Lợi nhuận ngân hàng tăng tốc, bất động sản sẽ đi ngang trong năm 2024
Kỳ vọng đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024, cộng hưởng yếu tố nâng hạng thị trường chứng khoán.
>>>Quán quân lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 đang thuộc ngành nào?
Theo đó, chúng tôi dự báo kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm nay +17,1% so với cùng kỳ năm trước, và tiến triển trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lên “Emerging Market” - Mới Nổi - là vững chắc.
Bên cạnh là động lực từ tăng trưởng lợi nhuận của quý IV/2023 đã và đang thúc đẩy cho đà tăng của thị trường.
Trên toàn thị trường, lợi nhuận quý IV/2023 tăng 5% q/q và 33% n/n, cao hơn một chút so với kỳ vọng của chúng tôi là 4% và 31%, nhờ lợi nhuận mạnh mẽ của ngành ngân hàng và công nghệ thông tin (CNTT) cũng như sự phục hồi lợi nhuận trong ngành thép và bán lẻ. Những điều này phần nào giải thích nguyên nhân sự tăng điểm của VN-Index (+14,5%) trong 3 tháng qua (12/2023 – 02/2024), với ngân hàng (+21,7%), CNTT (+17,4%), thép (+15,2%), bán lẻ (+18,0%) và chứng khoán (+18,7%) nằm trong số những ngành dẫn đầu thị trường.
Ngân hàng: Tăng trưởng mạnh từ quý III/2024
Ngành ngân hàng đang dẫn đầu vốn hóa trên TTCK Việt Nam. Năm qua, theo KQKD quý IV và cả năm 2023, lợi nhuận ngân hàng vượt kỳ vọng thị trường nhờ vào: i) mức nền thấp trong quý IV/2022; ii) tín dụng tăng trưởng tốt hơn (+13.7% n/n vào cuối năm); và iii) NIM ổn định (trung bình cả năm 3,94%). Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước (VCB, BID, CTG) có thành tích vượt trội hơn so với ngành, trong khi các ngân hàng tư nhân có sự phân hóa với MBB, ACB, HDB, STB, MSB và TCB cho thấy tăng trưởng lợi nhuận ổn định/hợp lý.
Trong qúy IV/2023, tín dụng tăng vọt và góp phần tăng thêm 5 – 8 điểm phần trăm vào tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 (so với 2 – 3% trong 3 quý trước đó), một phần do các ngân hàng đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ vay vốn. Cho vay doanh nghiệp vượt trội hơn so với cho vay khách hàng cá nhân, với mức tăng trưởng dưới 10% ở hầu hết các ngân hàng niêm yết. Một số ngân hàng (MBB, TCB, VPB, HDB, TPB) đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản.
>>>Dữ liệu lạm phát củng cố kỳ vọng giữ nguyên lãi suất điều hành
Lãi suất cho vay bình quân và chi phí vốn giảm kể từ đầu năm 2023 và dự kiến có thể tiếp tục giảm trong năm 2024. NIM có khả năng đã chạm đáy trong 6 tháng cuối năm 2023 và dự kiến sẽ ổn định trong 6 tháng đầu năm 2024 trước khi tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm 2024.
Các ngân hàng đã duy trì được chi phí hoạt động và tỷ lệ trích lập dự phòng ở mức hợp lý (1,37% trong năm 2023 so với 1,36% trong năm 2022 bằng cách giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu – LLCR), tuy nhiên một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng thấp như TPB, VIB, MSB và LPB thực tế đã tăng trích lập dự phòng trong quý IV/2023.
Các khoản nợ xấu của các ngân hàng niêm yết tăng từ 1.48% trong cuối năm 2022 lên mức cao nhất là 2,07% trong cuối qíu III/2023 trước khi giảm xuống 1,74% trong cuối năm 2023. Tương tự, LLCR giảm từ 130% trong cuối năm 2022 xuống mức thấp nhất là 89% trong cuối quý III/2023 trước khi tăng lên 94% trong cuối năm 2023.
Bước sang năm 2024, dưới kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ có sự phục hồi ở mức khá trong 6 tháng đầu năm, sau đó sẽ tăng trưởng mạnh từ quý III/2024 khi nền kinh tế vững mạnh hơn. Cho cả năm 2024, chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng tăng 13% - 14% n/n, NIM của các ngân hàng niêm yết sẽ cải thiện 10 – 20 điểm cơ bản, và lợi nhuận phục hồi khoảng 17% để duy trì ROE ở mức 17%.
Bất động sản nhà ở: Lợi nhuận sẽ đi ngang
Lợi nhuận quý IV/2023 của nhóm bất động sản tốt hơn đôi chút so với kỳ vọng của chúng tôi nhờ việc bàn giao nhà sớm hơn (VHM) và thu nhập tài chính bất thường của NVL. Trong khi đó, các doanh nghiệp phát triển bất động sản khác như PDR, KDH và NLG ghi nhận lợi nhuận ổn định, sát với dự báo của chúng tôi.
Đối với năm 2024, do mức nền tốt hơn của năm 2023 và việc thiếu các dự án mới, chúng tôi dự báo lợi nhuận sẽ đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do 6 tháng cuối năm 2023 chứng kiến nhiều đợt ra mắt dự án mới hơn trong 6 tháng đầu năm 2023, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy mức tăng trưởng đáng kể về lợi nhuận từ 6 tháng cuối năm 2024 trở đi. Hơn nữa, các công ty có lượng dự án đang được triển khai vững chắc như NLG và KDH sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay.
Về nhu cầu thị trường, chúng tôi nhận thấy triển vọng ngày càng tốt hơn từ các doanh nghiệp bất động sản và chúng tôi kỳ vọng thị trường đã chạm đáy trong năm 2023 và dần phục hồi trong năm 2024.
Nhìn chung, nhìn lại thị trường chứng khoán 2 tháng đầu năm 2024, có thể nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2023 lạc quan, tin tức tích cực dành cho các ngân hàng về hạn mức tín dụng 15% và kế hoạch chia cổ phiếu hào phóng cũng như tiến triển vững chắc trong việc nâng hạng thị trường đã giúp thị trường tăng tích cực trong 2 tháng đầu năm 2024. VN-Index đã tăng 10,9% kể từ đầu năm lên mức cao mới trong 52 tuần là 1.252 điểm tính đến cuối tháng 2/2024.
Về diễn biến của ngành: Hầu hết tất cả các ngành đều tăng trong 2 tháng 2024. Trong đó, 2 ngành liên quan đến các phân nêu trên là ngân hàng đã tăng +18,7% YTD; bất động sản nhà ở tụt lại phía sau với mức tăng chỉ +1,5% YTD. Có thể nói, lĩnh vực bất động sản nhà ở vẫn đang chịu tác động kéo dài từ cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và trái phiếu.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản, ngân hàng vắng mặt - Trái phiếu doanh nghiệp dò đáy phát hành mới
12:20, 10/03/2024
Những ngân hàng nào tiên phong gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp năm 2024?
04:50, 01/03/2024
Nhóm cổ phiếu ngân hàng duy trì đà tăng với động lực nào?
05:20, 26/02/2024
Yếu tố nào sẽ giúp duy trì đà tăng cổ phiếu VHM?
04:00, 12/03/2024
VHM có gì để được định giá "hấp dẫn đầu ngành"?
13:50, 17/10/2023