Vĩnh Long cải cách hành chính tạo động lực phát triển kinh tế

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 09/03/2024 02:46

"Tỉnh Vĩnh Long tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh mới”.

 >>>Vĩnh Long: Lấy đoàn kết Đảng bộ làm trung tâm, toàn dân làm động lực

Đó là khẳng định của ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND Vĩnh Long, qua đó góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp tỉnh sẽ ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế- xã hội (KT-XH) của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỉnh thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra 18/21 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2,61% so năm 2022. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã vươn tầm ra khu vực và thế giới. Thu hút đầu tư đạt được kết quả khả quan. Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 08 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 3.151 tỷ đồng và 15,81 triệu USD, 06 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký tăng thêm 23,9 tỷ đồng và 31 triệu USD. Phát triển mới 345 doanh nghiệp; thành lập mới 14 hợp tác xã. “Trong thành tựu chung của tỉnh, có đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân”.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại với doanh nghiệp Ấn Độ ngày 5/3/2024

Doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại với doanh nghiệp Ấn Độ ngày 05/03/2024

Trong năm 2023 đã thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện hỗ trợ lãi suất, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, kết nối thị trường lao động;…Với sự quyết tâm và thi đua cải cách, Vĩnh Long luôn hướng tới tạo sự hài lòng người dân, doanh nghiệp. 

Tỉnh Vĩnh Long quyết tâm để tăng thứ hạng PCI

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp đoàn Đoàn đại biểu tỉnh Niigata (Nhật Bản) đến thăm và làm việc về hợp tác đầu tư với tỉnh Vĩnh Long

Ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp Đoàn đại biểu tỉnh Niigata ( Nhật Bản) đến thăm và làm việc về hợp tác đầu tư với tỉnh Vĩnh Long

Ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, mục tiêu tỉnh đề ra là cải thiện thứ hạng Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) để tỉnh nằm trong top các tỉnh, thành phố thuộc nhóm tốt của cả nước. Theo kết quả công bố Chỉ số PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm số PCI của Vĩnh Long năm 2022 đạt 64,4 điểm, đứng vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố của cả nước. So với năm 2021, giảm 1,03 điểm và giảm 17 bậc. Đây là năm thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 8/13 tỉnh, thành phố, giảm 2 bậc so với năm 2021.

Việc tụt hạng, giảm điểm của PCI cho thấy, Vĩnh Long còn rất nhiều việc cần làm, từ đó đòi hỏi các ngành, các cấp cần phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, thực hiện tiêu chí DDCI được xem là động lực quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ngày 23/2/2024, lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị công bố Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Vĩnh Long năm 2023. Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thông qua bộ tiêu chí DDCI sẽ là thông tin đầu vào quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Vĩnh Long triển khai các chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, cũng là cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh xác định các điểm nghẽn trong công tác chỉ đạo điều hành, qua đó tập trung giải quyết các nút thắt về thể chế hiệu quả. 

Tỉnh Vĩnh Long sẽ quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp điểm và chú trọng nâng cao chất lượng các chỉ số có tính quyết định đến thứ hạng PCI của tỉnh. Trong đó tập trung cao độ cho một số chỉ số quan trọng, nhất là chỉ số tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.

UBND tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp huyện để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở cơ cấu lại kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, tổ chức các hoạt động KT-XH phát triển nhanh và bền vững.

Để cải thiện chỉ số này, tỉnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) theo tinh thần kiến tạo, phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC theo quy định. Phấn đấu thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và đăng ký thay đổi không quá 1 ngày (rút ngắn 2 ngày so với quy định).

Tăng cường ứng dụng CNTT trong cung cấp các dịch vụ công; thực hiện tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trong năm 2024 đạt từ 80% hồ sơ trở lên. Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Hỗ trợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng phương thức kinh doanh mới, thực hiện chuyển đổi số để phục hồi SXKD; tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Công khai, minh bạch thông tin, chính sách, tạo thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận và tham gia góp ý. Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh mới. Khuyến khích, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương, trách nhiệm của mỗi CBCCVC về thái độ phục vụ doanh nghiệp, người dân. Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chương trình, kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhằm cụ thể các cam kết của tỉnh với doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Tỉnh Vĩnh Long đề nghị các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò cầu nối, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần thúc đẩy Vĩnh Long bứt phá trong CCHC và cải thiện môi trường đầu tư trong những năm tiếp theo.

Vĩnh Long khát vọng và phát triển

Năm 2024 là năm tỉnh  tăng tốc bứt phá, trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021- 2025. Định hướng của tỉnh là tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện 3  khâu đột phá chiến lược và các giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Vĩnh Long phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2024 tăng 6,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 83,7 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt hơn 5.947 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 780 triệu USD; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 19.000 tỷ đồng…

Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch trọng điểm. Về xây dựng hệ thống chính trị, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực...

Phấn đấu trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 510 doanh nghiệp thành lập mới. Tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có cơ hội tham gia, mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh. Vĩnh Long quyết tâm hoàn thành mọi mục tiêu đề ra, phát triển Vĩnh Long lên một tầm cao mới, hội nhập và phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương trên “đường đua” PCI

    Hải Dương trên “đường đua” PCI

    03:19, 27/02/2024

  • Quảng Trị quyết liệt trên “đường đua” PCI

    Quảng Trị quyết liệt trên “đường đua” PCI

    04:14, 21/02/2024

  • Tỉnh Thái Nguyên quyết tâm để tăng thứ hạng PCI

    Tỉnh Thái Nguyên quyết tâm để tăng thứ hạng PCI

    07:32, 19/02/2024

  • Bắc Giang: Cải thiện PCI là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

    Bắc Giang: Cải thiện PCI là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

    10:00, 20/12/2023

  • Đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư

    Đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư

    17:28, 16/12/2023

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG