Thái Bình: Đưa nghề về cho phụ nữ
Nhờ đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ, các cấp hội phụ nữ Thái Bình đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững.
>>>Doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại Thái Bình
Tạo việc làm cho phụ nữ...
Lựa chọn liên kết may túi không dệt xuất khẩu, chị Vũ Thị Hải Yến, thôn Tô Trang, xã An Mỹ - Quỳnh Phụ - Thái Bình có thu nhập khá cao, từng bước làm giàu và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương. Chị cho biết: Thời gian đầu công việc không thuận lợi do nhiều chị em chưa thành thạo về kỹ thuật nên khi nhận vật liệu và mẫu từ Công ty tôi chia ra thành nhiều công đoạn để hướng dẫn chị em may từng khâu như giáp thân, khâu miệng túi, giáp đáy, đóng quai rồi mới hoàn thiện một chiếc túi bảo đảm theo yêu cầu. Chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao, những đơn hàng ngày càng nhiều, lợi nhuận thu về trên 300 triệu đồng/năm. Việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương và các xã lân cận với thu nhập từ 5 - 11 triệu đồng/người/tháng.
Những cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn đang được mở ra ngày càng nhiều. Hàng năm, các cấp hội phụ nữ đều khảo sát nhu cầu phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp để có phương án hỗ trợ. Đồng thời, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng, chủ yếu là các nghề như móc sợi, đan làn, ghế nhựa, mây, tre, làm hương, may gia công...
Ở tuổi ngoài 60, ngoài cấy hai vụ lúa, bà Hà Thị Nhỏ cùng nhiều nông dân khác ở thôn Trung Thôn 2, xã Kim Trung còn tìm được công việc phù hợp với điều kiện và sức khỏe của bản thân ở cơ sở đan hàng thủ công của chị Lưu Thị Út cùng thôn. Bà Nhỏ cho biết: Tuổi cao, sức khỏe cũng giảm, ngoài lúc làm ruộng, công việc gia đình tôi tranh thủ làm hàng đan, tháng cao điểm có thu nhập 5 triệu đồng. Lúc đầu bỡ ngỡ nhưng được cô Út hướng dẫn tận tình, giờ vào guồng rồi, cứ nhận vật liệu về nhà làm thôi. Con cháu tôi những lúc rảnh rỗi cũng tham gia đan cùng, rất vui vẻ.
Dù một mình xoay xở vừa chăm sóc chồng ốm liệt giường vừa lo cho con ăn học suốt 10 năm nay nhưng với tinh thần vượt khó, tích cực lao động, từ một người làm thuê, hiện chị Lưu Thị Út là chủ cơ sở đan hàng thủ công xuất khẩu với hơn 100 công nhân. Chị Út chia sẻ: Từ hoàn cảnh của gia đình, tôi rất muốn làm sao có thể tạo được việc làm, có thêm thu nhập cho phụ nữ nông thôn, nhất là những người trung, cao tuổi. Do đó, cơ sở đan hàng thủ công được thành lập. Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi, khuyết tật.
“Đòn bẩy” phát triển
Trải qua nhiều thăng trầm, cùng với thời gian, nghề truyền thống mây tre đan tại xã Chi Lăng, xã Hòa Bình và một số xã lân cận của huyện Hưng Hà vẫn luôn được những phụ nữ nơi đây gìn giữ và phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Trong đó có cơ sở sản xuất mây tre đan Thanh Xuyền của vợ chồng chị Nguyễn Duy Xuyền, thôn Tân Tiến, xã Chi Lăng.
Bà Hoàng Thị Vin, thôn Tân Dân, xã Hòa Bình chia sẻ: Nghề mây tre đan cũng mai một đi một chút do có nhiều công ty, nhiều cơ sở sản xuất khác được thành lập. Cơ sở mây tre đan Thanh Xuyền đã dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều người trung tuổi. Nghề truyền thống này được chúng tôi duy trì vì phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe, như tôi mỗi ngày cũng có thu nhập khoảng 100.000 đồng từ nghề đan.
Xác định tạo việc làm, nâng cao thu nhập là “đòn bẩy” để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, các cấp hội phụ nữ huyện Hưng Hà đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên. Đi đôi với việc duy trì, phát triển nghề truyền thống, các cấp hội đã chủ động phối hợp với nhiều công ty, đơn vị du nhập và phát triển nghề mới.
Bà Lưu Thị Kim Thêu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kim Trung cho biết: Ở xã Kim Trung, các cơ sở mây tre đan, máy khăn, may túi đã thu hút, tạo việc làm cho nhiều chị em ở địa phương. Từ nghề tiểu thủ công nghiệp này đã có hơn 20 gia đình phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo, vươn lên có cuộc sống tốt hơn.
Bà Đào Thị Thu Hằng -Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà thông tin: Các cấp hội đã khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng; phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn.
Trong năm 2023, các cấp hội tích cực liên kết, phối hợp với các công ty, cơ sở sản xuất dạy nghề, tạo việc làm cho gần 4.700 phụ nữ. Trong đó, tập trung vào nghề đan, may gia công. Hội còn phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện tặng 10 máy may công nghiệp cho phụ nữ khuyết tật. Việc phát triển nghề cũng đã khuyến khích phụ nữ nông thôn lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều hội viên khác.
Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ huyện Hưng Hà tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn, hướng tới những ngành nghề chị em có thể làm tại nhà, tại địa phương lúc nông nhàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Theo lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ: Kế thừa và tiếp nối truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thái Bình, 123 chị em ở 9 cơ quan thuộc Tỉnh ủy đã tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào do hội liên hiệp phụ nữ, công đoàn viên chức và công đoàn các cơ quan Tỉnh ủy phát động. Ở mỗi cương vị khác nhau, chị em không ngừng trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đảm đương tốt thiên chức người phụ nữ trong gia đình.
Trong công việc, chị em là những cán bộ năng động, thông minh, sáng tạo, mẫn cán, đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của đơn vị, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các chị em đã vượt qua khó khăn, sắp xếp công việc cơ quan, gia đình hợp lý, tích cực học tập nâng cao trình độ về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ; là chỗ dựa tin cậy và vững chắc cho các con, vun vén công việc chu toàn để gia đình là tổ ấm, bến đỗ bình yên của mỗi thành viên.
Có thể bạn quan tâm