Quy hoạch tỉnh Quảng Trị: Tạo đột phá để phát triển nhanh hơn
Quy hoạch tỉnh như “người lính công binh mở đường” khi những không gian và động lực phát triển mới được vạch ra với tầm nhìn chiến lược và những bước đi cụ thể để đạt được nó.
>>> Quảng Trị quyết liệt trên “đường đua” PCI
Đó là những chia sẻ của ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xung quanh cuộc trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp. Ông Hưng cho biết, Quy hoạch chung tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Điều quan trọng ở đây là những bước đi và giải pháp cụ thể để tỉnh Quảng Trị đạt được những mục tiêu này.
Đổi mới tư duy làm quy hoạch
Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ (2020-2025), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác quy hoạch chung của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng, làm quy hoạch cần phải có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược để có một bản quy hoạch chất lượng. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nội lực. Tư duy phải đổi mới, tạo ra nguồn lực, động lực; tầm nhìn chiến lược là quy hoạch chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát huy nội lực của tỉnh.
Lý do bởi, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 bao gồm những nội dung rất quan trọng như: quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Do đó, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược là vô cùng quan trọng nhưng cũng phải thực tế, dễ hiểu, dễ làm và có tính khả thi.
Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đã được phê duyệt mang một tầm nhìn dài, mở ra hướng đi mới, không gian phát triển mới; phát huy được tiềm năng, thế mạnh, dư địa phát triển của tỉnh, biến bất lợi thành lợi thế để đưa Quảng Trị sớm trở thành một tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Những định hướng chiến lược
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở kế thừa, phát huy các định hướng, chiến lược, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đưa ra mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030 phát triển hài hòa giữa bốn mục tiêu: kinh tế - môi trường - an ninh quốc phòng - hợp tác khu vực, quốc tế.
Theo đó, đến năm 2030, Quảng Trị cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp (kinh tế công nghiệp - dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế năng lượng sạch và năng lượng tái tạo) của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Quảng Trị sẽ tập trung khai thác các lợi thế của tỉnh trên tuyến hành lang hạ tầng theo hướng Bắc - Nam, hành lang Đông - Tây và khai thác hợp lý dải không gian ven biển.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Đensavan, hai hành lang Lao Bảo - Đông Hà và La Lay - Mỹ Thuỷ để phát triển dịch vụ logistics và trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkong (GMS).
Cũng trong giai đoạn này, Quảng Trị ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tất cả các ngành, lĩnh vực để nhanh chóng số hóa nền kinh tế cũng như rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, hướng tới mục tiêu cao nhất và cuối cùng là cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân; hoàn thành về cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, khai thác phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho giai đoạn tiếp theo.
>>> Quảng Trị: Ngóng chờ những “đại dự án” động lực
Sớm hiện thực hóa mục tiêu
Để thực hiện mục tiêu, Quảng Trị lựa chọn 5 ngành trọng điểm phát triển. Trong đó, ngành năng lượng phát triển các cơ sở điện khí và công nghiệp khí tại Khu kinh tế Đông Nam và các nguồn năng lượng tái tạo tại các khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên gắn với xây dựng hệ thống truyền tải đồng bộ.
Đối với ngành du lịch, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sinh thái rừng gắn với du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử. Dịch vụ logistics phát triển tập trung tại Khu kinh tế Đông Nam, các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay, TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ trên cơ sở hoàn thành cảng Mỹ Thủy, sân bay và các tuyến đường Đông - Tây, cao tốc Bắc - Nam. Ngành công nghiệp chế biến tập trung vào công nghiệp silicat, chế biến gỗ, thủy sản, nông sản...
Đối với không gian phát triển của địa phương sẽ dựa trên 4 hành lang kinh tế động lực. Trong đó, hành lang ven biển kết nối các khu công nghiệp khí, khu công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế của cảng, các trung tâm đô thị - du lịch sinh thái... Hành lang trung tâm có phạm vi từ hai bên Quốc lộ 1 đến hai bên đường bộ cao tốc, kết nối các khu cụm công nghiệp chủ yếu, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và hệ thống đô thị trung tâm gồm TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các thị trấn Hải Lăng, Hồ Xá, Ái Tử và Gio Linh.
Hành lang Đông - Tây gồm hai tuyến Đông Hà - Lao Bảo và Mỹ Thủy - La Lay, kết nối các cơ sở thương mại cửa khẩu, logistics, du lịch sinh thái và hệ thống đô thị dọc theo Quốc lộ 9 và Quốc lộ 15D.
Hành lang kinh tế biên giới phát triển trên cơ sở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, kết nối khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, cửa khẩu quốc tế La Lay với các đô thị biên giới.
Theo ông Võ Văn Hưng, Quy hoạch đã chỉ ra cho các nhà đầu tư những lĩnh vực tỉnh Quảng Trị định hướng ưu tiên phát triển trong tầm nhìn trung hạn, dài hạn và trước mắt. Đây sẽ là cơ hội để các “đại bàng” nghiên cứu chiến lược đầu tư và quyết định “rót vốn” vào tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mình trên trường quốc tế. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Có quy hoạch tốt phải có dự án tốt, dự án tốt phải có nhà đầu tư tốt” – tỉnh Quảng Trị sẽ luôn sát cánh, đồng hành, sẵn sàng tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Đánh giá về tầm nhìn và mục tiêu của Quy hoạch, đại diện công ty CP MDF VRG Quảng Trị cho rằng, Quy hoạch của tỉnh đã cơ bản khắc phục được những hạn chế về sự chồng chéo giữa các quy hoạch trước đây và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, hạ tầng khu - cụm công nghiệp; xác định các khu vực cần ưu tiên đầu tư phát triển; tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư có tính toán đến các yếu tố về môi trường và phát triển bền vững. Hơn nữa, các định hướng phát triển vùng, lĩnh vực ngành đề cập trong quy hoạch tỉnh đã được cơ quan soạn thảo lắng nghe, tiếp thu từ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị tỉnh, quy hoạch tỉnh quảng Trị sẽ sớm được hiện thực hóa, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch Nam Định trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng
18:31, 06/03/2024
Thái Bình: Quy hoạch tỉnh mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư
14:44, 05/03/2024
Quảng Nam: Quy hoạch sân bay Chu Lai với nhiều chức năng
09:34, 05/03/2024
Phú Yên: Thực hiện 6 giải pháp để hiện thực hóa quy hoạch tổng thể tỉnh
01:38, 04/03/2024
Quy hoạch Tỉnh Thái Bình tạo động lực phát triển kinh tế
16:40, 03/03/2024
Tiền Giang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo quy hoạch mới
06:26, 24/02/2024
Đồng Tháp công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
13:18, 22/02/2024