Cần cải cách mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng

Diendandoanhnghiep.vn Bức tranh phát triển của doanh nghiệp trong năm 2024 được đánh giá có nhiều cơ hội “dương buồm đón gió”, song vẫn còn nhiều thách thức, áp lực bởi các hệ quả rủi ro của kinh tế và chính trị  toàn cầu.

>>Để minh bạch môi trường kinh doanh

Đây là những nhận định của TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt trong bối cảnh năm 2024 được dự báo còn rất nhiều khó khăn.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội)

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Thưa ông, nhìn lại năm 2023, ông đánh giá như thế nào về vai trò của chính sách tới sự phát triển kinh tế và doanh nghiệp Việt nam trong năm qua?

Năm 2023 được đánh giá là năm kinh tế ảm đạm, nhưng có sự tăng trưởng nhẹ từ Quý 2 trở về cuối năm. Lý giải về sức mạnh quyết tâm đổi mới nào đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 quý cuối năm, cũng như cả năm 2023 tôi đề cập tới 3 yếu tố.

Một là sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội và  các cơ quan Chính phủ nhằm thúc đẩy các chương trình và chính sách phục hồi kinh tế; Các giải pháp chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vừa kích thích tổng cầu. Trong đó có chính sách ngoại giao mở rộng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh, lợi thế so sánh động và sự tự tin môi trường đầu tư (thu hút FDI đạt được những thành tựu mới).

Hai là không thể không kể đến tinh thần trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến và phản biện xã hội của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, hiệp hội, các trường Đại học, Viện nghiên cứu,..Điều đó tiếp lửa cho sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp lãnh đạo và quản lý từ trung ương đến địa phương trong việc "phá băng" nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn trong ngoài. 

Ba là, bên cạnh nhờ sự hỗ trợ của sự chuyển đổi mạnh mẽ sang nền tảng kinh tế số, các cơ hội đến từ chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng mới, động lực đến từ những ý tưởng kinh doanh đổi mới - sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ đã giúp nhiều doanh nghiệp thoát ly khỏi mô hình kinh doanh truyền thống, khơi dậy được phần nào tinh thần tự chủ kinh doanh và vượt qua được những cơn gió ngược của nền kinh tế 2023.

Với những điểm sáng trên, ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế vĩ mỗ năm 2024?

>>Năm 2024 mục tiêu hoàn thiện các quy hoạch năng lượng

Tuy có những điểm tựa mới, nhưng thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt trong bối cảnh năm 2024 được dự báo còn rất nhiều khó khăn. Bởi, tổng cầu thế giới vẫn có xu hướng đi ngang hoặc suy giảm, chưa thể phục hồi. Trong dài hạn, năm 2025 mới có dự báo thích ứng và phục hồi tổng cầu.

Thứ hai, các tiêu chuẩn, rào cản thương mại đầu tư mới đến từ các chính sách lợi ích quốc gia của từng nước hoặc khu vực, đặc biệt là những đối tác lớn mang tính chất dẫn dắt dòng chảy thương mại đầu tư toàn cầu như châu Âu, châu Mỹ, Đông Bắc Á… đều áp dụng dụng chuẩn mực, tiêu chuẩn mới. Do đó doanh nghiệp Việt muốn thích ứng, tiệm cận để giành lợi thế cạnh tranh cần phải nỗ lực hơn nữa.

Mặt khác, xu thế phân cực đang “lên ngôi” ở một số khu vực trên thế giới kéo theo chiến tranh và rào cản thương mại. Những rào cản còn có thể đến từ việc các nước tự định vị những giá trị mới về thương mại, đầu tư. Việc này gắn với những chuẩn mực mới về tiêu dùng toàn cầu như tiêu dùng xanh, chuyển dịch năng lượng tái tạo, tăng trưởng công bằng và bao trùm. Các quốc gia yêu cầu hàng hoá dịch vụ bên cạnh chất lượng, cạnh tranh về giá cả thì phải đáp ứng được giá trị mới của người tiêu dùng về phát triển bền vững, dùng năng lượng thân thiện và tái tạo, không có sự bất công, bóc lột, phải có sự bình đẳng của các chủ thể trong xã hội…

Trước những điều kiện, nhu cầu trên, thế giới cũng đã và đang điều chỉnh, người tiêu dùng chuyển sang tiêu chí mới về chuẩn mực sản phẩm. Những chuẩn mực mới, yêu cầu mới này đang khiến cho nền sản xuất của Việt Nam không theo kịp, từ đó dẫn đến bị mất đơn hàng, rõ nét nhất là dệt may, da giày…

Đơn cử như dệt may, nhiều ý kiến cho rằng, việc mất đơn hàng là do Việt Nam chậm chuyển đổi năng lượng đầu vào cho sản xuất công nghiệp, dẫn đến tiêu chuẩn sản xuất xanh của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn mới trong dệt may, da giày. Ngược lại, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ do Việt Nam duy trì lợi thế về giá cả thông qua nhân lực lao động trẻ, giá nhân công thấp, duy trì ưu đãi thuế, một số yếu tố đầu vào rẻ như tiền thuê đất, nhà xưởng, điện, nước…

Đây là giới hạn mà trước đây đã tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp nói riêng, năng suất, hiệu quả cho nền kinh tế nói chung. Điểm nghẽn này được phát hiện từ trước Covid-19, đó là, sự thay đổi khẩu vị tiêu dùng, những yêu cầu tiêu chuẩn tiêu dùng hàng hoá toàn cầu. Như vậy, nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị và theo kịp sự thay đổi thể chế thương mại đầu tư toàn cầu thì sẽ bị bỏ lại phía sau.

Vậy để vượt qua những rủi ro và khó khăn này, theo ông chúng ta cần những chính sách nào?

Theo tôi trước tiên là nguồn nhân lực, chúng ta phải có giải pháp phát huy động lực và tinh thần kiên cường bất khuất của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp nội địa của Việt nam cần thay đổi thói quen làm ăn theo kiểu “tranh tối tranh sáng”, chộp giật, không rõ ràng, thiếu minh bạch… Vì đây là yếu tố làm cản trở khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, về chính sách, Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ nhằm thay đổi căn bản chính sách, thể chế liên quan đến môi trường kinh doanh, bởi điều này sẽ làm nền tảng để tạo dựng một trật tự kinh doanh mới, một nền tảng tăng trưởng mới cho Việt Nam trong thời gian tới. Bởi để xây dựng một nền tảng, sức khoẻ, bền bỉ, sáng suốt cho cộng đồng doanh nghiệp thì phải tạo ra được môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực hiện được điều này chúng ta kỳ vọng Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 sẽ được thực hiện hóa quyết liệt trong năm 2024.

Đặc biệt các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.

Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Những nền tảng này sẽ tạo ra động lực cạnh tranh và đổi mới mạnh mẽ từ các bộ ngành, địa phương, lan tỏa xuống các ngành hàng và doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Cần cải cách mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714397870 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714397870 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10