Tạo đột phá cho du lịch Việt từ chính sách visa
Chính sách visa tốt sẽ xóa bỏ những trở ngại trước đây và đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch dễ tiếp cận cho du khách toàn cầu.
>>Thí điểm cấp visa dài hạn để tăng cơ hội hút khách quốc tế
Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt... đòi hỏi ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm. Visa vẫn là rào cản đầu tiên khiến khách du lịch quốc tế không sẵn sàng đến Việt Nam và khiến Việt Nam gặp khó trong cạnh tranh về điểm đến.
Ngay đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 08/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, trong đó yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu mở rộng chính sách visa. Những cải cách chính sách thị thực gần đây cùng với Chỉ thị mới là một bước tiến lớn đối với lĩnh vực du lịch và đầu tư.
Đã “nới” nhưng chưa đủ
Từ giữa tháng 8/2023, Việt Nam đã cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn từ 30 lên 90 ngày với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của nước Việt Nam đơn phương miễn thị thực được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Chính sách visa mới với nhiều điểm thông thoáng là đòn bẩy tích cực, giúp ngành du lịch vượt chỉ tiêu đón khách quốc tế trong năm 2023 với 12,6 triệu lượt khách. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và ngay từ đầu năm cũng ghi nhận con số tăng trưởng tích cực khi dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Đà Nẵng đã đón gần 177.000 lượt, Hà Nội 103.000 lượt, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, chính sách visa của Việt Nam vẫn đang là hạn chế so với các quốc gia láng giềng. Điều này vô hình trung trở thành rào cản trong cuộc đua đón khách quốc tế khi họ không sẵn sàng lựa chọn Việt Nam. Đại diện một doanh nghiệp du lịch cho hay việc tăng thời gian lưu trú cho khách là vô cùng hữu ích, tuy nhiên mới có công dân 13 quốc gia được áp dụng miễn thị thực đơn phương, thời gian lưu trú 45 ngày.
Ông dẫn chứng cuối năm ngoái có đôi vợ chồng người Hy Lạp sang du lịch, gần đến ngày hết tour thì gặp sự cố cần phải ở lại Việt Nam họ bắt buộc phải bay ra khỏi Việt Nam rồi sau đó vào lại bằng visa mới. Với những tình huống này khiến cho khách nản khi vào Việt Nam du lịch. Rất nhiều khách có xu hướng đi du lịch dài ngày và đi kết hợp các nước trong cùng khu vực như Việt Nam – Lào – Campuchia – Thái Lan. Vì vậy, họ thường có kế hoạch sớm do đó chính sách nhập cảnh mới cần được công bố sớm để không mất cơ hội. Trong khi đó Thái Lan, Campuchia, Lào thì chính sách visa khá thông thoáng và dễ dàng.
Hầu hết công dân các nước từ lâu đã được nhập cảnh vào Campuchia, Lào mà không cần xin bất cứ giấy tờ gì trước. Khi đến sân bay của Lào, Campuchia, khách chỉ cần nộp 46 USD (tại Lào) hay 35 USD (Campuchia) là được cấp visa. Không mất phí trung gian. Thái Lan cũng vừa cho phép khách làm visa on arrival (cấp thị thực tại cửa khẩu), không yêu cầu phải xin giấy phép chấp thuận trước và miễn thị thực cho rất nhiều quốc gia (nhiều hơn Việt Nam). Rõ ràng chính sách Việt Nam đã nới song rõ ràng hạn chế vẫn còn.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nhận định, chính sách về visa đã có những thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch. Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn là cần có một loạt giải pháp đồng bộ, như tạo hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn...
Để không lãng phí cơ hội
Năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia ngành du lịch, việc tiếp tục tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế trong quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... là một trong những giải pháp cần quan tâm.
Việc mở rộng chính sách miễn thị thực sẽ tạo thuận lợi cho du khách, góp phần thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của du lịch nước nhà với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.
Tại Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững đã ghi nhận du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế cần phải nỗ lực khắc phục. Một trong những giải pháp Thủ tướng yêu cầu là chính sách ưu đãi về xuất cảnh, nhập cảnh, mở rộng miễn thị thực đơn phương, thí điểm cấp thị thực cửa khẩu.
Trên thực tế, ở góc độ doanh nghiệp bà Bùi Băng Giang - Giám đốc công ty lữ hành Asia Exotica Việt Nam cho rằng, thị thực điện tử (evisa) dù thuận tiện hơn giấy xin chấp nhận visa trước đây, nhưng giao diện chưa đẹp, chưa thuận tiện và dễ hiểu với khách. Khi có thắc mắc, khách du lịch, công ty du lịch không biết liên hệ ai (do không có email hoặc số điện thoại) để được hỗ trợ.
Bà Bùi Băng Giang nhận định phần thông tin liên lạc của cơ quan cấp thị thực còn yếu. Khi so sánh với các nước trên thế giới và khu vực, bà Giang kiến nghị cần cải tổ mạnh mẽ về chính sách thị thực mới thúc đẩy được du lịch. Đồng thời nên miễn visa cho nhiều quốc tịch hơn ngoài những thị trường trọng điểm đã được miễn thị thực tại châu Âu như Mexico, Colombia, Argentina, Brazil, Peru, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada, Úc... – bởi đây là các thị trường có khả năng chi trả cao. Ngoài ra, cần áp dụng cách làm đơn giản nhất là visa on arrival (có danh sách quốc tịch được áp dụng rõ ràng, có hộ chiếu còn hạn,... ) và làm trực tiếp tại cửa khẩu (như cách Campuchia và Lào).
Nhận định về tầm quan trọng của chính sách thị thực, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Do vậy, nếu mở rộng các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững.
Đây không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp mà cả của ngành du lịch Việt Nam để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đặc biệt là nguồn khách giàu có đến với chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
Mở rộng chính sách visa – Tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt
15:26, 27/02/2024
Cần mở rộng chính sách visa, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp du lịch
07:39, 30/08/2023
Hút du khách bằng chính sách visa mới: Kỳ vọng phân khúc du lịch dài ngày
02:00, 15/08/2023
Hút du khách bằng chính sách visa mới: Giải pháp chiến lược
04:00, 14/08/2023