Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ
Trước các rủi ro tiềm ẩn, theo chuyên gia, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền ảo là cần thiết để tạo thuận lợi trong việc quản lý của Nhà nước, không nên vì lo ngại mà chậm trễ…
>> Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tại quyết định này, Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với bộ ngành liên quan xây dựng bộ khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tài sản ảo vào tháng 5/2025; Đồng thời, chứng minh việc thực thi khung pháp lý gồm: nâng cao hiểu biết của cơ quan quản lý, giám sát hiểu rõ rủi ro của khu vực này.
Đây là nhiệm vụ thuộc hành động 6 trong tổng số 17 chương trình hành động thực hiện cam kết Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, đây là động thái cần thiết, và cần nhanh chóng được hiện thực hóa. Thực tế, ngay từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Theo đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế; hoàn thành vào năm 2019, tuy nhiên, đến nay, đề án này vẫn chưa được hiện thực hóa.
>> Sống xa hoa, nói đạo lý: Chiêu “dụ mồi” của "ông chủ" 8 sàn tiền ảo
Đáng nói, trong thời gian qua, hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo có được những khoản lợi nhuận lớn. Theo thống kê của báo Wall Street Journal (Mỹ), chỉ tính trong tháng 5/2023, Việt Nam nằm trong số 5 nước có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn Binance, đạt số tiền 20 tỉ USD. Trong khi đó, Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn báo cáo của Blockchain Chainalysis cho rằng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến 6/2022, thị trường Việt Nam ghi nhận 112,6 tỷ USD tiền điện tử được giao dịch, đứng thứ hai Đông Nam Á.
Và theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), trong giai đoạn tháng 10/2021 – 10/2022, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD, trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.
Chưa kể hiện nay, nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo tiền ảo nói riêng như EU, Nhật Bản, Mỹ, một số nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc khẩn trương nghiên cứu khung khổ pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh một số nước có những động thái liên quan các loại tiền ảo, nhất là đồng tiền thuộc hàng lớn nhất - Bitcoin.
“Việc các bộ, ngành đã được giao nhiệm vụ từ năm 2017 nhưng đến nay chưa hoàn thành cho thấy phản ứng chính sách còn chậm so với yêu cầu thực tiễn”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trước những thay đổi nhanh chóng về chính sách đối với tiền ảo của một số quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu kinh nghiệm để quản lý tiền số phù hợp với Việt Nam là rất cần thiết.
Thừa nhận đây là vấn đề khó và có nhiều rủi ro liên quan rửa tiền nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần sớm đề xuất các phương án thí điểm bước đầu, sau đó sẽ cân nhắc đưa ra quy định phù hợp.
“Không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ trong nghiên cứu chính sách”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam cần sớm công nhận tiền ảo, tài sản là một loại hàng hóa. Từ đó, mở hướng xây dựng khung pháp lý cho phép đầu tư giống những loại tài sản dân sự khác. Đồng thời, có những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, chống gian lận và rửa tiền bằng công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo là rất cấp thiết, chú trọng vào các vấn đề như: công nhận tài sản ảo, tiền ảo; xây dựng chính sách thuế với tài sản ảo, tiền ảo; ngăn chặn rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo; bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân khi giao dịch tài sản ảo, tiền ảo…
Được biết, sau chỉ đạo của Chính phủ, thông tin với báo chí, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý tiền ảo, tài sản ảo.
Đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, ý kiến góp ý chưa làm rõ phương pháp nghiên cứu, cơ chế tiếp cận để xây dựng khung pháp luật về tiền ảo. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên hệ, trao đổi với một sàn giao dịch tiền ảo lớn trên thế giới có hơn 200 danh mục tiền ảo, tài sản ảo.
“Tiền ảo, tài sản ảo là lĩnh vực mới tại Việt Nam và tương đối nhạy cảm. Vì vậy, phương pháp nghiên cứu phải hết sức thận trọng, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ cho phép thành lập tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án quản lý tài sản ảo, tiền ảo”, Bộ Tài chính lý giải.
Có thể bạn quan tâm
Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo
03:20, 24/09/2023
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bịt “kẽ hở” quản lý… tiền ảo
04:00, 01/11/2022
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào luật
04:00, 12/09/2022
“Tiền bẩn” ẩn dưới vỏ bọc tiền ảo
20:14, 09/08/2022
Tiền ảo, Bitcoin không phải tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam
03:20, 04/08/2022