ADB cam kết cung cấp 3 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam giai đoạn 2024-2026
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hoàn toàn cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển lâu dài, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết.
>>>ADB cho vay 13,8 triệu USD để đầu tư điện mặt trời áp mái tại Việt Nam
Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được tổ chức hôm nay tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì. Hơn 200 quan chức chính phủ, các đối tác phát triển và các đại biểu khu vực tư nhân đã tham dự.
Năm 1993 là cột mốc quan trọng, đánh dấu quan hệ đối tác với ADB thời kỳ đổi mới, mở ra một giai đoạn hợp tác, phát triển thành công của Việt Nam với cộng đồng tài chính quốc tế.
Trong 30 năm qua, hỗ trợ lũy kế của ADB dành cho Việt Nam đã lên tới khoảng 18 tỷ USD, cải thiện kết nối khu vực; tăng cường quản lý môi trường và đầu tư xanh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát triển thích ứng với khí hậu; tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội; cũng như hỗ trợ phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao sự giúp đỡ, hỗ trợ rất quan trọng của ADB đối với Việt Nam trong suốt 30 năm qua, trong đó đi thẳng vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm mà Việt Nam có nhu cầu, phục vụ cho sự cấp bách của đất nước sau những năm tháng chiến tranh như xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa, y tế, giáo dục, phát triển hạ tầng xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần giúp Việt Nam từ một nước nghèo, thu nhập thấp thành nước đang phát triển, đưa đất nước chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng thời, sự hỗ trợ của ADB còn tạo động lực, truyền cảm hứng cho những đối tác phát triển khác cùng đến giúp đỡ Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm quý trong quá trình hợp tác giữa hai bên.
>>>ADB bổ nhiệm Giám đốc Quốc gia mới tại Việt Nam
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, hai bên cần có tầm nhìn xa hơn, hiệu quả hơn. Ngoài việc giúp đỡ về nguồn vốn như đã cam kết trong giai đoạn tới, Việt Nam mong ADB tiếp tục hỗ trợ về xây dựng thể chế; tham vấn chính sách phù hợp điều kiện, tình hình hiện nay, sử dụng đồng vốn bảo đảm phát huy tốt nhất nguồn lực; hỗ trợ Việt Nam xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành công cuộc xóa đói giảm nghèo, do đó ADB cần chú trọng các dự án hỗ trợ Việt Nam mang tính chất "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái", phát triển đất nước nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; tập trung hỗ trợ các ngành mới nổi như sản xuất chip bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu...; giúp Việt Nam đạt các mục tiêu 100 năm mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra vào năm 2030 và năm 2045.
Thủ tướng mong hai bên đã hợp tác tốt rồi thì hợp tác tốt hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, hợp tác hiệu quả rồi thì 30 năm tới phải hợp tác hiệu quả hơn nữa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Asakawa - Chủ tịch ADB chia sẻ: "Hôm nay chúng ta kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác giữa Việt Nam và ADB". "Quan hệ đối tác của chúng ta đã cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là những người thuộc các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương cũng như phụ nữ và trẻ em gái".
Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam, tại các cuộc hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các nhà lãnh đạo cấp cao, ông Asakawa tái khẳng định cam kết của ADB cung cấp 3 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hiệu quả chuẩn bị dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngoài ra, ADB đã cam kết huy động 2,1 tỷ USD theo Kế hoạch huy động nguồn lực để hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam.
Việt Nam là một trong sáu thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. ADB đang đẩy mạnh cam kết với các chính phủ và đối tác phát triển để mở rộng tài chính khí hậu với tham vọng huy động 100 tỷ USD từ năm 2019 đến năm 2030 từ các nguồn lực của chính mình để hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với khí hậu.
Trong khuôn khổ các hoạt động của chuyến thăm, ông Asakawa đến thăm Công ty Cổ phần Xe điện Thông minh Selex, công ty đầu tiên tại Việt Nam nhận được khoản đầu tư cổ phần từ ADB Ventures, công ty hỗ trợ và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có sức ảnh hưởng, thể hiện sự hỗ trợ của ADB đối với các mô hình kinh doanh sáng tạo của khu vực tư nhân có thể đóng vai trò mạnh mẽ trong việc giải quyết các thách thức phát triển liên quan đến khí hậu của Việt Nam.
Ông Asakawa cũng sẽ đến thăm Cơ sở chính của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong khuôn khổ Dự án Kỹ năng và Kiến thức cho Tăng trưởng Kinh tế Toàn diện, nhằm nâng cấp môi trường giảng dạy và học của các cơ sở giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề chất lượng cao quốc gia với công nghệ hiện đại.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm
ADB: Việt Nam vẫn cần chính sách tiền tệ hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng
14:43, 27/09/2023
ADB cho vay 13,8 triệu USD để đầu tư điện mặt trời áp mái tại Việt Nam
07:50, 11/09/2023
ADB: Nhiều “cơn gió ngược” hạn chế tăng trưởng năm 2023
12:23, 05/04/2023
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 75 triệu USD
16:52, 06/04/2023