Trước sự bùng nổ của các loại tiền điện tử, tiền ảo... những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, không đưa nội dung quản lý tiền ảo trong sửa Luật Phòng, chống rửa tiền có thể tạo ra “kẽ hở”…
>> Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính
Dù nhiều nước chưa chấp nhận các loại tiền điện tử, tiền ảo… là phương tiện thanh toán, thế nhưng trong tương lai, vị thế của các loại tiền này trong hệ thống tài chính tiền tệ được dự báo có thể sẽ có những thay đổi, đòi hỏi phải đặt ra vấn đề quản lý loại tiền này.
Thực tế hiện nay, dù chưa được công nhận, hay có hành lang pháp lý quản lý, nhưng nhiều người dân ở Việt Nam vẫn có thể dễ dàng tạo tài khoản đăng ký ở các sàn giao dịch tiền điện tử, tiền ảo… do đặc điểm có tính ẩn danh và thuận lợi, dễ dàng trong giao dịch nên các tiền loại tiền này rất dễ bị lợi dụng để thực hiện các giao dịch phi pháp như rửa tiền, trốn thuế,… nếu không đưa vào quản lý.
Và đây cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt khi Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Cho ý kiến thẩm định về Dự thảo luật, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Mạnh Hùng (đại biểu đoàn Cần Thơ) cho rằng, tiền điện tử hiện là loại hình giao dịch phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù Dự thảo luật đã đề cập loại tiền này là hành vi bị cấm bao gồm tiền điện tử, nhưng lại chưa đưa ra khái niệm tiền điện tử, nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
“Rửa tiền qua tiền điện tử là nguy cơ hiện hữu, nên đặt ra vấn đề là có cần quản lý tiền điện tử gắn với quản lý rửa tiền hay không?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm đã nêu, đại biểu Đào Hồng Vận (đại biểu đoàn Hưng Yên) cũng cho rằng, tiền ảo và tiền kỹ thuật số ở Việt Nam hiện không được giao dịch, nếu Dự thảo luật không đưa ra vấn đề này, không có biện pháp quản lý thì đây có thể là “kẽ hở” cho hoạt động rửa tiền.
Theo ông Vận, mặc dù loại tiền này không được chấp thuận, không được đưa vào luật, nhưng có thể các đối tượng dùng tiền để mua tiền ảo rồi bán hoặc chuyển tiền ra nước ngoài. Nếu không có chế tài mạnh thì trong trường hợp thông đồng chuyển tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài sẽ rất ảnh hưởng, vì vậy, cần quy định chặt chẽ.
Nêu quan điểm liên quan đến Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho hay, khi thảo luận ở Chính phủ cũng có hai loại ý kiến. Tuy nhiên, tờ trình thống nhất không đưa nội dung tiền ảo vào quy định của Dự thảo luật vì hiện chưa có căn cứ pháp lý để công nhận tiền ảo.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhìn nhận thực tế được các đại biểu nêu và đặt ra câu hỏi: “Thực tế sử dụng thì có chế tài xử lý thế nào?”.
Theo Thủ tướng, dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng. Tức, dù không có chế tài xử lý thì thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh.
“Thực tế đang vướng chỗ này, cũng rất sốt ruột. Vì vậy, phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp. Khi chưa được pháp luật công nhận thì có cách xử lý thế nào cho phù hợp và nên giao Chính phủ nghiên cứu xử lý”, Thủ tướng nêu quan điểm.
>> Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Một số quy định còn thiếu rõ ràng
Trước những băn khoăn của Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng tới đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền điện tử, tiền ảo... tận dụng thế mạnh của công nghệ đằng sau loại tiền này, thay vì tập trung nhiều vào việc thắt chặt.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Minh Quang - CEO Công ty MetaDOS cho rằng, vấn đề đầu tiên là việc công nhận tài sản kỹ thuật số, tiền điện tử là một loại tài sản. Việc này cần có sự tham mưu liên ngành mà chủ chốt nằm ở Bộ Tài chính, nếu chưa được luật pháp thừa nhận thì việc thị trường còn thiếu điều tiết quản lý trong thời gian dài nữa là điều vẫn sẽ xảy ra.
Theo ông Quang, với các dự án trong nước, việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng khiến cho hầu hết các dự án đều đặt công ty ở nước ngoài - những nơi cởi mở hơn với các hoạt động kinh doanh lĩnh vực này hoặc có quy định tương đối rõ ràng như UAE, Singapore... Hệ quả, Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội thu hút dòng vốn quốc tế, thu thuế từ các dự án chất lượng gặt hái thành công như thời gian vừa qua.
Việc ban hành những quy định cũng rất cần thiết cho việc quản lý một thị trường còn rất mới nhưng đã rất sôi động. Chỉ trong một năm vừa qua, có hàng trăm dự án đã gọi vốn thành công, tuy nhiên, quyền lợi của nhà đầu tư, hay mọi tranh chấp nếu có phát sinh đều do các bên tự giải quyết. Điều này làm giảm uy tín rất nhiều các dự án từ Việt Nam khi có nhiều dự án ngang nhiên huy động vốn rồi tìm cách rút êm mà không chịu trách nhiệm pháp lý nào. Về lâu dài điều này sẽ làm thị trường mất niềm tin, các dự án chất lượng từ trong nước sẽ ngày càng khó làm, dòng vốn ngày càng khó thu hút.
“Việt Nam là nước có tỷ lệ phổ cập về tài sản số, blockchain hàng đầu thế giới, tuy nhiên, nếu cứ hoạt động theo cách thả nổi mà không có luật thừa nhận, lợi thế về con người, công nghệ, thị trường của Việt Nam theo đó sẽ ngày càng giảm. Đó là một điều rất đáng tiếc trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới nhằm tận dụng cơ hội đi tắt đón đầu trong cách mạng 4.0”, ông Quang bày tỏ.
Còn theo ông Huy Nguyễn - đồng sáng lập kiêm Chủ tịch KardiaChain Foundation, hiện nay mọi người vẫn đánh đồng tài sản số (digital asset) với tiền mã hóa (cryptocurrency), trong khi tài sản số bao gồm rất nhiều thứ khác. Vì thế, bước đầu trong việc quản lý tài sản số nói chung và tiền mã hóa nói riêng thì cần những quy định, định nghĩa những vật phẩm số hóa nào được công nhận là tài sản số. Phải có định nghĩa cụ thể thì mới có thể phát triển được những quy chế thuế cụ thể dành cho việc sở hữu, hoặc giao dịch những loại tài sản số cụ thể...
Từ đó, các nhà lập pháp có thể tạo ra một khung pháp lý và quy tắc xung quanh những vấn đề như phát hành chứng khoán, chống rửa tiền, mức thuế phù hợp và bảo vệ người tiêu dùng.
“Để làm được những việc này, Chính phủ cần có sự đối thoại với những chuyên gia có kinh nghiệm về blockchain để giúp các cơ quan thẩm định đâu là tài sản số và cách để phân loại những tài sản số này thuộc lĩnh vực nào để có những bộ khung phù hợp cho việc quản lý, đánh thuế và giám sát”, ông Huy Nguyễn bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính
00:20, 23/10/2022
Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Cân nhắc nội hàm “chức vụ cấp cao”
17:04, 20/10/2022
Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Quy định rõ báo cáo về các giao dịch đáng ngờ
16:19, 20/10/2022
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Một số quy định còn thiếu rõ ràng
03:30, 15/10/2022
Chặn “rửa tiền” trong lĩnh vực công nghệ cao
00:05, 18/09/2022