"Báo động đỏ" tình trạng thiếu gạo toàn cầu
Lo ngại về tình trạng thiếu gạo toàn cầu đang gia tăng mạnh khi nguồn cung của Ấn Độ thắt chặt hơn và các cuộc tấn công ở Biển Đỏ vẫn gây nguy hiểm.
>> "Báo động đỏ" thiếu hụt gạo toàn cầu
Tình trạng thiếu gạo toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn khi xuất khẩu các loại gạo cao cấp của Ấn Độ gặp phải rào cản mới do chi phí vận chuyển tăng vọt trong bối cảnh xung đột ở Biển Đỏ diễn biến phức tạp và tình trạng thiếu hụt trong nước ảnh hưởng đến các loại gạo khác.
Xuất khẩu gạo basmati cao cấp của Ấn Độ trong tháng trước chỉ bằng một nửa so với một năm trước, do các thương nhân đổ lỗi cho giá cước vận tải đã tăng gấp đôi sau một loạt cuộc tấn công vào tàu thương mại của phiến quân Houthi.
Hiện nay, căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, với việc lực lượng Houthi tấn công các tàu hàng ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu. Hôm thứ Hai tuần này, Hamas đã bắn loạt tên lửa đầu tiên vào các thành phố của Israel sau nhiều tuần, chứng tỏ tổ chức này vẫn có khả năng tấn công sau gần 4 tháng chiến sự.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia. Khoảng 30% lô hàng của nước này bị ảnh hưởng sau khi New Delhi cấm xuất khẩu gạo trắng và các loại gạo tấm vào tháng 7 năm ngoái, trừ các trường hợp ngoại lệ để giải quyết mối lo ngại về an ninh lương thực của các quốc gia khác.
“Vấn đề ở Biển Đỏ đang leo thang. Tuy nhiên, một giải pháp nhanh chóng sẽ không được đưa ra bất chấp sự can thiệp của Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi. Mọi người đang trong trạng thái chờ đợi và chỉ xuất khẩu số lượng hạn chế”, ông Vijay Setia, cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ cho biết.
Trung Đông là thị trường quan trọng cho xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ. Nhưng ông Setia cho biết thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến khu vực đã tăng thêm ba hoặc bốn tuần sau khi bạo lực bùng phát ở Biển Đỏ. Các thương nhân cho biết giá gạo basmati Ấn Độ hiện ở mức khoảng 950 USD đến 1.800 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu từ Ấn Độ tăng vọt lên mức cao kỷ lục từ 533 - 542 USD/tấn trong tuần này do nguồn cung hạn chế và nhu cầu ổn định từ người mua châu Á và châu Phi.
>> Đưa gạo Việt “phủ sóng” thế giới
Theo ông Prem Garg, Chủ tịch Liên đoàn các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng bởi thương nhân tư nhân bị hạn chế số lượng, cũng như thời gian vận chuyển dài và chi phí vận chuyển đắt đỏ hơn đến các vùng của châu Phi và những nơi khác.
Chi phí vận chuyển hàng hóa cao cũng dẫn đến tranh chấp khi các nhà xuất khẩu đẩy mạnh đàm phán hợp đồng với người mua.
Trong báo cáo an ninh lương thực ngày 27/1, Ngân hàng Thế giới cho biết giá gạo đã tăng 4% so với lần cập nhật cuối cùng vào giữa tháng 12/2023 và tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số chuyên gia trong ngành nhận định, "cơn ác mộng hậu cần" ít ảnh hưởng đến Thái Lan và Việt Nam, các nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai và thứ ba thế giới, vì họ xuất khẩu ít gạo hơn qua điểm nóng Trung Đông. SCMP trích dẫn nguồn tin từ một chuyên gia giấu tên cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam đang trong giai đoạn tạm lắng và sẽ phục hồi sau tháng Ramadan, dự kiến kết thúc vào ngày 9/4/2024.
Ông Greg Evans, nhà phân tích nông nghiệp và thực phẩm tại S&P Global Commodity Insights, cho biết tình trạng thiếu gạo cũng có thể trở nên trầm trọng hơn do sản lượng thấp ở Trung Quốc và Indonesia nói riêng.
“Sản lượng của Trung Quốc bị cắt giảm đáng kể do diện tích giảm. Tuy nhiên, quốc gia này sẽ không tăng lượng nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt. Tại Indonesia, mùa trồng trọt bị trì hoãn do thời tiết khô hạn bởi El Nino và có thể sẽ có thêm một năm nhập khẩu tăng cao, làm tăng giá gạo quốc tế và gia tăng sự cạnh tranh đối với những người mua khác”, ông Greg Evans nói.
Ở Đông Nam Á, xuất khẩu gạo thấp của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến Philippines và Malaysia nhiều nhất. Nigeria, Bờ Biển Ngà và Senegal ở Tây Phi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thời tiết xấu ở các quốc gia sản xuất gạo khác như Trung Quốc và Pakistan, cũng như các cuộc chiến tranh ở dải Gaza và Ukraine, cũng góp phần gây ra khó khăn về nguồn cung gạo trên toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm