động tới môi trường do các mỏ mới tạo ra phải được hạn chế bằng các biện pháp tái chế và thúc đẩy các quy trình sản xuất tuần hoàn.
Thay đổi không bao giờ đến dễ dàng. Phá vỡ sự phụ thuộc kéo dài và tái thiết chuỗi cung ứng là một quá trình tốn kém, phức tạp. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc phát triển các mạng lưới sản xuất xanh thay thế bên ngoài Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ quá khó khăn đối với EU.
Có thể bạn quan tâm