Từ bảng xếp hạng GOI, Việt Nam cần làm gì?
Việt Nam lọt top 5 trong 10 nền kinh tế mới nổi có chỉ số đầu tư toàn cầu tốt nhất, xếp trên Ấn Độ nhưng kém một số quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Chỉ số cơ hội đầu tư toàn cầu (Global Opportunity Index - GOI) là bảng xếp hạng uy tín do Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Mikel (Mỹ) công bố định kỳ. Việc đánh giá thứ hạng dựa trên 100 tiêu chí thuộc 5 nhóm: Nhận thức kinh doanh; các yếu tố kinh tế nền tảng; dịch vụ tài chính; khung thể chế; tiêu chuẩn và chính sách quốc tế. Xếp hạng bao gồm 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo kết quả mới công bố, nhóm 5 quốc gia dẫn đầu đều thuộc khu vực châu Âu, tuần tự là Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Mỹ và Anh. Đông Nam Á dẫn đầu các khu vực mới nổi. Trong đó, Việt Nam lọt top 5, sau Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia. Đáng chú ý, trong 10 nền kinh tế mới nổi tại châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp trên Ấn Độ một bậc về cơ hội đầu tư toàn cầu. Tính chung trong bảng xếp hạng toàn cầu, Ấn Độ kém Việt Nam 7 bậc.
Báo cáo GOI cho biết trong thời gian từ năm 2018-2022, nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á thu hút 53,2% dòng vốn đầu tư chảy vào các nước mới nổi và đang phát triển trên toàn cầu.
Nguyên nhân chính do quan hệ Trung Quốc - Mỹ căng thẳng nên nhà đầu tư quốc tế thực hiện chiến lược “frienshoring” – tìm đến quốc gia thân thiện nhằm phân tán rủi ro địa chính trị.
Trung Quốc vẫn là nền kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 1/2 lượng vốn chảy vào các nước mới nổi, nhưng vị trí của họ trong bảng GOI toàn cầu ở mức 39 - thứ hạng không thực sự quá cao. Điều này có thể giải thích: Mặc dù thể chế, chính sách ẩn chứa nhiều rủi ro với công ty phương Tây, song nhà đầu tư không thể không hiện diện tại thị trường quan trọng nhất thế giới nhờ khả năng cung ứng nhân lực, công nghiệp phụ trợ, sức tiêu dùng mạnh mẽ,…
Malaysia xếp đầu bảng các nền kinh tế mới nổi, đây là quốc gia khá tương đồng với điều kiện của Việt Nam. Hiện nay, nước này là nhà xuất khẩu chip thứ 6 toàn cầu, nền kinh tế được đánh giá tăng trưởng bền vững nhất khu vực, trung bình 5,3% trong thập kỷ liên tục.
Malaysia có môi trường pháp lý ổn định, nhạy bén với thực tiễn mới phát sinh. Ví dụ, nhiệm vụ cấp phép đầu tư do một cơ quan duy nhất thực hiện là Cơ quan phát triển đầu tư trực thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại. Điều này giúp rút ngắn tối đa thời gian phê duyệt dự án, không như nhiều quốc gia trong khu vực, mỗi dự án đầu tư nước ngoài phải kinh qua rất nhiều Bộ, ngành, dễ phát sinh các thủ tục hành chính chồng chéo, rườm rà, nạn quan liêu, tham nhũng,…
Điểm sáng ở Malaysia là họ sở hữu thị trường tài chính thông thoáng bậc nhất châu Á, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng niêm yết, huy động vốn. Các ưu đãi về thuế, phí cơ bản giống các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên trách nước này thực hiện rất nhanh chóng.
Một số ưu đãi điển hình khác, như cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hoàn toàn cổ phần nếu xuất khẩu được 80% sản phẩm trở lên; giảm 10% thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu; giảm 5% giá trị nguyên liệu đầu vào nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu, cũng như chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường.
Từ chỉ số GOI nói chung và trường hợp của Malaysia nói riêng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển sang trái phiếu
14:36, 25/06/2020
Ngày hội đầu tư toàn cầu: Mang startup Việt ra thị trường thế giới
07:37, 24/03/2018
Trợ lực doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường kinh doanh
03:00, 10/03/2024
Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
04:00, 21/02/2024
Khát vọng doanh nhân Việt: Môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng
04:00, 13/02/2024
Cần cải cách mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng
05:00, 25/01/2024