Nữ doanh nhân Băng Tâm: Thành công không phải là vấn đề giới tính
Khởi đầu từ một cửa hàng bán lẻ nhỏ nhưng với ước mơ làm giàu cháy bỏng từ người phụ nữ “chân yếu tay mềm” trở thành người đứng đầu một nhà phân phối lớn nhất nhì TP Hải Phòng.
>>>Kiều bào doanh nhân Việt mong góp sức phát triển đất nước
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với bà Phạm Thị Băng Tâm – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Toàn Tâm nhân ngày 8-3.
- Bà có thể chia sẻ một chút về câu chuyện ra đời và chặng đường phát triển của doanh nghiệp?
Công ty chúng tôi đã hoạt động được 18 năm. Lúc đầu cũng chỉ là một cửa hàng bán lẻ và cung cấp hàng hoá cho người tiêu dùng tại các xã trong huyện. Sau đó, do vị trí và cách tiếp cận của các nhà cung cấp muốn gửi gắm các sản phẩm tiêu dùng, công ty phát triển dần lên. Các nhà cung cấp đã nhìn thấy phong cách làm việc và sự chuyên nghiệp của chúng tôi nên đã tin tưởng, giao phó và ký kết các hợp đồng. Sau đó chúng tôi đã mở rộng thị trường, mở rộng nhà kho rộng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Ban đầu, thị trường phân phối của chúng tôi chỉ là hai huyện Thuỷ Nguyên và An Dương, sau đó thì được giao cho 5 quận nội thành và huyện Cát Hải.
Những năm sau này, công ty đã mở thêm một chi nhánh ở nội thành để phân phối hàng hoá. Ngành hàng chủ yếu là hàng thiết yếu công nghệ thực phẩm và tiêu dùng. Ví dụ như: bia, rượu, bánh kẹo, đường sữa, mì tôm… cung cấp cho các siêu thị tại khu vực Hải Phòng.
- Có không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hoá. Vậy đâu là điểm khác biệt của Toàn Tâm, thưa bà?
Trên thực tế, việc phân phối hàng hoá được chúng tôi triển khai theo các kênh phân phối gồm: Kênh truyền thống (các cửa hàng đang có), kênh siêu thị, kênh sản xuất, kênh công nhân ở các KCN. Các thương hiệu và sản phẩm mà công ty làm phân phối hầu hết là các thương hiệu đứng đầu Việt Nam, có thị phần lớn, bền vững đi cùng năm tháng như: Nước Lavie, sữa Vinamilk, dầu ăn Neptune, mì Vifon…
Các sản phẩm này được công ty lựa chọn các phân khúc tiêu dùng cho hợp lý, thiết yếu cho người tiêu dùng và có thương hiệu, đầy đủ giấy tờ. Khi làm nhà phân phối chúng tôi phải thực hiện theo đầy đủ quy chế của bên kinh doanh và phân phối theo ngành hàng.
- Bà nhìn nhận ra sao việc rất nhiều doanh nghiệp phân phối áp dụng công nghệ. Toàn Tâm đã và đang ứng dụng ra sao, thưa bà?
Trong quá trình tiếp cập với các thương hiệu lớn như vậy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đó là sự canh tranh về sản phẩm. Ngoài ra, nền kinh tế trong nước và thế giới thay đổi thì sự cạnh tranh lớn dẫn đến doanh thu, doanh số thay đổi. Do vậy, khi nhà phân phối, phía công ty đã phải đầu tư đầy đủ hệ thống như kho hàng, bến bãi, nhà lạnh, con người, dịch vụ… để đảm bảo doanh thu được đảm bảo.
Tuy nhiên, làm phân phối và cung cấp hàng thiết yếu thì về cơ bản công ty không bị ảnh hưởng lớn như các ngành khác. Ví dụ ngành du lịch, sản xuất… trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hoạt động không ngày nào nghỉ.
Bên cạnh đó, trong hoạt động kinh doanh, công ty cũng áp dụng công nghệ 4.0. Một phần là do các nhà sản xuất cung cấp các phần mềm để quản lý, một phần là do phía doanh nghiệp chủ động. Chúng tôi cũng có những phần mềm quản lý riêng để áp dụng vào các mặt hàng, như hàng nhập thì áp dụng vào thuế làm theo đúng chuẩn chỉnh của đầu vào; phần mềm quản lý vận tải hàng hoá để hợp lý trong kinh doanh; quản lý doanh số để tính lương, thưởng cho công nhân.
- Với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, doanh nghiệp bà đã có những bước chuẩn bị ra sao để có thể tận dụng xu hướng và đối đầu với những thách thức?
Cùng với sư bùng nổ của thương mại điện tử, chúng tôi đã có sự chuẩn bị chu đáo, đơn giản vì sản phẩm của công ty hầu hết là các thương hiệu mạnh và luôn được đảm bảo bởi 2 yếu tố là chất lượng, giá cả được niêm yết toàn quốc.
Về kênh thương mại điện tử, phía nhà cung cấp đã và đang xây dựng một kênh thương mại điện tử để sắp tới áp dụng vào hoạt động. Riêng với công ty, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch, xây dựng một kênh mới áp dụng thương mại điện tử để tạo hướng đi mới cho công ty. Bởi đây là một nội dung mà doanh nghiệp cần thay đổi. Nếu doanh nghiệp không thay đổi kịp thì sẽ bị chậm lại so với nhu cầu hiện tại. Hiện nay, một số kênh online đang gặp phải tình trạng “bom” đơn hàng, không đủ kinh phí để duy trì hoạt động. Vì vậy, việc xây dựng kênh thương mại điện tử đang được công ty nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hoạt động được hiệu quả.
- Làm kinh doanh cũng giống như “chiến sỹ” trên mặt trận kinh tế, bà đã có sự cân đối như thế nào khi vừa làm người phụ nữ của gia đình, vừa đảm bảo việc kinh doanh?
Trong hoạt kinh doanh, bản thân người phụ nữ làm kinh doanh thực sự rất khó khăn, đặc biệt với người phụ nữ lại đứng đầu một doanh nghiệp thì khó khăn lại càng gấp bội. Nam giới có rất nhiều lợi thế trong kinh doanh, bởi cùng một quỹ thời gian, ngoài công việc ở công ty, người phụ nữ còn phải đảm nhiệm vai trò làm vợ, làm mẹ, quan tâm chăm sóc gia đình. Việc làm sao để cân đối sắp xếp sao cho không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, công việc và sự nghiệp là một công việc vô cùng khó khăn. Bản thân tôi cũng rất may mắn có được gia đình là hậu phương vững chắc luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho mình phát triển.
Tôi rất tâm đắc với câu nói của Ginni Rometty, Giám đốc điều hành của IBM: “Thành công không phải là vấn đề giới tính. Thành công là vấn đề về làm việc chăm chỉ, tận tâm và quyết tâm”.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm