Thống đốc NHNN: Hiện mới có 5 ngân hàng tham gia gói 120.000 tỷ đồng
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngay sau Đề án và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành, NHNN đã kêu gọi và nhận được sự đồng tình của 5 ngân hàng tham gia với tổng giá trị là 125.000 tỷ đồng.
>>Thủ tướng đề nghị nghiên cứu gói tín dụng lãi suất thấp cho nhà ở xã hội
Phát biểu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới là đề án có ý nghĩa rất lớn và là chương trình nhân văn để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo nhà ở cho người dân. Do đó, chương trình này đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và nguồn lực tài chính phải huy động từ nhiều kênh.
Hiện nay, nguồn lực ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế, theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là các ngành, các cấp, mỗi đơn vị, bộ ngành cần có những chính sách góp phần triển khai chương trình này. Chính vì vậy, ngay sau Đề án và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành, NHNN đã kêu gọi và nhận được sự đồng tình của 4 Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước. Đáng chú ý, đến nay có thêm 1 NHTM cổ phần nữa tham gia với tổng giá trị gói này là 125.000 tỷ đồng.
>>Đề xuất cắt giảm tối đa thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
“Số tiền để cho vay chính là tiền huy động của người dân và đã là tiền huy động của người dân thì các ngân hàng vẫn phải trả lãi. Số lãi suất ưu đãi cho 3 - 5 năm chính là nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng chứ không phải nguồn của ngân sách. Vì vậy, để thực hiện ưu đãi này, các ngân hàng cũng phải cân đối và hiện nay mới có 5 ngân hàng có thể cân đối được để tham gia gói này. Trong thời gian tới, các ngân hàng khác tham gia được thì chúng tôi cũng rất hoan nghênh”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Đối với việc cho vay, theo quy định, quy chế cho vay hiện hành, đến nay, trên cơ sở các dự án công bố của các địa phương, các ngân hàng thương mại đã cam kết trên 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần giải ngân hiện mới được gần 700 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân gói 15.000 tỷ đồng về thủy sản, chế biến gỗ triển khai rất nhanh mà chương trình nhà ở xã hội lại chậm, Thống đốc NHNN cho biết, gói vay này chủ yếu cho vay ngắn hạn, đối tượng vay là người sản xuất kinh doanh nên triển khai rất nhanh. Còn với gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội thì là gói vay trung dài hạn và phần giải ngân sẽ theo từng năm.
“Đây là những khoản vay 10 năm, 20 năm, 30 năm thì rõ ràng giải ngân được ít là điều dễ hiểu. Còn nhu cầu vay của các doanh nghiệp để xây dựng nhà ở thu nhập thấp, thì đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư, giá đất, giao đất, hạ tầng xung quanh…”, Thống đốc chia sẻ.
Hơn nữa, “nhu cầu về nhà ở thì ai cũng có, tuy nhiên để hiện thực hóa nhu cầu này còn phụ thuộc vào nhu cầu của cá nhân. Những người có thu nhập thấp hoặc công nhân làm việc ở các khu công nghiệp thì thường thiên về xu hướng đi thuê”, bà Nguyễn Thị Hồng lý giải thêm.
Ngoài ra, gói 30.000 tỷ đồng trước đây là thực hiện trong vòng 3 năm (từ năm 2013 – 2016), còn đây là chương trình 10 năm và mới thực hiện được 1 năm. Trong khi nhu cầu vay của người dân còn thấp vì do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, khiến việc người dân lựa chọn đi vay để mua nhà còn hạn chế. Do đó, trước mắt tập trung cho vay các doanh nghiệp để xây những căn nhà này.
Từ phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận thấy rằng, để hướng tới mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới, đồng thời giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, là nhu cầu sở hữu hay nhu cầu thuê mua để tham mưu về nguồn tài chính.
Đối với nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở, theo bà Hồng, phải là nguồn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa… Còn đối với nhu cầu vay để mua nhà ở sẽ tiếp cận từ nguồn vốn tín dụng.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tục kêu gọi các NHTM giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên, việc huy động của người dân và lãi suất thay đổi dựa theo thời gian, biến động của thị trường. Do vậy, các ngân hàng cũng tính toán để đưa ra lãi suất hỗ trợ 3 - 5 năm, còn thời hạn vay có thể 10, 20, 30 năm, tùy vào thỏa thuận của tổ chức tín dụng với người vay. Tuy nhiên, cần phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xây nhà để cho thuê, điều này cần đòi hỏi nhiều chính sách ưu đãi.
Về đối tượng vay của gói 120.000 tỷ đồng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ thêm, đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên, theo Luật Nhà ở mới ban hành cho phép doanh nghiệp và hợp tác xã trong khu công nghiệp được mua nhà để cho công nhân thuê. Đây là đối tượng có nhu cầu rất lớn và nếu làm được thì sẽ đáp ứng nhu cầu chủ yếu của công nhân muốn thuê nhà.
Để triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10 - 15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3 - 5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu gói tín dụng lãi suất thấp cho nhà ở xã hội
22:51, 16/03/2024
Trong năm 2024 Hải Dương cần khoảng 1.000 căn nhà ở xã hội
22:38, 16/03/2024
Thủ tục đầu tư nhà ở xã hội: "Trên trải thảm, dưới rải đinh"
19:43, 16/03/2024
Đề xuất cắt giảm tối đa thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
13:20, 16/03/2024
Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Xem xét hạ lãi suất gói vay 120.000 tỷ đồng
09:18, 16/03/2024