Không chỉ thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải khắc phục được các vướng mắc, bất cập đang tồn tại…
>> Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Một số quy định còn thiếu rõ ràng
Theo đó, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 4 Chương, 65 Điều. Phạm vi điều chỉnh, về cơ bản Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong Phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong Phòng, chống rửa tiền.
Đồng thời, Dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định việc phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó các hành vi vi phạm được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Về đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, trong đó có tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc kế thừa Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, Luật sửa đổi lần này phải khắc phục được các vướng mắc, bất cập trong các quy định đã và đang tồn tại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.
Cho ý kiến về Dự thảo Luật này trước Quốc hội vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với việc các đối tượng báo cáo phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, trong đó, đã giới hạn một số nội dung đối với đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng sự cần thiết, tính khả thi và tính phù hợp của các nội dung đối với các đối tượng báo cáo cụ thể…
>> Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào luật
Cụ thể, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại Dự thảo Luật về các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng với các luật có liên quan, như Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...
Đồng thời, đề nghị cần xem xét kỹ quy định tại khoản 1 Điều 26 về yếu tố để thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với “Giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo hoặc người bị kết án…”.
Bên cạnh đó, về nội dung về đánh giá rủi ro rửa tiền của đối tượng báo cáo và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây là quy định mới và cần thiết trong bối cảnh các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, đồng thời phù hợp với khuyến nghị của FATF.
Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị, tiếp tục rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về báo cáo kết quả đánh giá rủi ro hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền và khoản 1 Điều 16 về xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo bảo đảm tính khả thi và tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các đối tượng khi triển khai.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi cần cân nhắc nội hàm “chức vụ cấp cao” do khái niệm này còn định tính, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau. Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu thêm về kỹ thuật, bảo đảm việc xác định danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là rõ ràng, minh bạch, khả thi trong thực tiễn triển khai; cân nhắc thuật ngữ “quản lý cấp cao” tại điểm b khoản 2; nhấn mạnh hơn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị.
Trước những ý kiến góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhằm không tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Một số quy định còn thiếu rõ ràng
03:30, 15/10/2022
Chặn “rửa tiền” trong lĩnh vực công nghệ cao
00:05, 18/09/2022
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào luật
04:00, 12/09/2022
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần làm rõ tiêu chí xác định giao dịch đáng ngờ
04:00, 31/08/2022
Luật Phòng, chống rửa tiền: Những bất cập cần sửa đổi
00:06, 26/07/2022