Ngân hàng cởi mở, doanh nghiệp địa ốc "dễ thở"
Khi các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đang dần thẩm thấu, thị trường địa ốc được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm 2024.
>>Chính sách đang “ngấm” vào thị trường địa ốc
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Miền - Phó Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường & Tư vấn xúc tiến đầu tư VARS đã có cuộc trao đổi với DĐDN.
- Theo bà, sau Tết các chính sách hỗ trợ đã thẩm thấu vào thị trường địa ốc như thế nào?
Trong suốt thời gian qua, chúng ta đã nhận thấy sự vào cuộc một cách quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và hệ thống ngân hàng trong nỗ lực khôi phục thị trường bất động sản. Đặc biệt, trước các thống kê liên tục về số lượng doanh nghiệp bất động sản phá sản, dừng hoạt động, môi giới bất động sản bị thất nghiệp, rời khỏi ngành ngày càng tăng đến mức chóng mặt, gần như chạm mốc 80 - 90%.
>>Nhà đầu tư quay lại thị trường địa ốc
Theo thời gian, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn. Sau Tết Nguyên đán đến giờ, chúng tôi đã khảo sát một vòng các sàn giao dịch tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… đều nhận thấy các thông tin khá tích cực. Đa số các sàn đều thông báo số lượng giao dịch bất động sản được chốt đã tăng dần và ổn định.
Nếu như trong năm, mặc dù nhiều sản phẩm “cắt lỗ”, “giảm sâu” nhưng vẫn khó chốt, thì thời điểm này các sản phẩm chỉ giảm nhẹ đã nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng và nhà đầu tư. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.
Về bản chất với các cơ chế, chính sách liên quan đến hành lang pháp lý, chúng ta vẫn phải chờ đến ngày 1/1/2025 khi ba bộ luật quan trọng nhất đối với thị trường bất động sản là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cùng với hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ khác và việc ba bộ luật này đã được thông qua đã phần nào giúp các doanh nghiệp dần xác định được hướng đi. Các nhà đầu tư cũng có cơ sở để củng cố thêm niềm tin với thị trường. Chính những điều này đã tác động tích cực tới thị trường.
Đặc biệt, sau một thời gian, động thái giảm lãi suất của ngân hàng cũng dần có tác động thực tế hơn. Điều này cũng góp phần tăng tính hấp thụ cho thị trường bất động sản.
- Bước sang năm 2024, những tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản là gì, thưa bà?
Theo tôi, niềm tin của khách hàng cũng như nhà đầu tư vào thị trường ngày càng được củng cố chính là tín hiệu đáng mừng nhất trong năm 2024. Bởi lẽ, tất cả nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sẽ là vô nghĩa nếu như nhà đầu tư vẫn dè chừng, không dám đưa ra quyết định. Thị trường có thực sự tốt hay không, doanh nghiệp có cơ hội hoạt động trở lại hay không, cái cuối cùng vẫn phải được xác định qua số lượng các giao dịch được chốt.
Và như đã nói ở trên, theo thông tin sơ bộ mà chúng tôi nhận về từ các thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường tại các địa phương số lượng giao dịch được chốt theo thống kê đang tăng dần.
Tiếp đến là sự “rục rịch khởi động trở lại” của các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dự án. Thay vì “án binh bất động chờ thời cơ” các chủ đầu tư có hàng đã bắt đầu triển khai các kế hoạch chuẩn bị ra hàng, các chủ đầu tư chưa có hàng đã “rục rịch” lên các phương án để chuẩn bị cho quá trình đầu tư dự án trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một tín hiệu khởi sắc có thể kể đến là từ hệ thống ngân hàng. Đã có nhiều hơn thông tin về mức lãi suất tốt, cùng cơ hội tiếp cận các khoản vay thuận lợi hơn. Điều này phần nào cho thấy “sự mở hơn” của ngân hàng với thị trường bất động sản. Khi nguồn vốn cho cả doanh nghiệp và khách hàng “dễ thở hơn”, được xem là tín hiệu tốt cho thị trường.
Ngoài ra, số lượng môi giới bất động sản quay trở lại hoạt động cũng đang có dấu hiệu tăng dần.
- Bà có thể đưa ra dự báo về thị trường bất động sản 2024?
Vì các vướng mắc của thị trường bất động sản đã tồn tại khá lâu và ở rất nhiều khía cạnh nên cùng với các cơ chế, chính sách đã được thông qua, tôi hi vọng rằng sẽ có thêm các cơ chế, chính sách riêng thông qua các nghị quyết đặc thù tiếp tục được ban hành để giải quyết một cách trực diện vào các “vấn đề” mà hiện nay vẫn đang bị vướng. Có như vậy, chúng ta mới cơ bản yên tâm được.
Nói như vậy, để chúng ta thấy rằng, các nỗ lực, cố gắng của tất cả các bên một thời gian đã dần có những tác động tích cực tới thị trường. Nhưng cần phải khẳng định rằng đây là các “tín hiệu” chứ chưa hẳn đã là “bằng chứng” chứng minh thị trường thực sự đã “sôi động”.
Chỉ khi các “tín hiệu” này được duy trì và tăng dần theo thời gian, lúc đó chúng ta mới có thêm các căn cứ để khẳng định. Lúc này, thị trường vẫn cần thời gian cũng như cần thêm nhiều tác động trực diện nữa để thực sự hồi phục.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
“Thế chân kiềng” kích hoạt thị trường bất động sản
19:00, 02/03/2024
Thu hút kiều hối vào bất động sản
03:00, 02/03/2024
Bất động sản hậu cần đô thị và câu chuyện tầm nhìn
11:25, 01/03/2024
Khơi thông nguồn vốn bất động sản: Cần tiếp tục gỡ về… pháp lý
03:30, 29/02/2024
Tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI vào bất động sản
12:04, 27/02/2024
Tín hiệu tích cực “phá băng” thị trường bất động sản
04:00, 26/02/2024