Khởi nghiệp thành công từ tích lũy ruộng đất
Anh Nguyễn Văn Luân ở thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo - Quỳnh Phụ đã khởi nghiệp từ đầu tư máy móc hiện đại, liên kết sản xuất, hình thành chuỗi khép kín từ gieo cấy lúa đến lúc thu hoạch.
>>>Công ty khởi nghiệp FinTech Việt Nam 1Long huy động 500.000 USD
Dám nghĩ dám làm...
Anh Nguyễn Văn Luân ở thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo - Quỳnh Phụ - Thái Bình chia sẻ, tôi sinh năm 1988, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi có thời gian làm công nhân cơ khí tại một Công ty đóng tàu ở Quảng Ninh. Xa nhà, công việc không ổn định đã thôi thúc tôi trẻ về quê lập nghiệp vào năm 2010. Tôi bắt khởi nghiệp từ một người hàng xáo. Sau thời gian tích cóp tôi đã mua sắm được máy sấy thóc, xay xát gạo, ô tô chở hàng, xe nâng hàng, rồi mạnh dạn mở Công ty.
Anh Luân cho biết: 5 năm rong ruổi thu mua thóc của nông dân khắp các làng quê, nhận thấy diện tích ruộng bị bỏ hoang nhiều, số hộ cấy lúa ít. Trong khi đó, nếu có cấy thì diện tích mặt bằng để phơi thóc còn hạn chế do sân kho của các hợp tác xã không còn, sân nhà văn hóa, sân các hộ gia đình rất chật. Bởi thế, thóc tươi được đổ ra đường làng, đường xã, đường huyện, quốc lộ để phơi. Sức nóng trên trời rọi xuống, sức nóng dưới mặt bê tông, nhựa đường bốc lên khiến hạt thóc dễ bị gãy vụn, bạc bụng.
Hơn thế, phơi thóc trực tiếp trên đường còn dễ lẫn sỏi đá, tạp vật làm phẩm cấp của nông sản đi xuống. Bên cạnh đó, mỗi khi vào mùa thu hoạch rơi đúng đợt mưa bão, người dân gặp nhiều khó khăn trong khâu phơi thóc.
Chính những lý do trên đã khiến anh Luân thêm quyết tâm với lựa chọn của mình là đầu tư giàn sấy thóc. Với 150 triệu đồng vay mượn và ít vốn tự có, năm 2015 anh thuê mặt bằng, xây nhà xưởng, mua giàn sấy thóc đầu tiên đặt tại xã An Đồng.
Sau 3 năm (2018), anh mạnh dạn vay mượn và đầu tư 15 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên, đặt tại thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo.
Tham gia liên kết với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên do anh Luân làm giám đốc 4 năm nay, ông Phạm Hồng Sơn, thôn Đức Chính, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) phấn khởi, yên tâm tích tụ ruộng đất. Mỗi sào, ông lãi 600.000 - 1.000.000 đồng/năm nhờ liên kết.
Ông Sơn cho biết: Liên kết với Công ty, giá đúng theo hợp đồng, ổn định đầu ra, tránh đứt gãy trong khâu tiêu thụ. Sau thu hoạch, thóc được Công ty thu mua luôn, không tốn công phơi mà giá cao hơn thị trường.
Thành công nhờ liên kết sản xuất
Sự thay đổi cách thức kinh doanh đã mang lại cho Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên do anh Luân làm Giám đốc phát triển ổn định. Nhờ liên kết sản xuất với bà con ngay từ đầu vụ, anh quản lý được quy trình và chất lượng lúa. Với từng vùng đất khi liên kết, anh lựa chọn giống lúa, biện pháp chăm sóc phù hợp. Năm 2023, anh liên kết với 10 HTX, hơn 300 chủ hộ với diện tích cấy lúa khoảng 1.000ha; bán thóc, gạo cho hơn 1.000 công ty, đại lý.
Anh Nguyễn Văn Luân chia sẻ: Nhờ những tháng năm rong ruổi đi thu mua thóc từng nhà dân, tôi hiểu những khó khăn, những điều bà con đang mong muốn. Từ việc làm sao để giảm được chi phí trong sản xuất, đến vấn đề không cần lo lắng về giá cả, đầu ra mỗi khi vào mùa thu hoạch, rồi nâng tầm giá trị của thóc, gạo.
Lợi nhuận thu được, anh Luân tái đầu tư với mong muốn các HTX, bà con nông dân yên tâm về khâu phơi, tiêu thụ thóc, gạo, dần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu gạo cho quê hương mình. Mô hình kinh tế của anh Luân đang tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Anh Luân chia sẻ thêm: Ngoài vốn, kinh nghiệm, thì các mối quan hệ, quản trị tôi cũng còn hạn chế. Tại thời điểm tôi khởi nghiệp, rất ít mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu thóc tươi cho nông dân. Đây là khó khăn cũng là cơ hội để cho doanh nghiệp của tôi phát triển. Khó khăn đủ đường nhưng đã làm rồi thì tôi phải quyết tâm theo đuổi đến cùng, bởi đây là tâm huyết của bản thân, niềm tin của gia đình, người thân, bạn bè.
Từng bước vượt qua khó khăn, đến nay Công ty của Luân có 4 giàn máy sấy thóc với công suất 100 tấn/ngày, máy xay xát gạo với công suất 30 tấn/ngày. Các loại máy khi mua về lắp đặt trong Công ty anh cải tiến để phù hợp với tình hình thực tế. Hiện anh liên kết với 10 hợp tác xã, hơn 300 chủ hộ với diện tích cấy lúa khoảng 1.000ha; bán thóc, gạo cho hơn 1.000 công ty, đại lý, doanh thu mỗi năm từ 50 - 60 tỷ đồng. Bao nhiêu lợi nhuận anh tái đầu tư với mong muốn các hợp tác xã, bà con nông dân yên tâm về khâu phơi, tiêu thụ thóc, gạo. Không chỉ thành công trong liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo, tăng thu nhập cho gia đình, mô hình kinh tế của anh Luân đang tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Luân nhận định: Sấy tự động trở thành khâu áp chót của một dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gồm làm đất, mạ khay máy cấy, thu sấy rồi chế biến thành hàng hóa. Có sấy tự động sẽ không còn lo mặt bằng cho phơi, sẽ giúp gia tăng giá trị nông sản, đồng thời giải quyết được một phần của vấn đề bỏ ruộng, bởi khi đất đai đã được tập trung, các khâu khác đã được cơ giới hóa thì khâu sấy sẽ hoàn thành nốt vai trò của mình là làm gia tăng chất lượng gạo cũng như giá bán cuối cùng. Khi có điều kiện, tôi sẽ đầu tư mở rộng liên kết, quy mô giàn sấy thóc, máy xay xát gạo.
Anh Nguyễn Quang Anh – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Quỳnh Báo – Quỳnh Phụ cho biết: Anh Luân là một tấm gương sáng cho phong trào khởi nghiệp tại địa phương dám nghĩ dám làm. Năm 2023 dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức, anh Luân đạt giải nhì với dự án “Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi sản xuất bền vững tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam”. Đây cũng là vinh dự lớn cho địa phương.
Anh Quang Anh cho biết thêm: Người làm nông nghiệp như anh Luân là những “lão nông tri điền” ngày nay dám nghĩ dám làm, biết dùng các thiết bị công nghệ kết nối “dữ liệu số” để khởi nghiệp, và thành công hôm nay đã tạo giá trị mới, làm mới cánh đồng cũ.
Có thể bạn quan tâm
Làng Design Thinking: Xây dựng và phát triển mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
16:48, 26/02/2024
Công ty khởi nghiệp PermitFlow tạo nền tảng rút ngắn thời gian xin giấy phép xây dựng
01:01, 26/02/2024
Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam: 10 năm một hành trình thắp lửa khởi nghiệp
16:26, 24/02/2024