Tháo gỡ các "nút thắt" để đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô
Nhiều giải pháp đưa ra để thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng nhằm đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm 2024. Trong đó cần sớm ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
>>Yêu cầu EVN xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần
Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô của năm 2024 tại Nam Bộ và dự báo sẽ thiếu điện tại miền Bắc vào mùa hè nóng nắng. Tại Nam Bộ, cao điểm mùa khô diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 và miền Bắc xảy ra trong các tháng cuối mùa khô từ tháng 5-7 hàng năm.
Để đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương tập trung, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể nhất là kế hoạch để triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Công Thương phải tập trung phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm nhất có thể đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối cấp điện cho miền Bắc (phấn đấu nhất định hoàn thành và đóng điện trong tháng 6 năm 2024).
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, trình Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở và khu công nghiệp.
Trước đó, Bộ Công Thương có Công văn số 8691/BCT-ĐL ngày 06/12/2023 đề nghị xin góp ý về Hồ sơ xây dựng nghị định của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Trong dự thảo đó có nội dung xin ý kiến về việc cho sử dụng điện tại chỗ và không cho bán điện, nội dung này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng doanh nghiệp.
>Năm 2024 mục tiêu hoàn thiện các quy hoạch năng lượng
>>Tháo gỡ “nút thắt” trong đầu tư LNG
Cụ thể một số chủ đầu tư khu công nghiệp cho biết: Theo công văn số 8691/BCT-ĐL ngày 06/12/2023, điện mặt trời mái nhà do tổ chức cá nhân thực hiện phát triển được sử dụng tại chỗ không cho bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu không cho bán số điện dư từ hệ thống điện mặt trời cho các tổ chức, cá nhân khác thì sẽ rất lãng phí nguồn lực xã hội. Điều này không chỉ đi ngược với “khái niệm” khuyến khích đầu tư phát triển mô hình này, mà còn giảm sự thu hút đầu tư từ các nguồn lực vào hệ thống điện mặt trời cho khu chế xuất, khu công nghiệp.
Bên cạnh đó Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII hiện vẫn chưa được ban hành nên chưa có cơ sở để doanh nghiệp thực hiện. Mặc dù Quy hoạch này dù đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5.2023, nhưng đến nay đã hơn 9 tháng, bản kế hoạch thực hiện vẫn chưa được ban hành.
Với LNG, Quy hoạch điện VIII đã đặt mục tiêu cho điện khí LNG đến năm 2030 đạt tổng công suất 22.400 MW, tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc. Chia sẻ về khó khăn này, Ông Nguyễn Duy Giang – Phó TGĐ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết: Trong trường hợp năm 2024 khi Nhơn Trạch 3&4 vào vận hành thương mại mà chưa có hợp đồng mua bán điện (PPA) là điều không thể xảy ra vì PPA chính là công cụ để vận hành tham gia thị trường điện. Hiện tại PV Power cơ bản đang đàm phán và chậm nhất là quý I/2024 phải hoàn thành PPA này.
Để LNG phát triển, đại diện PV Power đề xuất: Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách phát triển về hạ tầng kho cảng, bởi điện khí LNG không phải chỉ có nhà máy điện, cần có cụm kho cảng LNG chuyên dùng.
Thứ hai, để các dự án vận hành thương mại được cần có sự phối hợp nhiệt tình từ các chính quyền địa phương, đặc biệt là đền bù giải phóng mặt bằng, đất đai.
Thứ ba là trách nhiệm của Bộ Công Thương và EVN trong vấn đề phát triển hệ thống truyền tải, kết nối với đường dây. Thứ tư là Bộ Công Thương cần sớm ban hành cơ chế PPA, chính sách QC dài hạn. Bởi bao tiêu sản lượng điện QC dài hạn sẽ là cơ sở, nền tảng để các chủ đầu tư dự án ký kết các hợp đồng mua bán, cung cấp LNG dài hạn kịp thời phục vụ cho các dự án được phát triển ổn định.
Được biết, Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng nghị định liên quan đến cơ chế mua bán điện khí, gió theo hình thức rút gọn và chậm nhất phải hoàn thành trong quý II/2024.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã chủ trì phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), EVN xây dựng nghị định liên quan đến cơ chế mua bán điện khí, gió theo hình thức rút gọn và chậm nhất phải hoàn thành trong quý II năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ “nút thắt” năng lượng tái tạo
03:30, 08/02/2024
Trung Quốc sẽ hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo của ASEAN?
03:00, 03/02/2024
Thúc đẩy năng lượng tái tạo vì mục tiêu đưa phát thải ròng về "0"
14:07, 25/12/2023
Yêu cầu EVN xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần
13:23, 17/01/2024
Năm 2024 mục tiêu hoàn thiện các quy hoạch năng lượng
05:00, 14/01/2024