Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Nên có cách ứng xử phù hợp
Xoay quanh vấn đề xây dựng chính sách, hành lang pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo theo tinh thần chỉ đạo, nhiều ý kiến cho rằng, dù thừa nhận hay cấm cũng nên có cách ứng xử phù hợp...
>> Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Cần nhận diện bản chất
Những năm gần đây, sự phát triển của nền kinh tế số đã góp phần sản sinh ra một loại tài sản mới – tài sản ảo. Theo thống kê của Boston Consulting Group, đến năm 2030, tài sản ảo nằm ở dạng token sẽ chiếm 10% GDP toàn cầu, với quy mô tương đương 16.100 tỷ USD. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về tài sản ảo, nhưng cơ bản, đây được cho là một giá trị số có thể được giao dịch, mua bán.
Thực tế cho thấy, trên thế giới đã không ít quốc gia xây dựng chính sách, hành lang pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo, tiền ảo nói riêng như: EU, Nhật Bản, Mỹ,… và một số nước khu vực châu Á như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…
Theo các chuyên gia, việc Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tiền ảo, tài sản ảo là một hành động rất quyết liệt và tích cực nhằm khôi phục uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế sau khi chúng ta bị đưa vào danh sách theo dõi tăng cường của FATF, vì không có đủ các cơ chế phòng chống rửa tiền, bao gồm phòng chống rửa tiền qua giao dịch tiền ảo, tài sản ảo.
Chưa kể, có khung pháp lý để quản lý đối với tiền ảo, tài sản ảo sẽ là cơ sở để quản lý các giao dịch liên quan, bảo đảm các yếu tố về nghĩa vụ thuế, giải quyết các tranh chấp, hạn chế tình trạng lừa đảo đã và đang diễn ra ngày một nhức nhối hiện nay.
>> Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ
Nhìn nhận về việc xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo, nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, cần nhanh chóng được triển khai, thực hiện.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, với quy mô giao dịch tài sản ảo như hiện nay, việc tận dụng tốt nguồn vốn từ các loại tài sản ảo sẽ rất có lợi cho nền kinh tế Việt Nam.
“Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Chúng ta được hưởng lợi nhưng cũng sẽ nhận những tác động tiêu cực. Dù muốn hay không, Việt Nam vẫn đang sở hữu một trong những cộng đồng crypto lớn nhất thế giới. Nếu không có cách ứng xử phù hợp, nền kinh tế Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ những giá trị tích cực của điều này”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, hầu hết chính phủ các nước đều lúng túng và quan ngại trước việc ứng xử sao với các loại tài sản ảo. Điều này là bởi, tiền tệ là một trong những chủ quyền quan trọng nhất đối với mỗi quốc gia.
Vì vậy, góp ý xây dựng, hoàn thiện chính sách, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho rằng, để tận dụng nguồn vốn ngoại, Việt Nam từng coi USD như một loại tài sản. Người dân có thể nắm giữ, gửi ngân hàng lấy lãi nhưng không được thanh toán bằng USD.
“Chúng ta có thể xem xét ứng xử với các loại tài sản ảo theo cách tương tự”, vị chuyên gia này đề xuất.
Còn theo ông Nguyễn Đoan Hùng - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với các loại tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo.
“Việc thừa nhận hay không thừa nhận, cấm hay điều chỉnh tài sản ảo đều sẽ đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh truyền thống như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và những người theo đuổi lĩnh vực kinh tế số như Blockchain, AI, IoT,...”, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định.
Được biết, theo báo cáo gần đây của Crypto Crunch App, Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo trên thế giới, với hơn 1/4 dân số sở hữu tiền ảo, nằm trong nhóm nước dẫn đầu về khối lượng giao dịch tiền mã hóa (đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance). Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về là hàng chục tỷ USD.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Đặc biệt, việc xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo cần chú trọng vào các vấn đề như: Công nhận tài sản ảo, tiền ảo; xây dựng chính sách thuế với tài sản ảo, tiền ảo; ngăn chặn rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo; bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân khi giao dịch tài sản ảo, tiền ảo…
Có thể bạn quan tâm
Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Cần nhận diện bản chất
04:00, 06/03/2024
Cần thiết hoàn thiện pháp lý về tiền ảo
14:52, 05/03/2024
Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ
04:00, 04/03/2024
Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo
03:20, 24/09/2023
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bịt “kẽ hở” quản lý… tiền ảo
04:00, 01/11/2022