Quảng Nam: Doanh nghiệp bất động sản lao đao vì chờ sổ
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Quảng Nam hoàn thiện dự án đến 95%, đóng tiền sử dụng đất,... nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giao cho khách hàng.
>>Đề xuất gỡ phong tỏa tài khoản, gia hạn tiền nợ thuế cho doanh nghiệp Quảng Nam
Trong giai đoạn khó khăn của thị trường, nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS) Quảng Nam tiếp tục gặp nhiều áp lực khi dự án đã sắp đến giai đoạn hoàn thiện nhưng vẫn chưa được giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể giao đất cho khách hàng, cùng với đó là không có kinh phí để tiếp tục triển khai dự án.
Ông Nguyễn Phú Quý - Chủ tịch HĐQT Royal Capital Group cho biết phía doanh nghiệp đang gặp muôn vàn khó khăn khi vướng các vấn đề pháp lý trong BĐS. Thông tin từ ông Quý, tại dự án Khu đô thị Thanh Hà (66ha) hiện nay giai đoạn 1 đã đầu tư, xây dựng gần 1000 tỷ đồng và nộp tiền sử dụng đất 700 tỷ đồng từ tháng 5/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCN QSDĐ.
“Đến nay giai đoạn 1 đã được xây dựng hoàn thiện, Sở TN&MT đã kiểm tra, Sở Xây dựng đã báo cáo nhưng UBND tỉnh lại trả về cho các Sở kiểm tra lại. Cuối cùng là không trả lời”, ông Quý nói.
Theo ông Quý, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều lần đề cập đến vấn đề sớm cấp GCN QSDĐ, phía doanh nghiệp cũng đã có nhiều tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng. Trong 2 năm qua, doanh nghiệp phải “gồng lãi” cho khoản vay 1700 tỷ đồng rất áp lực.
“Dự án làm xong không được ra sổ, chỉ cấp được 1 số block rồi thôi, còn lại làm gì doanh nghiệp cũng phải xin nhưng tờ trình lại bị trả về. Trong khi đó dự án đã hết hạn tiến độ, doanh nghiệp đang rất nóng ruột”, ông Quý nói thêm.
Tương tự, đại diện chủ đầu tư dự án Khu phố chợ Điện Nam Trung cũng đề cập đến việc dự án đã triển khai hơn 10 năm nhưng vẫn chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) xong. Thông tin từ vị này, hiện tại dự án đã hoàn thiện 95% nhưng chỉ được cấp sổ 40% dự án.
“Rắc rối của tỉnh khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nếu chỉ cấp sổ được như vậy thì doanh nghiệp sẽ chết. Vì vậy cần có cơ chế từ các ban ngành đi đồng bộ, có hướng để doanh nghiệp đi đúng, không bị vấp để không tồn tại những sai lầm. Đối với việc cấp sổ, khi các doanh nghiệp triển khai đến 95% thì phải được cấp sổ 80%, tuy nhiên dự án của chúng tôi không được cấp sổ như vậy, doanh nghiệp đã kiến nghị từ 2013 đến nay vẫn không được giải quyết”, vị đại diện doanh nghiệp cho biết.
Trong lần đối thoại với Chủ tịch tỉnh Quảng Nam vừa qua, ông Võ Văn Chung - Đại diện Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng – Quảng Nam thông tin phía doanh nghiệp có nhiều dự án đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa cấp 20% sổ trở lại. Đối với các dự án còn lại triển khai 95%, một số dự án đã nộp tiền sử dụng đất, một số dự án vướng gia hạn tiến độ nên không tính tiền sử dụng đất nên phải dừng lại, ông Chung cho rằng như vậy rất khó khăn cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp mua đất, nộp tiền cho ngân sách nhưng không được giao sổ, đầu tư như vậy chưa thấy hiệu quả, hiệu suất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiện nay cũng không biết kêu ai, đã phải gõ nhiều cửa để tìm giúp đỡ. Đặc biệt về việc giao sổ, có nhiều block đã được giao sổ nhưng việc tách thửa cho khách hàng thì phải dừng lại, cùng với việc sau thanh kiểm tra gặp nhiều ách tắc dẫn đến không thể chuyển nhượng. Với các dự án đang dở dang, cần có hướng chuyển đổi mới để cấp sổ mới để doanh nghiệp dùng sổ đó đi vay vốn thực hiện dự án”, ông Chung đề cập.
Một lần nữa, tại buổi gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn do Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức chiều ngày 05/3, ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh câu chuyện doanh nghiệp BĐS đang đứng trên bờ vực phá sản. Nêu quan điểm về câu chuyện này, ông Bảo cho rằng doanh nghiệp BĐS đã qua thời kỳ khó khăn và đang đến giai đoạn sinh tử.
Thông tin từ ông Bảo, phía Hiệp hội đã gửi kiến nghị, vướng mắc đến nhiều cơ quan cấp Trung ương để tìm kiếm phương án tháo gỡ. Theo ông Bảo, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Quảng Nam đó là thiếu con người để thực hiện công tác GPMB. Vị này lưu ý việc GPMB phải được đưa lên hàng đầu và cần có giải pháp mạnh hơn để thực hiện nhanh hơn.
“Phải giải quyết triệt để vấn đề GPMB, hiện nay tỉnh có gần 200 dự án ảnh hưởng đến hàng chục nghìn con người, công tác đền bù phải được làm triệt để vì đây là trách nhiệm của các địa phương. Với doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã có đóng góp cho tỉnh trong suốt thời gian qua và nhiều doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất nhưng lại không ra sổ được. Việc này dẫn đến hàng loạt khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp”, ông Bảo nói.
Nhấn mạnh về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp BĐS, ông Bảo cho rằng tỉnh Quảng Nam cần cho phép gia hạn tiến độ đối với các dự án vướng mặt bằng. Vị này khẳng định khi không có mặt bằng thì doanh nghiệp không thể cam kết tiến độ được và hiện nay việc gia hạn tiến độ đang “đứng bánh” vì không có mặt bằng.
“Đối với các lỗi do địa phương thì không cần lấy ý kiến các địa phương và ngành không liên quan, chỉ cần trình thẳng đến Sở KH&ĐT để sớm đưa ra phương án giải quyết. Một việc nữa là tỉnh đang giữ lại số lượng sổ quá nhiều, chỉ nên giữ 5% còn lại giao cho doanh nghiệp. Từ đây doanh nghiệp sẽ có kinh phí để triển khai dự án cũng như thực hiện thuế, lãi suất ngân hàng, hiện lãi ngân hàng khiến doanh nghiệp thở không nổi”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ CUỐI): Bao giờ lại thấy “ánh dương”?
11:17, 01/03/2024
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ III): Kiện tụng kéo dài
03:00, 29/02/2024
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ II): Doanh nghiệp “sa lầy”
14:00, 28/02/2024
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ I): Qua thời hoàng kim
04:00, 28/02/2024