Bất động sản, ngân hàng vắng mặt - Trái phiếu doanh nghiệp dò đáy phát hành mới
Sự vắng mặt của 2 ngành chủ lực huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng và bất động sản khiến giá trị phát hành mới tháng 2 sụt giảm mạnh.
>>>Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp
Tháng 2/2024 chỉ ghi nhận 2 đợt phát hành mới của doanh nghiệp ngành công nghiệp.
Thứ nhất là CTCP Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội (đơn vị liên quan Công ty Cổ Phần Đầu Tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP.HCM (HoSE: CII) với tổng trái phiếu phát hành 500 tỷ đồng, lãi suất 10,1%, kỳ hạn phát hành 117 tháng (~ 10 năm). Đây là loại trái phiếu riêng lẻ, không có tài sản bảo đảm.
Thứ hai là CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH). Tổng giá trị trái phiếu phát hành của HAH trong tháng là 600 tỷ đồng, lãi suất 6%. Loại trái phiếu riêng lẻ và có tài sản đảm bảo là một tài biển thuộc sở hữu công ty con của tổ chức phát hành (TCPH).
Thông tin chi tiết thêm về TCPH là doanh nghiệp ngành công nghiệp - vận tải biển, được biết SSIAM, cùng với đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) là nhà đầu tư dẫn dắt thương vụ để Hải An phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ nói trên. Bốn nhà đầu tư tham gia bao gồm: Quỹ Japan South East Asia Finance Fund III L.P. (JSEAFF), Quỹ Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund III L.P. (DSVGF), Quỹ Vietnam Growth Investment Fund L.P (VGIF) và SSIAM. SSIAM cũng là đơn vị quản lý hai quỹ đầu tư tư nhân VGIF và DSVGF cùng với các đối tác Nhật Bản.
>>>Trái phiếu doanh nghiệp khởi động phát hành "khiêm tốn" đầu 2024
Thương vụ đầu tư này đánh dấu lần đầu tiên Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An thành công trong việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu chuyển đổi và bắt đầu hợp tác với các đối tác là công ty quản lý quỹ, định chế tài chính hàng đầu trong và ngoài nước. Và cũng là một thương vụ hiếm hoi mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng bắt tay đầu tư trong bối cảnh các đợt phát hành trái phiếu thời gian qua vẫn còn chứng kiến sự e dè của các tổ chức, đặc biệt định chế ngoại.
Với 2 doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu mới trên, tháng 2 ghi nhận tổng giá trị phát hành trái phiếu mới chỉ đạt 1.050 tỷ đồng (-48% svck). Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 8.163 tỷ đồng. Giá trị này gấp 3,25 lần so với 2023, nhưng giá trị trái phiếu phát hành mới này vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó (giảm 82% so với 2022, -58,5% so với 2021 và -62,5% so với 2020).
Ghi nhận chung cho 2 tháng đầu năm, báo cáo trái phiếu của WiResearch thống kê, lũy kế từ đầu năm cho thấy giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 6.143 tỷ đồng, chiếm 75,5%. Phương thức phát hành ra công chúng chỉ chiếm 24,5% tổng giá trị. Trong khi so với năm 2023, chỉ riêng 2 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu được huy động qua phương thức phát hành công chúng chiếm tới hơn 75%.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu mới tháng 2 chủ yếu nằm ở kỳ hạn trung và dài hạn. Trung bình kỳ hạn phát hành đạt 7,4 năm, trong khi đó mức lãi suất phát hành bình quân (8,05%) giảm hơn hẳn so với tháng trước đó và so với cùng kỳ (10,77%). Điều này cho thấy chính sách nới lỏng tiền tệ, mức lãi suất cho vay/ tiền gửi ở mức thấp và mức lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh so với cùng kỳ hỗ trợ mức nền lãi suất của các tài sản tài chính như trái phiếu, nhóm chuyên gia WiReserch đánh giá.
Với sự xuất hiện của doanh nghiệp ngành công nghiệp, trong đó, công nghiệp hàng hóa chủ chốt chiếm 48% và công nghiệp vận tải chiếm 52%, hai doanh nghiệp không có chênh lệch nhiều về tổng giá trị phát hành, thể hiện qua 2 đợt phát hành, cũng được giới chuyên môn xem là tín hiệu tích cực về nhu cầu vốn qua thị trường nợ của nhóm ngành phi tài chính đang trở lại.
Mặt khác, sự vắng mặt của ngành bất động sản và ngành ngân hàng vốn là đối tượng phát hành trái phiếu chính trên thị trường chưa cho thấy hoạt động phát hành mới, lại gợi mở về một thị trường tín dụng đang dồi dào thanhh khoản với lãi suất huy động tiếp tục xuống thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng 2 tháng giảm -1%. Theo đó, các TCTD đang chưa có nhu cầu phát hành huy động vốn bổ sung vốn cấp 2, trong bối cảnh các đợt phát hành của cuối năm đã hoàn tất và các kế hoạch phát hành lớn có thể sẽ chờ thông qua ĐHCĐ, cũng như vốn rẻ trong hệ thống đã được trung hòa chi phí và dồi dào hơn.
Cùng với đó, một chuyên gia cho biết nhóm bất động sản vắng mặt trên thị trường phát hành có thể do nhu cầu vốn cho các dự án mới tạm dừng khi các dự án vẫn chưa lập tức triển khai tiếp theo kế hoạch/ tiến độ. Bên cạnh là sự ưu tiên cho việc cấu trúc lại vốn nợ thông qua tiếp tục đàm phán giãn kỳ hạn các lô trái phiếu đến kỳ đáo hạn với trái chủ. "Xu hướng vắng mặt của nhóm bất động sản, ngân hàng trên thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 2 dù vậy sẽ chỉ là tạm thời", chuyên gia nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp
03:49, 04/03/2024
Tháo gỡ rào cản pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
16:02, 02/03/2024
Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp
05:20, 12/02/2024
Kỳ vọng “hạ cánh mềm” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024
05:00, 11/02/2024
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ từng bước đi vào chiều sâu
11:20, 09/02/2024