Cần thiết sửa đổi Luật Thi hành án dân sự
Để có thể theo kịp quan hệ phát sinh trong thực tiễn phát triển của đất nước, đảm bảo đồng bộ với pháp luật khác liên quan, theo chuyên gia, cần thiết phải sửa đổi Luật Thi hành án dân sự...
>> Còn nhiều “vướng mắc” trong… thi hành án dân sự
Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2023, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền, đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao.
Tính riêng kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong là 2.264 việc, tăng 369 việc (tăng 19,47%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 67,10% (giảm 2,08%) so với cùng kỳ năm 2022. Về tiền, đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng, tăng 4.415 tỷ đồng (tăng 27,62%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 41,11% (tăng 4,43%) so với cùng kỳ năm 2022.
Thực tế những năm qua, số lượng vụ việc phải thi hành án có xu hướng ngày càng tăng, giá trị lớn, tính chất pháp lý phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh; trong khi đó, tổ chức bộ máy, biên chế, nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm, phục vụ công tác quản lý và tổ chức THADS còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay...
Mặc dù công tác xây dựng thể chế được quan tâm chỉ đạo và từng bước hoàn thiện, thế nhưng, theo các chuyên gia, pháp luật THADS đã bộc lộ hạn chế, bất cập xuất phát từ trong nội tại các quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoặc chưa theo kịp các quan hệ phát sinh trong thực tiễn phát triển của đất nước; nhiều quy định chưa đồng bộ với các pháp luật khác liên quan; thời gian tổ chức thi hành án vẫn còn dài;...
Thực tế, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, tổng thời gian trung bình để giải quyết một vụ việc qua Tòa án là 400 ngày, trong đó, giai đoạn thi hành án là 150 ngày. So với mặt bằng chung của một số nước trong khu vực thì thời gian giải quyết một vụ việc của chúng ta vẫn còn dài. Điều này ít nhiều tác động đến việc xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
>> Bất cập kê biên tài sản thi hành án
Chưa kể, đối với Nhà nước, quá trình tổ chức THADS cũng sử dụng ngân sách trong nhiều giai đoạn, như xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt, thông báo, thực hiện tương trợ tư pháp trong trường hợp thi hành các việc chủ động và phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài, áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án, thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời... đặc biệt, việc THADS càng kéo dài thì các chi phí phát sinh càng nhiều.
Trong khi kết quả THADS chưa thực sự bền vững. Tổng số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn cao; còn một số lượng án có điều kiện nhưng chưa tổ chức thi hành xong; số chưa có điều kiện thi hành, nhất là về tiền, vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số phải thi hành, trong đó gồm cả các việc đã chuyển sang theo dõi riêng nhưng chưa có cơ chế để xử lý dứt điểm và triệt để…
Từ thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, để công tác này có thể theo kịp quan hệ phát sinh trong thực tiễn phát triển của đất nước, đảm bảo đồng bộ với pháp luật khác liên quan, cần thiết phải sửa đổi Luật Thi hành án dân sự.
Theo TS. Nguyễn Quang Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, sau 15 năm triển khai thực hiện Luật THADS, hệ thống THADS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả THADS về việc, về tiền ngày càng cao, có xu hướng bền vững và cơ bản đạt, vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Việc kiên quyết thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua đã và đang nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội. Công tác THADS cũng trực tiếp góp phần tích cực xử lý nợ xấu, giải phóng các nguồn lực “đóng băng” trong tranh chấp.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thi hành Luật THADS và các văn bản quy định chi tiết còn chưa đạt kết quả như mong muốn do Luật THADS hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được đánh giá, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi phù hợp với tình hình thực tiễn.
“Việc sửa đổi Luật Thi hành án dân sự nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện pháp luật”, TS. Nguyễn Quang Thái bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, tại Phiên họp Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật tháng 01/2024, Chính phủ đã xem xét việc sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng yêu cầu bức thiết mà cuộc sống đặt ra, bảo đảm công lý phải được thực thi đến cùng.
Có thể bạn quan tâm
Hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự
20:43, 27/12/2023
Vụ Công ty CMH bất hợp tác thi hành án dân sự: Buộc trả lại mặt bằng đang thuê
03:00, 12/12/2022
Còn nhiều “vướng mắc” trong… thi hành án dân sự
04:00, 08/11/2022
Công ty CMH “bị tố” bất hợp tác trong thi hành án dân sự
03:00, 22/10/2022
Ninh Bình: Công ty Minh Thoa khởi kiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoa Lư
11:40, 17/10/2020