Quy hoạch Tỉnh Thái Bình tạo động lực phát triển kinh tế

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 03/03/2024 16:40

Ngày 5/3/2024 tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình. Hứa hẹn một giai đoạn mới, tạo động lực tỉnh Thái Bình phát triển lên một tầm cao mới.

>>>Kinh tế Thái Bình 2023: Thấy gì từ con số tăng trưởng?

Quy hoạch tầm nhìn và khát vọng phát triển

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số Quyết định 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, đến năm 2030, Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình đến năm 2050.

Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình đến năm 2050.

Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng. Giá trị truyền thống và văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất tinh thần của người dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Cũng theo quy hoạch này các phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình được định hình theo cấu trúc dựa trên bộ khung đã được chỉ ra: 01 trung tâm - 03 hành lang kinh tế - 04 không gian phát triển.

1 trung tâm là Thành phố Thái Bình, với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; tập trung các hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, đầu mối trong liên kết các dịch vụ với các tỉnh vùng ĐBSH và cả nước.

Một góc thành phố Thái Bình. Ảnh Đình Dũng.

Một góc thành phố Thái Bình. Ảnh Đình Dũng.

3 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông (với 02 trung tâm là đô thị Tiền Hải và đô thị Thái Thụy với vai trò đô thị đối trọng với TPTB) kết nối trục Đông Bắc - Tây Nam; Hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận: tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam và hướng về thành phố Hà Nội; Hành lang Đông Bắc - Tây Nam kết nối từ các tỉnh phía Bắc Trung bộ về thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.

 4 không gian gian phát triển, gồm: Không gian kinh tế - xã hội khu vực trung tâm (khu vực thành phố Thái Bình và phụ cận); Không gian kinh tế - xã hội ven biển (gồm 2 huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ); Không gian kinh tế - xã hội khu vực ngoại biên (gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ và phía Bắc huyện Đông Hưng); Không gian kinh tế - xã hội phía Nam (gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư).

Các nhiệm vụ trọng tâm

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở các cụm liên kết ngành (cluster) và kinh tế tuần hoàn. Đổi mới tổ chức và phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh theo mô hình cụm liên kết ngành đối với các ngành chủ đạo của tỉnh. Trong mỗi cụm ngành, chú trọng thúc đẩy các mối liên kết đa ngành công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Tập trung phát triển các cụm ngành: cụm ngành dệt may, giày dép; cụm ngành sản xuất vật liệu xây dựng gắn với sử dụng tài nguyên khí đốt; cụm ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí ô tô; cụm ngành dược phẩm sinh học, thiết bị và dịch vụ y tế; cụm ngành sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; loại bỏ công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu; khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn;

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, giao thông nội bộ và hạ tầng các khu công nghiệp để Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển của tỉnh; có không gian kinh tế hiện đại, bền vững, liên kết với Vùng đồng bằng sông Hồng. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước có uy tín và năng lực về tài chính, quản trị, công nghệ vào đầu tư tại Khu kinh tế Thái Bình. Chú trọng thúc đẩy các mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình và các doanh nghiệp hiện có của tỉnh;

Xây dựng hệ thống đô thị trở thành các trung tâm động lực và lan tỏa phát triển. Tập trung xây dựng thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I và xây dựng một số đô thị loại III, loại IV, đô thị phục vụ Khu kinh tế Thái Bình theo hướng phát triển đô thị xanh, hiện đại. Phát triển các đô thị trở thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo tác động lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đổi mới, đa dạng các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khởi nghiệp, kinh doanh, đổi mới sáng tạo để phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình;

Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hình thức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và để tham gia các ngành nghề mới phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Thực hiện chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ thông tin. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số của tỉnh Thái Bình. Chủ động, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện chuyển đổi số phù hợp trong các ngành, lĩnh vực. Đầu tư thích đáng cho hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin của tỉnh. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Các đột phá phát triển

Tiếp tục thực hiện các đột phá phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng thời, tập trung vào 03 khâu then chốt sau: Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của Vùng Duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh;

Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

Phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá trên một số lĩnh vực: cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển... Mở rộng không gian lấn biển theo quy định để tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển xanh, sạch, đẹp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Nguyễn Khắc Thận, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Bình đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch thực hiện, từ đó sớm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch bảo đảm phù hợp và thống nhất với Quyết định số 1735/QĐ-TTg; tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình vào ngày 5/3/2024 sắp tới theo Kế hoạch số 34/KH-UBND, ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh; đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo phương án phát triển của Quy hoạch tỉnh, trên địa bàn tỉnh trong tương lai sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc và sau năm 2030 tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung 1 sân bay chuyên dụng ven biển vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên giới biển…

Với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra, cộng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tin tưởng rằng trong tương lai không xa Thái Bình sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới trong khu vực đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển, là nơi đáng sống trên chặng đường hội nhập và phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào tỉnh Thái Bình

    Thêm doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào tỉnh Thái Bình

    00:30, 23/02/2024

  • “Én gọi xuân về” mang tinh thần thép cho doanh nghiệp Thái Bình

    “Én gọi xuân về” mang tinh thần thép cho doanh nghiệp Thái Bình

    01:30, 23/02/2024

  • Doanh nghiệp Thái Bình thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

    Doanh nghiệp Thái Bình thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

    00:30, 21/02/2024

  • Tỉnh Thái Bình Phát động thi đua yêu nước năm 2024

    Tỉnh Thái Bình Phát động thi đua yêu nước năm 2024

    12:19, 12/01/2024

  • Quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ mở ra không gian phát triển mới

    Quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ mở ra không gian phát triển mới

    11:52, 04/01/2024

  • Doanh nghiệp Thái Bình vượt khó

    Doanh nghiệp Thái Bình vượt khó

    02:00, 04/01/2024

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG