Đề xuất công bố chi tiết dự án bất động sản trên hệ thống thông tin địa phương

DIỆU HOA 11/03/2024 05:00

Đề xuất được đưa ra tại điều 4 - công khai thông tin bất động sản, dự án đưa vào kinh doanh trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản.

>>Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) vừa thông qua: Siết phân lô, bán nền

Công khai đầy đủ, chính xác thông tin dự án

Theo đó, cơ quan quản lý đề xuất doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng đặt cọc hoặc bán, cho thuê bất động sản, dự án phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin tại hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương nơi có dự án. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải tự công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. 

Ảnh 1: Việc

Việc "mập mờ thông tin" dự án khiến nhiều khách hàng lao đao vì mua phải nhà chưa đủ điều kiện bán. Ảnh: DH

Dự thảo mới cũng quy định chi tiết những nội dung mà doanh nghiệp phải công bố như quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng của dự án, thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đã được cơ quan quản lý phê duyệt.

Các thông tin pháp lý của bất động sản, dự án cũng yêu cầu được công bố như văn bản chấp thuận cấp bảo lãnh của ngân hàng; văn bản của chủ đầu tư xác định rõ việc có hoặc không có thế chấp đối với nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; văn bản xác nhận hoặc hóa đơn (phiếu thu) của cơ quan thuế, kho bạc nhà nước thể hiện việc chủ đầu tư dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

>>Điểm mới trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2023

Trong trường hợp thay đổi các thông tin đã công bố, doanh nghiệp phải cập nhật lại trên trang thông tin điện tử và thông báo đến cơ quan quản lý hệ thống thông tin các tỉnh nơi có dự án chậm nhất sau 5 ngày làm việc.

Thực tế theo quy định hiện hành, chủ đầu chỉ cần công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, công bố thông tin tại trụ sở ban quản lý dự án (với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản) và tại sàn giao dịch bất động sản (với trường hợp kinh doanh qua sàn). 

Song thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thường công bố thông tin về bất động sản, dự án không đầy đủ.

Do việc công khai minh thông tin về hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, giấy tờ liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án bất động sản, hợp đồng bảo lãnh ngân hàng thường bị chủ đầu tư "dấu nhẹm" bởi chưa có quy định về đơn vị, địa chỉ công bố cụ thể. Trong khi đó, tại các địa phương, việc công bố cũng không được kiện toàn đầy đủ về giấy tờ, hồ sơ pháp lý dự án.

Minh bạch thị trường bất động sản 

Tại TP.HCM, trước thực trạng nhiều dự án bất động sản hình thành trong tương lai huy động vốn trái pháp luật, chưa đủ điều kiện pháp lý đã mở bán, UBND TP.HCM đã từng gửi văn bản đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đưa ra quy định xử lý nghiêm các chủ đầu tư không công bố, công khai pháp lý của dự án. 

Cũng ghi nhận tình trạng trên, chia sẻ với DĐDN, PGS. TS. Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ tại Việt Nam đang có nhiều bất cập đối với hệ thống thông tin đất đai, nhà ở và bất động sản.

Thứ nhất, thể chế trong lĩnh vực này chậm được hoàn thiện, đặc biệt là một số quy định thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tính minh bạch, an toàn của các giao dịch. 

Cần sớm hoàn thiện quy định về công khai minh bạch thông tin dự án bất động sản. Ảnh: DH

Cần sớm hoàn thiện quy định về công khai minh bạch thông tin dự án bất động sản. Ảnh: DH

Thứ hai, mô hình cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chưa phù hợp, còn lúng túng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, quy trình đăng ký thủ công, tồn tại nhiều sai sót, dễ dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu từ phía cán bộ đăng ký. 

Thứ tư, thông tin về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong một số trường hợp đã không phản ánh chính xác, từ đó dẫn đến tranh chấp, khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong xã hội. 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc công khai thông tin dự án là cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản minh bạch.

"Việc công bố danh sách cũng cần cập nhật liên tục, theo thời gian thực để tạo luồng thông tin kịp thời, đặc biệt cần công khai điều kiện bảo lãnh ngân hàng - điều mà rất nhiều chủ đầu tư đang né tránh, gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Ngoài ra, phải có quy định xử lý nghiêm chủ đầu tư né tránh công khai thông tin dự án" - Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ThS Ngô Gia Hoàng - Giảng viên Khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, quy định công khai này cần làm rõ hơn các thông tin mà người mua quan tâm như dự án có bị thế chấp tại các tổ chức tín dụng hay không, tình trạng giao dịch của tài sản... Mặt khác, cần làm rõ vai trò của cơ quan chức năng trong việc công khai thông tin cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản, ngân hàng vắng mặt - Trái phiếu doanh nghiệp dò đáy phát hành mới

    Bất động sản, ngân hàng vắng mặt - Trái phiếu doanh nghiệp dò đáy phát hành mới

    12:20, 10/03/2024

  • Tín hiệu vui cho bất động sản TP.HCM: Ra mắt hàng loạt dự án nhà ở vừa túi tiền

    Tín hiệu vui cho bất động sản TP.HCM: Ra mắt hàng loạt dự án nhà ở vừa túi tiền

    03:00, 09/03/2024

  • Quảng Nam: Doanh nghiệp bất động sản lao đao vì chờ sổ

    Quảng Nam: Doanh nghiệp bất động sản lao đao vì chờ sổ

    10:25, 07/03/2024

  • Siết đầu cơ bất động sản, cách nào?

    Siết đầu cơ bất động sản, cách nào?

    03:00, 07/03/2024

  • Xu hướng mới trong phát triển bất động sản công nghiệp

    Xu hướng mới trong phát triển bất động sản công nghiệp

    11:30, 06/03/2024

DIỆU HOA