Khai mở tiềm năng du lịch tâm linh
Sản phẩm du lịch tâm linh tại các điểm đến đang dần nâng cao chất lượng, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách và có thể tạo sức hút với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
>>Tour du lịch tâm linh, lễ hội sôi động
Với nhiều tài nguyên về di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội văn hóa,... các địa phương, doanh nghiệp có thể dựa vào để xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp tạo sự đa dạng cho điểm đến và độc đáo trong hành trình của du khách.
Tiềm năng rộng mở
Với bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng,... đây có thể được xem là nguyên tố để hình thành sản phẩm du lịch tâm linh. Hiện tại, đã có nhiều địa phương tổ chức các lễ hội gắn với tín ngưỡng, lễ hội dân gian,... cùng với nhu cầu du lịch kết hợp đi lễ của du khách tạo thêm “lực đẩy” để lĩnh vực này phát triển.
Ghi nhận thời gian qua, đã có nhiều khu du lịch, văn hóa tâm linh như Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Núi Bà Đen (Tây Ninh),... thu hút đông đảo du khách thập phương đến để tham quan, thể hiện tín ngưỡng và những con số ghi nhận lượt khách đều tăng sau từng năm. Vì vậy, nếu các địa phương tận dụng tốt tiềm năng có thể hình thành dòng sản phẩm du lịch văn hóa rất hấp dẫn và là đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Đến Đà Nẵng, anh Nguyễn Quốc Duy – du khách Hà Tĩnh đã đến khu vực Ngũ Hành Sơn và Chùa Linh Ứng để tham quan, cầu nguyện. Theo anh Duy, các điểm đến tâm linh mang lại cảm giác thư thả cho du khách trong hành trình du lịch.
“Phần lớn người Việt Nam khi đi du lịch đều muốn có một nơi để cầu bình an cho gia đình, bạn bè. Với nhiều người, đây cũng có thể là phần không thể thiếu vì nhu cầu tín ngưỡng hiện nay đang tăng rất cao”, anh Duy chia sẻ.
Ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà cho hay phía doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhiều sản phẩm tour và hầu hết các tour đều có đến khu vực đền, chùa,... trên cả trong nước và cả nước ngoài. Theo góc nhìn của ông Lộc, sản phẩm du lịch tâm linh thường được kết hợp vào sản phẩm du lịch truyền thống và nhu cầu tín ngưỡng của du khách hiện nay khá cao.
“Thực tế hiện nay du khách sẽ kết hợp tâm linh vào hành trình tham quan của mình, đặc biệt là vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán thì càng đông hơn. Và không chỉ trong nước, các tour đi nước ngoài du khách cũng có nhu cầu ghé các địa điểm tâm linh để cầu may, cầu duyên. Ngoài khách Việt thì khách quốc tế cũng quan tâm đến lĩnh vực này, vì họ thấy lạ và độc đáo”, ông Lộc nói.
Có thể khai thác bền vững
Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam du lịch tâm linh có thể coi là một loại hình có khả năng phát triển ở một số địa phương có giá trị văn hóa tâm linh. Hiện nay, ông Dũng đánh giá đang có một số địa phương làm rất tốt công tác này và phần lớn là để phục vụ khách du lịch trong nước, đối với khách du lịch quốc tế ghi nhận chưa nhiều.
Theo góc nhìn của ông Dũng, khách quốc tế phần lớn khi đến với các địa điểm tâm linh là để tham quan cảnh quan, tìm hiểu về tín ngưỡng chưa không phải đạt được niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng dựa theo giá trị tài nguyên văn hóa tâm linh của địa phương mà mỗi nơi có thể tìm cách khai thác phù hợp, vừa giữ được giá trị, vừa giới thiệu được cho du khách về văn hóa tâm linh.
“Nếu làm được hoặc tạo thành tuyến sản phẩm mang giá trị văn hóa tâm linh thì địa phương, doanh nghiệp có thể sẽ khai thác bền vững. Bởi lẽ, du lịch tâm linh sẽ không phụ thuộc vào thời tiết, không phụ thuộc vào thời vụ do đó sẽ thu hút được du khách bền vững hơn. Tuy nhiên, phải cân nhắc giữa du lịch tâm linh với du lịch lễ hội, vì hiện nay đang gắn du lịch tâm linh với lễ hội và các lễ hội gắn với giá trị văn hóa tâm linh thu hút được rất đông khách du lịch. Đây là một loại hình du lịch khá đặc biệt”, ông Dũng nhìn nhận.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các con số đang chứng minh du lịch tâm linh dần trở thành xu hướng, có thể tạo nguồn thu cho du lịch, tạo nên sự đa dạng trong hành trình tham quan và hệ thống sản phẩm du lịch. Đối với các sản phẩm này có thể khai thác được chiều sâu của văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.
Tuy nhiên, để hình thành các sản phẩm du lịch gắn với tâm linh, tín ngưỡng cần phải được tổ chức bài bản, văn minh, chú trọng tới trải nghiệm văn hóa. Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư về nguồn lực, tăng trải nghiệm cho du khách dựa vào các giá trị văn hóa sẵn có và tránh “biến tướng”, “thương mại hóa”.
Có thể bạn quan tâm